SEEK tiết lộ những người làm nghề được trả lương cao nhất tại Úc. Ảnh: SBS
Trong lúc Úc vẫn đang thiếu hụt lao động tay nghề, các ngành trade như đầu bếp, thợ mộc, thợ hàn, thợ xây dựng… tiếp tục là lựa chọn ổn định cho du học sinh Việt Nam muốn định cư. Cùng tìm hiểu về cơ hội, lộ trình học tập, làm việc và các loại visa phù hợp dành cho nhóm ngành này.
Dưới đây là một vài thông tin đến từ Hoàng và Tracy Ngô - đại diện di trú từ APC Australia.
Nhóm ngành trade là gì?
Trade là nhóm ngành nghề tay nghề chuyên biệt, có thể hiểu nôm na là "nghề thợ" - như thợ điện, thợ mộc, thợ hàn, thợ ốp lát, thợ xây dựng, đầu bếp (cook, chef), thợ làm bánh, thợ điện lạnh... Các nhóm này đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động Úc.
Đặc biệt, nhóm này đang có nhu cầu cao tại nhiều tiểu bang và được đánh giá là điểm sáng do ngưỡi học dễ đạt thẩm định tay nghề, dễ xin visa tay nghề và có lộ trình rõ ràng từ du học tới định cư.
Tracy Ngo và Liz Hoàng (SBS Vietnamese)
Chương trình từ du học tới định cư tay nghề
Người học sẽ theo học một khóa TAFE/VET từ 1.5 - 2 năm, sau đó tham gia chương trình Job Ready Program và tích lũy 1.800+ giờ làm việc thực tế có lương. Đây là bước quan trọng để xin thẩm định tay nghề.
Sau khi có thẩm định, học viên sẽ nộp EOI để xin visa 189, 190 hoặc 491 tùy theo điểm số và khu vực học. Các vùng regional (Adelaide, Perth, Tasmania...) được cộng điểm và ưu tiên khi xin tiểu bang đề cử.
Tuy nhiên, ngay cả khi học tại Melbourne hay Sydney, người học vẫn có thể xin visa 491 nếu cam kết chuyển ra regional hoặc tìm được việc tại đó. Yếu tố quyết định vẫn là: chọn đúng ngành, học đúng vùng, và có việc làm đúng nghề.
Visa doanh nghiệp bảo lãnh và chương trình DAMA: lựa chọn linh hoạt cho người không đủ điểm
Trong trường hợp chưa đủ điểm xin 189 hoặc 190, nhiều người chọn visa do doanh nghiệp bảo lãnh như 482, 494 hoặc 186. Đây là con đường hợp lý cho nhóm trade gặp khó khăn về tiếng Anh hoặc chưa đủ bằng cấp.
Thậm chí, với các vùng DAMA (Designated Area Migration Agreement), nhiều nhóm nghề có thể xin visa với điều kiện linh hoạt hơn như không yêu cầu IELTS cao, không yêu cầu bằng cấp, giới hạn tuổi có thể lên đến 55.
Nhờ việc chủ doanh nghiệp bảo lãnh, người lao động tay nghề có thể chủ động tăng cơ hội ở lại hợp pháp tại Úc.
Du học nghề và xin định cư tay nghề đang là lựa chọn hợp lý và hiệu quả với nhiều người trẻ Việt Nam mong muốn ở lại Úc. Tuy nhiên, tùy theo trường hợp của từng người, việc chọn ngành, vùng học, cách xin thẩm định hay điểm số visa nên được tư vấn kỹ lưỡng để đạt hiệu quả tối ưu.
(*Những thông tin trong bài viết này chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn có nhu cầu định cư tại Úc, nên liên hệ với các đại diện di trú (Registered Migration Agents) để được tư vấn chính xác. Thông tin về các đại diện di trú có thể tìm thấy trên trang web của OMARA.)