Phó lãnh đạo Đảng Lao động tiểu bang NSW, Prue Car, cho biết chẩn đoán đã được xác nhận sau khi các xét nghiệm được thực hiện cho thấy một khối u lớn trên một bên thận của cô. Nguồn: AAP / Dan Himbrechts

 

 

 

Rào cản ngôn ngữ và sự phức tạp của hệ thống pháp lý đã khiến phụ nữ di cư và tị nạn gặp khó khăn hơn trong việc tìm hỗ trợ khi bị bạo lực gia đình. Ở New South Wales, một trung tâm chuyên biệt hiện đã được thành lập nhằm thu hẹp khoảng cách này. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý và những người ủng hộ cho rằng đối với một số người, khả năng tiếp cận dịch vụ vẫn còn hạn chế.

 

Vấn đề bạo lực gia đình vốn vẫn thường ẩn sau những cánh cửa đóng kín, đã trở thành tâm điểm chú ý của cả nước, và trọng tâm hiện nay là làm thế nào để ngăn chặn nó.

 

Chính quyền tiểu bang New South Wales đang thành lập một trung tâm chuyên môn trị giá 4,4 triệu đô-la ở Tây Sydney như công bố ngày 10 tháng Năm.

 

Phó Thủ hiến tiểu bang Prue Car cho biết đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của chính phủ nhằm xóa bỏ bạo lực gia đình.

"Chúng tôi không thể thực hiện điều đó một cách nghiêm túc nếu không bảo đảm rằng tất cả phụ nữ, kể cả phụ nữ đa văn hóa và phụ nữ tị nạn, nhất là những người ở khu vực Tây Sydney có thể tiếp cận các dịch vụ. Vì vậy, đây chỉ là một phần trong những gì chúng tôi đã công bố trong tuần trước. Và tôi rất vui mừng vì nó ở Tây Sydney là nơi cần dịch vụ này. Như Bộ trưởng đã nói, nó phục vụ phụ nữ trên toàn tiểu bang, nhưng văn phòng sẽ ở Tây Sydney, là nơi nó cần có.”

 

Trung tâm Đa văn hóa New South Wales về An toàn Phụ nữ và Gia đình sẽ đóng vai trò là điểm khởi đầu cho phụ nữ có nguồn gốc đa văn hóa tìm đến để kết nối họ với các dịch vụ hỗ trợ bạo lực gia đình, dịch vụ định cư và với các thông dịch viên.

 

Nó cũng sẽ giúp cung cấp hỗ trợ thông tin và tư vấn tài chính.

 

Giám đốc trung tâm Gulnara Abbasova cho biết những hỗ trợ đòi hỏi phù hợp một số yêu cầu văn hóa đặc thù sẽ được cung cấp bằng chính ngôn ngữ của văn hóa đó.

"Tìm hiểu và sử dụng dịch vụ trong một hệ thống phức tạp vào thời điểm khủng hoảng là một điều không dễ đối với bất kỳ ai. Khi bạn mới đến Úc, bạn nói ít hoặc không nói được tiếng Anh, không có người thân nào bên cạnh thì khó khăn sẽ còn lớn hơn nhiều. Thêm vào đó, cứ hình dung việc phải đối mặt với cấn kỵ trong văn hóa của bạn, cộng với sự không nhất quán trong cách giải quyết vấn đề của các dịch vụ và các trở ngại của nơi bạn cư trú, tất cả những điều này là là những trải nghiệm không dễ dàng gì. Trung tâm là một mô hình toàn diện, chúng tôi tập trung vào mức độ ảnh hưởng và phạm vi tiếp cận. Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho phụ nữ di cư và tị nạn, khi một phụ nữ được giới thiệu đến hệ thống, cô ấy sẽ được người của văn phòng dịch vụ hỗ trợ, người này sẽ có những ứng xử phù hợp với mặt văn hóa tập tục mà khách hàng cần, hỗ trợ khách hàng trong việc tìm ra những dịch vụ mà cô ấy cần trong cái mê cung của hệ thống an toàn.”

 

Một cuộc khảo sát năm 2021 của Harmony Alliance và Đại học Monash ở Melbourne cho thấy một phần ba phụ nữ tị nạn và nhập cư ở Úc phải trải qua một số hình thức bạo lực gia đình.

 

Trong số đó, 91% là bị kiểm soát về hành vi thái độ cũng như giao tiếp.

 

Và 42% bị bạo lực thể chất hoặc tình dục.

 

Thành viên hội đồng Liên Minh Hòa Hợp Harmony Alliance là Rana Ebrahimi cho biết khả năng tiếp cận hỗ trợ theo từng loại hình là khác nhau.

"Đó là một phát hiện khác trong nghiên cứu mà chúng tôi thực sự đã thực hiện. Nó khá khác nhau ở mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ và đó là một yếu tố khác cộng vào thêm khả năng dễ bị tổn thương của phụ nữ ở những khu vực này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tán dương thông lệ mới ở Sydney và chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ được mở rộng sang các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác."

 

40% người có thị thực tạm thời được khảo sát nói rằng họ đã từng trải qua bạo lực gia đình.

 

Giám đốc điều hành Dịch vụ Pháp lý Phụ nữ Nadia Bromley cho biết điều này khiến tình trạng cư trú trở thành một yếu tố quan trọng, đặc biệt đối với phụ nữ có thị thực tạm thời.

"Họ phải đối mặt với những mối đe dọa mới và bị kiểm soát nhiều hơn bởi những người sử dụng bạo lực. Những người này thường lấy việc họ bị trục xuất hoặc bị tách khỏi con cái hoặc buộc phải rời khỏi đất nước mà không có con cái của họ lra để mối đe dọa các phụ nữ. Đó là hoàn cảnh rất khó khăn và nhiều đau khổ cho những người phụ nữ vốn đã không có khả năng tự vệ hoặc tìm kiếm dự bảo vệ, do đó mà rào cản mang tính hệ thống khác là một thứ mà họ cần phải vượt qua nữa."

 

Bà Bromley cho biết họ cũng phải đối mặt với những thách thức khác khi tìm kiếm sự hỗ trợ.

"Cũng giống như những rào cản về ngôn ngữ, sự phức tạp của hệ thống pháp luật, hay như là việc hồi phục sau chấn thương do bạo lực gia đình, họ bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ, và nhiều người trong số họ không được tiếp cận với các dịch vụ Centrelink, nên họ không thể nhận được sự hỗ trợ điều trị. Họ không có Medicare, nên họ không thể nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe đáp ứng cho bất kỳ tổn thương hoặc khó khăn nào mà họ cần giải quyết."