Cheng Lei, người dẫn chương trình của đài truyền hình quốc gia toàn cầu Trung Quốc, CGTN, tại hội nghị công nghệ thường niên - Web Summit ở thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, hồi năm 2019. Nguồn: Getty Images

 

 

 

 

Các chuyên gia cảnh báo Chính phủ Úc và các doanh nghiệp nên cẩn thận khi giao thiệp với Trung Quốc.

 

 

Một phúc trình mới do Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố hôm thứ Hai đã cảnh báo về chính sách ngoại giao cưỡng ép (coercive diplomacy) của Trung Quốc trong một thập niên qua.

 

 

Báo cáo này được công bố trong bối cảnh bà Cheng Lei, một phóng viên người Úc gốc Hoa, bị giam giữ tại Trung Quốc.

 

 

 

 

---

 

 

 

 

 

Các chuyên gia cho rằng đã có một sự “leo thang mạnh mẽ” các chiến thuật đe doạ kể từ năm 2018, bao gồm các biện pháp kinh tế như trừng phạt thương mại, hạn chế đầu tư, cấm du lịch và tẩy chay hàng hoá.

 

 

Các biện pháp khác không liên quan đến kinh tế bao gồm bắt giữ vô cớ, hạn chế đi lại, và những lời đe doạ cấp chính phủ.

 

 

Báo cáo có đoạn viết “Những nỗ lực này nhằm trừng phạt các hành vi không mong muốn và tập trung vào các vấn đề bao gồm bảo đảm yêu sách lãnh thổ, triển khai công nghệ 5G của Huawei, trấn áp các nhóm thiểu số ở Tân Cương, ngăn chặn việc tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma và cản trở việc xử lý đại dịch COVID-19”.

 

 

Âu Châu, Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và Đông Á đã từng đối đầu với những đòn ngoại giao kiểu này của Trung Quốc.

 

 

Nhóm tác giả kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp thuộc liên minh tình báo Ngũ Nhãn - Five Eyes hợp lực trong cuộc chiến chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc, và nói rằng điều này sẽ giúp họ “có nhiều khả năng thành công hơn trong việc chống trả”.

 

 

Nhóm cũng khuyến nghị các chính phủ thảo luận với doanh nghiệp về cách ứng phó tốt nhất với các phương pháp gây áp lực kinh tế của Bắc Kinh.

 

 

“Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng ép kinh tế thường xuyên và công khai hơn, các công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc cần phải chịu rủi ro ngày càng gia tăng đối với dòng chảy thương mại, chuỗi cung ứng và thị phần”.

 

 

Bản phúc trình của ASPI cũng kêu gọi chính phủ sử dụng các diễn đàn như G7, G10 và Liên hiệp Âu Châu để xây dựng một liên minh các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các hành vi đe doạ tương tự.

 

 

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã mở cuộc điều tra thứ hai về rượu vang Úc, sau cuộc điều tra chống bán phá giá.

 

 

Hiệp hội các nhà sản xuất nho và rượu vang Úc hôm thứ Hai cho biết họ sẽ hợp tác với Chính phủ Liên bang trong suốt quá trình điều tra.

 

 

“Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với rượu vang Úc và rượu vang của chúng tôi đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng,” tổ chức này cho biết trong một thông cáo.