Chip quang tử mới được sử dụng làm nguồn phát tín hiệu cho tốc độ truyền dữ liệu kỷ lục.

 

 

Các nhà nghiên cứu tại các trường đại học Monash, Swinburne và RMIT của Úc vừa công bố đã đạt kỷ lục truyền dữ liệu internet mới.

 

Con số 44,2 terabit mỗi giây (tương đương 5.525 gigabyte/giây) nhanh hơn 44,000 lần tốc độ trung bình của kết nối dịch vụ internet tại các quốc gia phát triển hiện nay, đồng nghĩa rằng người dùng sẽ có thể tải xuống hơn 50 đĩa phim Bluray Ultra HD dung lượng 100 gigabyte chỉ trong vòng 1 giây.

Vào lúc này, kết nối internet nhanh nhất trên thế giới mà người dùng có thể thuê sử dụng là Google Fiber chỉ đạt tốc độ 1 gigabit/giây. Thậm chí, kết nối phục vụ nghiên cứu khoa học (ESnet) của Bộ Năng lượng Mỹ cũng mới “khiêm tốn” ở mức 400 gigabit/giây, và cũng chỉ để phục vụ những tương tác riêng giữa bộ này với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

 

Điều đáng nói là mức tốc độ “khủng” mới đạt được ở khoảng cách lên tới 76,6km, giữa phòng nghiên cứu của RMIT tại thành phố Melbourne và Trung tâm Clayton của Trường Monash.

 

Để đạt được thành tựu mới, các nhà nghiên cứu chỉ cần sử dụng duy nhất một chip phát tín hiệu ánh sáng (chip quang tử photonic) loại mới. Trong khi đó, hạ tầng truyền tải vẫn là cáp quang tiêu chuẩn, đồng nghĩa rằng các mạng lưới cáp quang hiện nay hoàn toàn có thể được nâng cấp khi muốn tận dụng tốc độ mới.

 

 

Kết nối siêu nhanh thế hệ mới khi có thể triển khai thực tế sẽ “tăng lực” đáng kể cho các trung tâm dữ liệu của thế giới.

 

 

Theo các chuyên gia tham gia nghiên cứu, kỷ lục tốc độ mới đạt được cho thấy hạ tầng internet hiện tại còn tiềm năng khai thác rất lớn về lâu dài. Bản thân mô hình mạng được sử dụng cho thử nghiệm cũng mô phỏng theo kết cấu internet của mạng băng thông rộng quốc gia Úc Đại Lợi (NBN) hiện nay, nhưng bổ sung công nghệ phát tín hiệu vi lượng (micro-comb), cho phép truyền dữ liệu hiệu quả và gọn gàng hơn thông qua 80 điểm phát laser hồng ngoại. Đây cũng là lần đầu tiên “món mới” này được thử nghiệm trong thực tế.

 

Thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ đầu tư công sức để tìm ra phương thức hợp lý nhất trong việc tích hợp phát kiến mới vào các hạ tầng mạng hiện tại ở quy mô lớn và mức chi phí tiết kiệm nhất có thể. Dĩ nhiên, người dùng sẽ chưa thể tận dụng mức băng thông “khủng” nói trên trong tương lai gần.