Báo cáo cáo buộc công nhân sinh viên đang bị bóc lột Nguồn: AAP

 

AUSTRALIA - Di dân đến Úc hiện bị trả lương dưới mức tối thiểu, đến mức gấp đôi so với người cư trú dài hạn. Đó là phát hiện của một phúc trình mới cho biết, tình trạng không được trả lương của người lao động nhập cư đang 'đầy rẫy' trên khắp đất nước. Và một lời cảnh báo là, câu chuyện này có liên quan đến bạo lực gia đình.

 

Là một di dân từ Philippines, Lou Kabingue cho biết cô rất cần việc làm, sau khi thoát khỏi bạo lực gia đình ở Úc.

 

Cô buộc phải nhận một công việc, được trả 10 đô la một giờ.

Cô Lou Kabingue nói “Tất nhiên tôi nghe ai đó nói rằng mức lương của họ còn thấp hơn nữa, nhưng để tôi có thể sống và cung cấp thức ăn cho đứa con gái nhỏ 6 tuổi của mình, tôi phải chấp nhận công việc đó, phải làm điều đó".

"Những người có thị thực tạm thời như tôi sẽ chấp nhận điều đó, mặc dù bị trả lương thấp”.

 

Cô Kabingue hiện đã nghỉ việc chỗ cũ và đang nhận một mức lương hợp pháp tại chỗ làm mới.

 

Nhưng cô ấy nói rằng, cô ấy biết những người ở trong tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn.

Cô nói “Tôi nghe nói rằng, có người cũng nhận lương ít hơn 10 đô la mỗi giờ".

"Vì vậy trong thời gian đó tôi nói rằng, tôi may mắn vì tôi nhận được 10 đô, còn họ chỉ nhận được 7 đô la gì đó".

"Vậy là mình may mắn hơn họ nhiều, vì chủ cũng tốt nên tôi chấp nhận công việc”.

 

Giờ đây, một phúc trình do Viện Grattan công bố cho thấy, 16% lao động nhập cư ở Úc được trả dưới mức lương tối thiểu.

 

Điều đó khiến những người di cư có khả năng bị trả lương thấp gấp đôi, so với những người cư trú dài hạn.

 

Một trong những tác giả của báo cáo Grattan là ông Trent Wiltshire.

Ông nói “Vì vậy, đó cũng là một biện pháp bóc lột khá thận trọng, nó chỉ tương đối so với mức lương tối thiểu, không bao gồm những thứ như làm thêm giờ, lương phụ trội, nghỉ phép hàng năm, hưu bổng hay tiền mặt trong các thỏa thuận kiểu trao tay".

"Do đó, cứ 6người lao động thì có 1 người bị trả lương thấp liên quan đến mức lương tối thiểu, nhưng có một con số lớn hơn khi tính đến tất cả những thứ khác.”

 

Báo cáo của ông Wiltshire cho thấy những di dân trẻ hơn, không có kỹ năng làm việc trong ngành nông nghiệp, khách sạn và dịch vụ, có nguy cơ cao nhất.

Ông Trent Wiltshire nói “Chúng tôi nghĩ rằng, việc trả lương thấp là do những thứ như: phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, người lao động nhập cư không có mạng lưới kết nối, mà một người lao động địa phương có thể có".

"Vì vậy họ có ít lựa chọn bên ngoài hơn nếu họ có việc làm, ít mạng lưới hơn, trình độ của họ từ quê hương cũng có thể không được công nhận".

"Do đó toàn bộ những thứ như vậy góp phần khiến người lao động nhập cư bị trả lương thấp”.

 

Trong số các khuyến nghị của bản phúc trình có việc, đổi tên Giám Sát Viên Công Bằng Nơi Làm Việc tức ‘Fair Work Ombudsman’ thành ‘Workplace Rights Authority’ hay Cơ quan Có Thẩm quyền Nơi Làm Việc, trao cho cơ quan này nhiều quyền hạn hơn và nhiều kinh phí hơn.

 

Bản phúc trình nói rằng, Giám Sát Viên Ombudsman đã phạt các chủ lao động 4 triệu đô la trong năm tài chính vừa qua, so với cơ quan thuế vụ ATO đã phạt họ 3 tỷ đô la, và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc ACCC đã áp đặt hơn 230 triệu đô la tiền phạt.

 

Fair Work Ombudsman cho biết, họ đang ‘xem xét báo cáo và sẽ xem xét các khuyến nghị’.

 

Phúc trình cũng kêu gọi tạo ra một ‘Thị thực Tư pháp Nơi làm việc’ mới, để trao quyền cho người lao động ở lại Úc trong khi họ báo cáo về tình trạng bóc lột.

 

Trong khi đó Tổng trưởng Bộ Nội vụ, Clare O'Neil, đã gọi việc bóc lột công nhân là ‘trái với các giá trị của Úc’ và nói rằng, chính phủ đã mở rộng các con đường trở thành thường trú nhân, cho tất cả những người có thị thực tay nghề tạm thời.

 

Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết, muốn nói về gia đình hoặc bạo lực gia đình, hãy gọi 1800RESPECT theo số 1800 737 732 hoặc gọi Lifeline theo số 13 11 14. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi 000.