Dư luận quốc tế đang theo dõi sát “cuộc chiến” giữa cơ quan quản lý Úc và các công ty Facebook, Google liên quan dự luật của Úc buộc các hãng công nghệ phải trả tiền cho tin tức báo chí.

 

 

Giống như tình hình tại nhiều nước khác, Chính phủ Úc đang chật vật tạo lập sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các ông lớn công nghệ và ngành công nghiệp báo chí truyền thống.

 

 

“Những ngày sống nhờ miễn phí vào nội dung của người khác của các nền tảng công nghệ sẽ kết thúc. Họ kiếm được lợi ích khủng từ việc khai thác nội dung tin tức do những người khác tạo ra và đã đến lúc họ phải thôi bác bỏ sự thật cơ bản này” – Michael Miller (chủ tịch điều hành của News Corp Australasia, công ty con thuộc Tập đoàn News Corp)

 

 

 

Đầu tuần này mạng xã hội Facebook công bố kế hoạch sẽ ngăn chặn việc chia sẻ tin tức của người dùng cũng như các cơ quan báo chí trên nền tảng này nếu dự luật buộc các hãng công nghệ như Facebook, Google phải trả tiền cho báo chí được phê chuẩn và có hiệu lực tại Úc.

 

 

Tuyên bố đe dọa của Facebook rõ ràng đã “đốt nóng” cuộc chiến chống độc quyền giữa Chính phủ Úc và công ty này. Quan điểm của Canberra là muốn Facebook và Google phải chia sẻ lợi nhuận, trả tiền cho các đơn vị báo chí vì những giá trị họ đã mang lại cho các nền tảng mạng xã hội.

 

 


Theo Hãng tin Bloomberg, dự luật đã nêu sẽ còn phải chờ được Quốc hội Úc phê chuẩn. Trong đó có điều khoản nêu rõ: nếu hai hãng công nghệ và các đơn vị báo chí không thể đạt được thỏa thuận về mức chi trả trong vòng ba tháng, một ủy ban trọng tài của chính phủ sẽ quyết định việc này trong vòng 45 ngày làm việc.

 

 

Trong thông cáo đăng trên blog công ty đầu tuần này (31-8), Facebook cho rằng dự luật đề xuất của Chính phủ Úc là không công bằng và sẽ cho phép các cơ quan báo chí đơn phương tính phí theo mức họ muốn.

 

 

Facebook nói nếu dự luật được phê chuẩn, công ty này sẽ thực thi một bước chưa có tiền lệ là ngăn cản người dùng Facebook tại Úc chia sẻ tin tức trên hai nền tảng mạng xã hội thuộc quản lý của họ là Facebook và Instagram.

 

 

“Đây là quyết định bất đắc dĩ chúng tôi phải làm – bà Campbell Brown, phó chủ tịch Facebook phụ trách quan hệ đối tác tin tức toàn cầu giãi bày – Đó là cách duy nhất để tự vệ trước một kết cục sẽ gây tổn hại chứ không giúp ích gì cho các cơ quan truyền thông của Úc”, đồng thời tiết lộ Facebook đang tiếp tục nghiên cứu cách thức cụ thể để chặn hoạt động chia sẻ tin tức báo chí trên nền tảng này.

 

 

Quyết định của Facebook nếu được thực thi có thể gây trở ngại lớn cho các cơ quan báo chí trong việc tiếp cận lượng độc giả quy mô lớn. Thực tế, chỉ trong năm tháng đầu năm 2020, Facebook cho biết đã có 2,3 tỉ lượt click chuột vào kết nối từ bảng cấp tin (news feed) của họ tới các trang web tin tức của Úc.

 

 

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, việc không cho người dùng chia sẻ tin tức báo chí trên nền tảng cũng sẽ khiến Facebook kém hấp dẫn hơn với nhiều người dùng ở Úc thường đọc tin tức từ mạng xã hội.

 

 

Ông Rob Nicholls, phó giáo sư luật kinh doanh tại Đại học New South Wales, chia sẻ quan điểm trên trang The Conversation, cho rằng với thông điệp đe dọa, Facebook tỏ rõ việc họ không có ý định đàm phán, thương thuyết, bất kể rằng Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC) cho phép hai phía tiếp tục thương lượng tìm giải pháp.

 

 

Vị chuyên gia này cũng nhận định nếu Facebook thực hiện thông điệp cảnh báo, nền tảng này cũng sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều tại Úc.

 

 

Tuy nhiên bà Campbell Brown nói tổn thất này “không đáng kể” vì tin tức chỉ là một phần nhỏ trong số những gì người dùng xem trên nền tảng của họ.

 

 

Cùng với Facebook, Google cũng đã lên tiếng cảnh báo về dự luật của Úc. Trong thư ngỏ, bà Mel Silva, giám đốc điều hành của Google Australia, cho rằng dự luật đó “sẽ buộc chúng tôi phải cung cấp cho quý vị các tiện ích Google Search và YouTube với chất lượng sa sút đột ngột”, và “đặt các dịch vụ miễn phí này vào thế nhiều rủi ro ở Úc”.

 

 

 

 

 

 

Facebook vẫn chưa chịu trả phí cho báo chí dù liên tục bị chỉ trích – Ảnh: Reuters

 

 

 

Trước phản ứng của Facebook, Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg cho rằng việc buộc các nền tảng số trả tiền cho nội dung gốc sẽ giúp tạo ra “một bối cảnh truyền thông bền vững hơn”.

 

 

Trong khi đó, chủ tịch ACCC Rod Sims cho rằng thông điệp đe dọa của Facebook là “không phù hợp về thời điểm và sai lầm về nhận thức”.

 

 

Theo ông Sims, dự luật đề xuất của Úc mong muốn mang lại “sự công bằng và minh bạch” cho quan hệ giữa Facebook, Google và các hãng tin tức của Úc.

 

 

Theo Tổ chức phi lợi nhuận Public Interest Journalism Initiative, kể từ tháng 1-2019 hơn 200 phòng tin tức trên toàn nước Úc đã phải cắt giảm hoạt động, đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn.

 

 

Trong tháng 5, Tập đoàn tin tức News Corp của ông trùm Rupert Murdoch đã phải công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự và đình bản hơn 100 tờ báo in tại nhiều khu vực và địa phương ở Úc. Trong nhiều năm qua, ông Murdoch đã liên tục tranh đấu cho vấn đề buộc Facebook và Google phải trả tiền cho tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của họ.

 

 

Dự luật của Úc chỉ là một phần trong nỗ lực chung toàn cầu của nhiều cơ quan chính phủ đang muốn quản lý thỏa đáng hơn các ông lớn công nghệ.

 

 

Tại một số nước, chính quyền không chỉ lo ngại việc Facebook, Google đang chiếm gần hết nguồn thu từ quảng cáo của báo chí truyền thống, mà còn vì nhiều nội dung trên các nền tảng gây chia rẽ, thù hận và kích động chỉ trích, tranh cãi.

 

 

Diễn biến chung cuộc của dự luật Úc yêu cầu Facebook, Google trả tiền cho báo chí chắc chắn sẽ được nhiều nước trên thế giới theo dõi. Là bởi đã có những nước từng phê chuẩn điều luật tương tự nhưng hiệu quả thu được vẫn chưa như mong muốn.

 

 

Chẳng hạn tại Pháp, sau khi chính quyền phê chuẩn luật bắt Google phải trả tiền với những đoạn trích xem trước (preview) của bài báo hiển thị trên nền tảng tin tức Google News, Google đã chọn cách lách luật bằng việc chỉ hiển thị tít bài (headline) mà không có preview. Dĩ nhiên với những tờ báo chấp nhận “cho không” Google, tin bài của họ vẫn được hiển thị bình thường với phần preview và hình ảnh đại diện (thumbnail).

 

 

Google cũng từng dẹp luôn ứng dụng Google News tại Tây Ban Nha năm 2014 sau khi nước này thông qua luật bắt họ trả tiền báo chí.