Ảnh: SBS

 

 

 

AUSTRALIA - Một hội đồng địa phương ở nội ô phía bắc Melbourne đã bỏ phiếu đồng ý thay đổi tên, sau khi khám phá ra rằng cái tên nầy có liên quan đến việc mua bán nô lệ người Jamaica hồi thế kỷ 18, cũng như đã chiếm hữu đất đai của người Thổ Dân. Trưởng lão thuộc bộ tộc Wurundjuri Woi Wurrung, đã khuyến cáo hội đồng địa phương Moreland nên thay tên, sau khi nêu vấn đề nói trên hồi tháng rồi.

 

 

Một cộng đồng địa phương ở vùng nội ô phía bắc Melbourne hiện thay đổi danh xưng, sau khi thông qua một quyết định hủy bỏ tên hiện tại.

 

 

Được biết hội đồng thành phố Moreland được thành lập khi Thành phố Brunswick, thành phố Coburg và một phần của Broadmeadows sát nhập vào nhau hồi năm 1994.

 

 

Ông FarquharMcCrae mua mảnh đất nói trên hồi năm 1839 và đặt tên là Moreland, sau khi gia đình ông thiết lập một điền trang sử dụng nô lệ mà họ làm chủ ở Jamaica.

 

 

Thế nhưng cho mãi đến cuối tháng rồi, khi ông đắc cử chức Thị Trưởng thì ông Mark Riley mới phát hiện ra lịch sử của tên gọi nói trên.

 

 

Ông Mark Riley nói “Những chuyện nầy liên quan đến vụ mua bán nô lệ, chủ nghĩa thực dân và việc cướp đất của người Thổ Dân, tất cả thực sự là chống lại bộ tộc Wurundjuri Woi Wurrung và đối với nhiều người muốn thấy một xã hội đoàn kết, một xã hội đối xử công bằng với mọi người”.

 

 

Trong khi đó trưởng lão của bộ tộc Wurundjuri Woi Wurrung là ông Andrew Gardiner có mặt trong số những người thúc đẩy việc đổi tên.

 

Ông Andrew Gardiner nói “Chúng tôi được hoàn toàn tự do trên mảnh đất của cha ông, rồi họ đẩy chúng tôi ra khỏi nơi này".

 

“Chúng tôi có được bồi thường không? Chẳng có chuyện đó xảy ra và nay chúng tôi cũng chẳng yêu cầu hội đồng bồi thường, mà chỉ yêu cầu thay đổi tên gọi để cho thấy sự kính trọng đối với những gì xảy ra trong quá khứ và nầy chuyện trở nên vĩnh viễn hiện nay”.

 

 

 

Việc đổi tên nầy sẽ tốn kém ít nhất là nửa triệu đô la trong 2 năm tới, để sửa chữa trang mạng của hội đồng và các bảng hiệu trên các tòa nhà.

 

Các bảng hiệu nhỏ, rồi đồng phục của nhân viên và xe cộ cũng phải cập nhật, qua ngân sách trong thời gian 10 năm tới.

 

 

Bà Helen Davidson là một trong 3 nghị viên chống lại việc thay đổi tên của hội đồng.

 

Bà quan ngại rằng, không có nhiều phiếu trong cộng đồng ủng hộ vấn đề nói trên.

 

Bà Helen Davidson nói “Việc nầy hoàn toàn bất ngờ cho cộng đồng khi phải chi tiêu về việc sửa đổi nầy, vào lúc mà mọi người hiện phấn đấu sau trận đại dịch toàn cầu".

 

"Mỗi lá thư, mỗi bảng hiệu sẽ phải thay đổi cho dù cuối cùng sẽ tốn kém cho người thọ thuế đến hàng triệu đô la".

 

"Chúng ta không thể giả vờ theo một cách nào khác, do việc này hoàn toàn là một hành động chính trị”.

 

 

Thế nhưng trưởng lão Thổ Dân, Andrew Gardiner, nói rằng  hội đồng nên cho thấy vai trò lãnh đạo khi bàn đến chuyện hoà giải.

 

Ông Andrew Gardiner nói “Tôi hy vọng một ngày nào đó không xa trong tương lai, mọi người bắt đầu tìm hiểu về các tên đã sử dụng".

 

"Tôi nghĩ đây là một điều nhỏ bé cho các hội đồng khác, khi nghĩ rằng ‘Ồ chúng ta hãy xem lại tên của hội đồng chúng ta, nó có ý nghĩa gì không?”.

 

 

Được biết hội đồng Moreland sẽ bắt đầu tham vấn cộng đồng địa phương và các nhóm Thổ Dân vào đầu năm tới để chọn ra một tên mới.