Jacob Shteyman – AAP

 

 

AUSTRALIA - Yahoo News đưa tin, nền kinh tế Úc đã bước "sang một trang mới", chấm dứt kỷ lục 21 tháng mức sống giảm sút trong một dấu hiệu đáng khích lệ rằng tương lai tươi sáng hơn đang ở phía trước.

 

Vào đầu tháng này, Nha Thống Kê Úc Đại Lợi báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,6 phần trăm trong quý tháng 12/2024, là quý tăng trưởng nhanh nhất trong hai năm qua.

 

Và sau bảy quý liên tiếp, GDP bình quân đầu người - hay sản lượng bình quân đầu người - đã tăng 0,1 phần trăm.

 

Tổng trưởng Ngân Khố, là ông Jim Chalmers, cho biết những con số này "phản ánh sự tiến bộ đáng kể và rất đáng khích lệ mà người dân Úc đang cùng nhau đạt được trong nền kinh tế của chúng ta".

 

Ông Jim Chalmers cho biết động lực đang gia tăng trong nền kinh tế Úc. (Ảnh của Lukas Coch/AAP)

 

 

Ông nói, "Tăng trưởng đang phục hồi trong nền kinh tế Úc, và nền kinh tế Úc đang bước sang trang mới",

"Tăng trưởng phục hồi và sức mạnh vượt qua khó khăn là điều trọng yếu cốt lõi khi đối mặt với tình hình bất ổn gia tăng trong và ngoài nước, khi chúng ta chuẩn bị ứng phó với Bão nhiệt đới Alfred và đối mặt với căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.”

"Dữ liệu này xác nhận rằng GDP bình quân đầu người, thu nhập thực tế và mức tiêu dùng hộ gia đình hiện đang tăng trở lại".

 

 

Trong suốt năm lịch 2024, nền kinh tế tăng trưởng 1,3 phần trăm.

 

Mức tăng trưởng kinh tế này là sự cải thiện đáng kể so với tốc độ tăng trưởng hàng năm 0,8 phần trăm được ghi nhận trong quý 3 năm trước, là kết quả thấp nhất kể từ cuộc suy trầm đầu những năm 1990, ngoại trừ thời kỳ đại dịch.

 

Con số quý đề cập bên trên, phù hợp với sự đồng thuận của các chuyên gia kinh tế sau khi kỳ vọng tăng từ 0,5 phần trăm, sau số liệu thương mại quý, chi tiêu của chính phủ và hàng tồn kho của doanh nghiệp cao hơn dự kiến.

 

Tuy nhiên, kết quả này đã vượt xa ước tính của Ngân hàng Trữ Kim Úc là tổ chức đã dự đoán trong Tuyên bố về Chính sách Tiền tệ tháng Hai được công bố hồi trung tuần tháng 12/2024 rằng tăng trưởng cuối năm sẽ đạt mức 1,1 phần trăm.

 

 

Ngân hàng Trữ Kim Úc Đại Lợi đã dự đoán mức tăng trưởng cả năm 2024 là 1,1 phần trăm. (Steven Saphore/ẢNH AAP)

 

 

Người đứng đầu Văn phòng kế toán quốc gia, là bà Katherine Keenan, cho biết nền kinh tế nhìn chung tăng trưởng khiêm tốn.

 

Bà nói, "Cả chi tiêu công và tư đều đóng góp vào tăng trưởng, được hỗ trợ bởi sự gia tăng xuất cảng hàng hóa và dịch vụ".

 

Sau những đợt tăng mạnh trong các quý gần đây, tăng trưởng chi tiêu của chính phủ đã giảm xuống còn 0,7 phần trăm.

 

Đầu tư tư nhân tăng 0,3 phần trăm mặc dù đầu tư vào nhà ở giảm 0,4 phần trăm do giá cao và tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục gây áp lực lên các dự án đang khai triển.

 

Tiến sĩ Chalmers cho biết, "Thật đáng khích lệ khi thấy rằng lần đầu tiên sau một thời gian, có sự đóng góp đáng kể từ khu vực tư nhân".

 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế My Bui, làm việc tại công ty dịch vụ tài chính AMP, ghi nhận rằng khu vực công vẫn tiếp tục là đơn vị đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP, chiếm hơn 40 phần trăm mức tăng theo quý.

 

Bà cho biết "Mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp hơn nhiều so với xu hướng dài hạn, nhưng đây là bước ngoặt đối với nền kinh tế vì đây là sự tăng trưởng tính theo năm lần đầu trong hơn hai năm qua".

 

"Bức tranh mong manh vẫn còn đó, khi chính phủ vẫn đang đóng góp vào hầu hết sự tăng trưởng và chi tiêu của người tiêu dùng được thúc đẩy bởi các chương trình lớn khuyến khích chi tiêu."

 

Tăng trưởng năng suất - động lực chính của mức sống trong dài hạn - vẫn là mối quan tâm, với sản lượng trên mỗi giờ làm việc giảm 1,2 phần trăm trong năm.

 

Tổng trưởng Ngân Khố phe Đối lập, là ông Angus Taylor, cho biết dữ liệu trên xác nhận "xu hướng ảm đạm" vẫn tiếp diễn trong nền kinh tế mà không có dấu hiệu giảm bớt.

Ông nói, "Điều duy nhất thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta hiện nay là tăng trưởng dân số và mọi người làm thêm giờ",

"Năng suất lao động tiếp tục ở mức thảm hại ở quốc gia này, và điều đó có nghĩa là có ít tiền hơn để trả cho những hàng hóa và dịch vụ mà người Úc thường có thể mua được.

"Đó là lý do tại sao họ phải làm việc cật lực hơn để trang trải cho cuộc sống."

 

Brendan Rynne, là kinh tế gia trưởng của công ty tư vấn KPMG, cho biết tăng trưởng kinh tế vẫn đang được hỗ trợ bởi chi tiêu của chính phủ ở mức cao, chiếm 28,2 phần trăm so với mức trung bình 22,8 phần trăm trong thập niên trước đại dịch COVID.

Ông nói, "Mức chi tiêu này là không bền vững với các chính sách về thuế hiện tại và đang làm xói mòn số dư tiền mặt căn bản (lượng tiền mặt mà chính phủ có thể sử dụng để chi tiêu cho các hoạt động thường xuyên và các nhu cầu đột xuất) của chính phủ".

 

 

(BBT Dan Viet)