Lucy Letby là kẻ giết hàng loạt trẻ em nhiều nhất trong lịch sử hiện đại ở nước Anh. Nguồn: AAP / Chòm sao Cheshire

 

ANH QUỐC - Y tá người Anh, Lucy Letby, đã bị tuyên án tù chung thân vì tội sát hại 7 em bé và âm mưu giết 6 em bé khác ở thành phố Chester, Anh Quốc. Phiên tòa kéo dài hơn 10 tháng và được cho là phiên tòa xét xử tội giết người kéo dài nhất ở Anh Quốc.

 

Người đàn bà này được gọi là kẻ giết trẻ em hàng loạt khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Anh hiện đại.

 

Nữ y tá người Anh Lucy Letby hiện đã bị kết án tù chung thân vì tội sát hại 7 em bé và âm mưu giết 6 em khác tại một bệnh viện ở thành phố Chester,  Anh Quốc.

 

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán James Goss đã tuyên án chung thân để đảm bảo rằng Letby dành phần đời còn lại của mình trong tù.

"Lucy Letby, với mỗi tội danh trong số bảy tội giết người và bảy tội cố ý giết người, tòa kết án bà tù chung thân vì mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.”

“Tôi nhấn mạnh các điều khoản trả tự do sớm không được áp dụng. Lệnh của tòa án là lệnh chung thân với mỗi hành vi phạm tội, và bà sẽ phải ngồi tù phần đời còn lại."

 

Lệnh chung thân rất hiếm và chỉ có ba phụ nữ ở Anh từng nhận bản án như vậy trước đây, bao gồm cả kẻ giết người hàng loạt Myra Hindley và Rosemary West.

 

Kẻ thủ ác Letby đã bị kết tội sau khi giết chết 5 bé trai và 2 bé gái cũng như tấn công những trẻ sơ sinh khác.

 

Các tội ác diễn ra trong khoa sơ sinh tại Bệnh viện Countess of Chester từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 6 năm 2016.

 

Nạn nhân nhỏ nhất của người phụ nữ này chỉ mới một ngày tuổi.

 

Công tố viên cấp cao Pascale Jones cho biết bà Letby đã đầu độc một số trẻ sơ sinh bằng cách tiêm insulin cho chúng, trong khi những đứa khác bị tiêm không khí hoặc ép ăn sữa trước khi chết.

Công tố viên cấp cao Pascale Jones nói “Bà ta cố hết sức để che giấu tội ác của mình bằng nhiều cách khác nhau, bà ta liên tục làm hại những đứa trẻ mà mình chăm sóc.”

"Bà ta tìm cách lừa dối các đồng nghiệp của mình và coi nhẹ sự tổn hại mà mình gây ra chỉ là làm cho tình trạng hiện tại của các đứa trẻ trở nên tồi tệ hơn.”

“Trong tay bà ta, những chất vô hại như không khí, sữa hoặc thuốc như insulin trở thành chất gây chết người. Bà ta lợi dụng kiến thức của mình và biến công việc thành vũ khí để gây ra tổn hại, đau buồn và cái chết."

 

Ngoài những tội ác này, các bồi thẩm đoàn không thể thống nhất liệu Letby có cố giết sáu đứa trẻ khác hay không và bà cũng được trắng án về hai tội danh cố ý giết người.

 

Cảnh sát không tìm ra động cơ gây án của người phụ nữ này.

 

Thẩm phán Goss nói rằng chỉ có bà Letby biết lý do cho hành động của mình, ông mô tả một mảnh bằng chứng được tìm thấy trong nhà của bà Letby cho thấy bà dường như đã thừa nhận tội lỗi của mình và nhận thức về bản chất khủng khiếp của tội ác.

"Một mảnh giấy có chữ viết dày đặc ở cả hai mặt, ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của bà ta, đã tìm thấy trong lần khám xét nhà đầu tiên vào năm 2018.”

“Trong số những cụm từ bà ta viết là 'Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có tôi' và ' Tôi là ác quỷ. Tôi đã làm điều này."

 

Bức thư cũng cho biết "Tôi cố tình giết chúng vì tôi không đủ tốt để chăm sóc chúng."

 

Phiên tòa kéo dài hơn 10 tháng và được cho là phiên tòa xử các vụ giết người kéo dài nhất ở Vương quốc Anh.

 

Bà Letby từ chối rời phòng giam để trưc tiếp nghe bản án của mình được tuyên.

 

Một tuyên bố từ mẹ của một trong những nạn nhân mô tả đó là một hành động xấu xa cuối cùng.

"Chúng tôi đã sống trong một cơn ác mộng. Với tôi, nó kết thúc vào ngày hôm nay. Mụ ta đã nhiều lần không tôn trọng ký ức về con trai tôi. Ngay cả trong những ngày cuối cùng của phiên tòa, mụ ta cố gắng kiểm soát mọi thứ.”

“Sự thiếu tôn trọng mà mụ ta thể hiện với gia đình và tòa án cho thấy mụ ta là loại người gì. Chúng tôi đã hầu tòa ngày này qua ngày khác, vậy mà mụ quyết định rằng mình đã chịu đủ rồi và ở trong phòng giam. Đó là hành động xấu xa cuối cùng của một kẻ hèn nhát.”

 

Việc từ chối tham dự phiên điều trần đã dẫn đến yêu cầu từ tất cả các phe chính trị rằng tội phạm buộc phải có mặt tại buổi tuyên án để nghe tác động của tội ác đối với nạn nhân hoặc gia đình.

 

Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rằng ông ủng hộ việc thay đổi luật để buộc các bị cáo phải ra hầu tòa.

"Tôi nghĩ thật hèn nhát khi những người phạm tội ác khủng khiếp như vậy không đối mặt với nạn nhân của họ và tận mắt nghe thấy tác động mà tội ác của họ gây ra cho gia đình và những người thân yêu của họ.”

“Chúng tôi đang tìm cách thay đổi luật pháp để đảm bảo rằng điều đó sẽ xảy ra, đó là điều mà chúng tôi sẽ đưa ra trong thời gian tới."