Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC), Gina Cass-Gotlieb, phát biểu trước Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở thủ đô Canberra, Thứ Tư, ngày 12 tháng 4 năm 2023. (Hình ảnh AAP/Lukas Coch) KHÔNG LƯU TRỮ. Nguồn: AAP / LUKAS COCH/AAPIMAGE

 

AUSTRALIA - Các doanh nghiệp Úc bị cảnh báo rằng họ không được lừa dối khách hàng khi đưa ra các tuyên bố về môi trường đối với các sản phẩm và dịch vụ của họ. Ủy ban về Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) mới đây đã công bố bản dự thảo hướng dẫn nhằm cải thiện niềm tin của người tiêu dùng đối với tuyên bố về môi trường của các công ty.

 

Greenwashing’ hay ‘tẩy xanh’ là một thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực, đề cập đến tình huống các công ty tuyên bố sai về sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, tuyên bố rằng chúng thân thiện với môi trường hơn so với thực tế.

 

Ủy ban về Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc [ACCC] đã công bố một cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt vào năm 2022 đối với các doanh nghiệp tuyên bố sai sự thật.

 

Một cuộc kiểm tra gần đây của ACCC cho thấy 57% doanh nghiệp đang đưa ra các tuyên bố về môi trường có khả năng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

 

Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb cho biết các doanh nghiệp cần trung thực và minh bạch khi đưa ra các tuyên bố về môi trường hoặc tính bền vững để người tiêu dùng không bị lừa.

"Một ví dụ phổ biến là các sản phẩm được tuyên bố sản xuất từ 100% vật liệu tái chế hoặc có thể tái chế, trong khi chỉ có một phần, khoảng 20% được làm từ nguyên liệu tái chế. Nếu như vậy người tiêu dùng sẽ cho rằng sản phẩm được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tái chế chứ không phải một phần. Điều chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp làm là trung thực, chính xác và rất rõ ràng khi đưa ra tuyên bố về sản phẩm.”

 

Debbie Haski-Leventhal là giáo sư Quản lý tại Trường Kinh doanh Macquarie và đã nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

 

Bà nói rằng hiện tại người tiêu dùng rất khó nhận biết sản phẩm và dịch vụ nào thực sự bền vững.

 

Giáo sư Haski-Leventhal cho biết một số công ty cố tình sử dụng bao bì gây hiểu lầm để lôi kéo người tiêu dùng, chẳng hạn như bao bì có màu xanh lá cây hoặc hình ảnh thiên nhiên.

"Thường thì các sản phẩm mang tính bền vững phải được một cơ quan thứ ba công nhận. Đó có thể là Fairtrade hoặc Rainforest Alliance. Chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều dấu hiệu chứng nhận khác. Đáng chú ý là ACCC nhận thấy hai ngành mỹ phẩm và thời trang gây hiểu lầm nhiều nhất. Khi nói đến các ngành này, chúng tôi thực sự có các ứng dụng như Good on You, giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm nào thực sự bền vững. Chẳng hạn như, trên ứng dụng Good on You, khi bạn tìm kiếm một công ty thời trang, bạn sẽ thấy xếp hạng về tính bền vững của họ. Như vậy, bạn sẽ có thông tin rõ ràng hơn để biết bạn có thực sự muốn mua hàng từ những công ty này hay không."

 

Bà Cass-Gottlieb nói rằng các doanh nghiệp đang thực sự áp dụng các phương pháp bền vững sẽ bị bất lợi khi cạnh tranh với các doanh nghiệp tham gia vào việc 'tẩy xanh'.

 

Bà nói rằng các doanh nghiệp cần phải trung thực và minh bạch khi đưa ra tuyên bố để niềm tin của người tiêu dùng không bị xói mòn.

"Luật Người tiêu dùng Úc quy định rằng các tuyên bố gây hiểu lầm, lừa gạt hoặc sai sự thật là vi phạm luật. ACCC có thể yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp bằng chứng cho các tuyên bố của họ. Điều chúng tôi lo ngại là tuyên bố xanh sai sự thật của doanh nghiệp gây hại cho người tiêu dùng và gây cạnh tranh không công bằng. Tuyên bố xanh sai sự thật là lừa gạt người tiêu dùng, những người mua sản phẩm vì có chứng nhận xanh, và tuyên bố sai sự thật cũng gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh đang thực sự đầu tư vào các hoạt động bền vững."

 

Các nhóm môi trường như Tổ chức Bảo tồn Úc [ACF] cho biết cần có quy định để cấm một số tuyên bố về môi trường do các công ty đưa ra chẳng hạn như tuyên bố trung hòa carbon.

 

Người phát ngôn của ACF Audrey van Herwaarden cho biết quốc hội châu Âu gần đây đã bỏ phiếu cấm sử dụng thuật ngữ 'trung hòa carbon' trong quảng cáo và họ cũng có kế hoạch cấm các tuyên bố về môi trường mà chỉ dựa trên các kế hoạch trung hòa carbon.

 

Bà nói rằng việc ‘tẩy xanh’ làm suy yếu mức độ cần thiết của hành động chống biến đổi khí hậu bằng cách tạo ra ấn tượng sai lầm về trách nhiệm môi trường.

 

Giáo sư Haski-Leventhal nói rằng các công ty cần phải làm việc có đạo đức và chính phủ cần phải có hành động pháp lý đối với những công ty không làm như vậy.

"Mới trong năm nay, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và môi trường cũng như các nhà bảo vệ môi trường đã đệ đơn kiện đầu tiên chống lại một công ty có hành động ‘tẩy xanh’, công ty KLM ở Hà Lan.”

 

Giáo sư Haski-Leventhal cho biết, đó là một cách hay để chống lại việc ‘tẩy xanh’, khi người tiêu dùng và các nhà bảo vệ môi trường nói rằng chúng ta không thể chịu đựng thêm một thập niên dối trá nữa về các tuyên bố bền vững.

 

Hội đồng các tổ chức doanh nghiệp nhỏ Úc cho biết họ ủng hộ cách tiếp cận hợp tác để giải quyết tình trạng ‘tẩy xanh’, nhấn mạnh sự cần thiết của một khung pháp lý vừa công bằng vừa cạnh tranh.

 

Giám đốc điều hành Luke Achterstraat giải thích.

“Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ đang kêu gọi chính phủ áp dụng cách tiếp cận hợp tác để giải quyết vấn đề ‘tẩy xanh’ nghiêm trọng này. Thật phấn khởi khi thấy ACCC đưa ra 8 nguyên tắc của họ để thực sự cung cấp một dự thảo hướng dẫn để các doanh nghiệp lớn và nhỏ có thể thực sự tránh được bẫy ‘tẩy xanh’. Chúng tôi rất vui khi thấy họ đã mời tham vấn thêm cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Và chúng tôi vui mừng vì cơ quan quản lý dường như đã chấp nhận yêu cầu của chúng tôi để giải quyết vấn đề theo cách hợp tác và phối hợp."

 

Bà Cass-Gottlieb cho biết ACCC muốn người tiêu dùng và doanh nghiệp góp ý cho bản dự thảo hướng dẫn trước ngày 15 tháng 9.

"Những gì chúng tôi đang muốn nói với người tiêu dùng là hãy nói với chúng tôi biết điều mà bạn muốn biết từ các doanh nghiệp... Và chúng tôi đang hỏi các doanh nghiệp rằng hướng dẫn này có hữu ích cho họ không? Hướng dẫn này có đủ rõ ràng và thực tế không, bởi vì chúng tôi muốn tiếp tục thiết lập một tiêu chuẩn tốt và thực tế, để các doanh nghiệp biết họ phải làm gì để thông báo chính xác cho người tiêu dùng và đưa ra những tuyên bố đúng, chính xác và có minh chứng rõ ràng."