Bơ nuôi cấy. Nguồn: SBS / Abbie O'Brien

 

 

Liệu quý vị có dám ăn thịt được nuôi từ tế bào động vật trong nhà máy không? Đó chính là câu hỏi được đặt ra, khi các nhà hàng trên toàn nước Úc, lần đầu tiên đưa vào thực đơn món thịt, được gọi là ‘thịt nuôi cấy’ hay ‘cultured meat’. Thế nhưng chính xác chúng là gì và tại sao lại sản xuất thịt theo cách nầy?

 

Trong giờ ăn trưa một ngày làm việc, thực khách tại nhà hàng Kitchen by Mike, vốn là một quán ăn nổi tiếng ngay giữa trung tâm Sydney, lại là những người đầu tiên trên đất Úc, được thưởng thức một món ăn độc đáo chưa từng có.

 

Đầu bếp là Mike McEnearney, vốn nổi danh với ‘sourdough bread’ hay bánh mì chua nướng bằng lò gạch, nay phục vụ kèm với một món mới, đó là bơ chim cút nuôi cấy theo kiểu Nhật Bản.

 

Mike McEnearney nói, “Phần mỡ này có trộn thêm thịt chim cút nuôi cấy. Tôi mô tả nó như một thứ có hương vị cực kỳ đậm đà, giống như gà nhưng thơm và ngậy như bơ. Nếu ai ưa vị thịt chim mạnh, thì đây chính là thứ đó, trong hình dạng một miếng bơ trên bánh mì và nó ngon như pa-tê vậy”.

 

Vậy điều gì khiến nó khác biệt?
 

Phần thịt chim cút trong món ăn này không được nuôi tại nông trại, mà được sản xuất trong một nhà máy tại vùng Alexandria, cách nhà hàng chừng 20 phút lái xe.
 

Được biết thịt nuôi cấy là quy trình lấy một lượng nhỏ tế bào từ một con vật, trong trường hợp này là chim cút, rồi nuôi dưỡng chúng trong môi trường kiểu nhà máy, để dần tạo nên sản phẩm giống như thịt.
 

Mike McEnearney nói, “Trong suốt 35 năm làm bếp, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một dạng thực phẩm hoàn toàn mới xuất hiện. Thật sự là hấp dẫn. Đây là món ăn của tương lai”.

 

Còn phản ứng của thực khách ra sao?
 

Thực khách thứ nhất nói, “Tôi cho rằng nó khá là phiêu lưu đấy. Mike nói đúng, đây là một cuộc cách mạng. Ngành thực phẩm chưa từng có thứ gì như vậy, tôi rất vui khi được nếm thử”.
 

Thực khách thứ hai nói, “Giống như một loại pa-tê hun khói. Hương vị lạ lắm, nhưng ngon khỏi nói. Tôi chắc chắn sẽ gọi lại lần nữa”.
 

Thực khách thứ ba nói, “Tôi thích cái tính đổi mới của nó. Rất mong thấy món này xuất hiện nhiều hơn, trên thực đơn các nơi”.

 

Từ những nhà hàng danh tiếng cho đến quán rượu bình dân, khoảng 12 nhà hàng trên khắp nước Úc bắt đầu đưa thịt cút nuôi cấy vào thực đơn trong tuần này và con số đó dự trù sẽ tăng gấp đôi vào cuối tháng.
 

Được biết sản phẩm độc đáo này là ý tưởng của công ty khởi nghiệp Úc tên Vow.
 

Hồi tháng Sáu vừa rồi, Vow trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong nước được cơ quan an toàn thực phẩm FSANZ cho phép bán thịt nuôi cấy, sau hơn hai năm chờ duyệt.
 

Bà Ellen Dinsmoor Giám đốc điều hành của Vow, khẳng định họ không muốn thay thế thịt truyền thống.
 

“Sản phẩm của chúng tôi không phải thực vật. Chúng tôi không cố tái tạo thịt bò hay thịt heo. Chúng tôi lấy tế bào từ những loài khác, nuôi chúng lên, rồi chế tạo thành những món ăn mới”.
 

Bà cho biết, những tế bào chim cút được nuôi trong một bioreactor, tức là một bồn thép không rỉ, trông giống như thiết bị trong nhà máy bia.
“Chúng tôi tạo ra môi trường như trong cơ thể động vật, với acid amin, muối khoáng, đường, để giúp tế bào phát triển. Khi đến lúc, ta có thể thu hoạch chúng như người ta lấy phần whey trong quy trình làm phô mai. Chúng ta có nguyên liệu nguyên chất, giàu protein và dưỡng chất, để chế biến thành món ăn hoàn chỉnh”.

 

 

Dù mới ra mắt tại Úc, thịt nuôi cấy đã có mặt tại Singapore từ năm rồi, quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán loại thực phẩm này.

 

Vậy tại sao lại làm thực phẩm theo cách đó?

 

Giáo sư Paul Wood chuyên về Công nghệ sinh học tại Đại học Monash cho biết.

 

“Có người không muốn giết hại động vật. Người khác thì nghĩ về môi trường, khi cho rằng đây là cách bền vững hơn để sản xuất thực phẩm. Lắm người đơn giản là chỉ muốn thử món mới. Do đó, sản phẩm này được quảng bá với nhiều thông điệp”, Paul Wood.

 

Nhưng ông cũng nói thêm, khi chưa sản xuất trên quy mô lớn, thì chưa thể khẳng định nó có bền vững hơn chăn nuôi không.

 

“Nó sẽ tốn ít đất hơn, vì sản xuất trong nhà máy, có lẽ dùng ít nước hơn. Nhưng về năng lượng, đây là một quy trình tiêu tốn lớn. Muốn nó bền vững, phải dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo. So với nuôi một con vật ngoài đồng, thì quy trình này vẫn nặng nề hơn rất nhiều”, Paul Wood.

 

Về dinh dưỡng, ông cũng tỏ ra thận trọng.

 

“Tôi không nghĩ nó có thể tốt hơn miếng thịt thực sự, một miếng thịt đầy sắt, vitamin B12 và dưỡng chất. Thịt là một nguồn năng lượng cô đặc và nếu muốn, người ta sẽ phải bổ sung thêm vitamin và khoáng chất vào sản phẩm nuôi cấy này, vì nó chỉ có một loại tế bào”, Paul Wood.

 

Tuy nhiên nhiều người tin rằng, ngành công nghiệp này sẽ góp phần giải quyết thách thức lương thực trong tương lai.

 

Theo một số ước tính đến năm 2050, sản lượng nông nghiệp phải tăng khoảng 60%, mới đủ nuôi số dân ngày càng tăng.

 

Ông Sam Perkins, Giám đốc tổ chức Cellular Agriculture Australia, một hội phi lợi nhuận thúc đẩy công nghệ nuôi cấy tế bào, cho biết.

 

“Chúng tôi xem công nghệ nuôi cấy tế bào là một phương thức bổ sung, cho chuỗi cung ứng lương thực hiện nay, nhằm xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững hơn, có khả năng giảm khí thải nhà kính, ít sử dụng đất và nước. Đồng thời tăng khả năng chống chịu trước những biến động như biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng, hay dịch bệnh lây từ động vật như cúm gia cầm”, Sam Perkins.

 

Hiện nay, công nghệ này còn được ứng dụng để sản xuất cà phê, dầu cọ, da thuộc và cả sô-cô-la nữa.

 

Tuy nhiên việc mở rộng quy mô vẫn là trở ngại lớn. Trong khi đó, một số nước đã bắt đầu ban hành lệnh cấm thịt nuôi cấy, như Ý, Pháp và một số tiểu bang của Hoa Kỳ, với lo ngại về chất lượng và nguy cơ cho nông dân truyền thống. là những lý do chính.

 

Hiệp hội nông dân Ý còn gọi đây là ‘thịt Frankenstein’, hay thịt của ma quỷ.

 

Ông Perkins cho rằng, nhiều hiểu lầm đang khiến dư luận hoang mang.

 

“Người ta hay nói về ‘thịt nuôi trong phòng thí nghiệm’, nhưng thực ra các sản phẩm này không được làm trong phòng thí nghiệm, chúng được sản xuất trong nhà máy thực phẩm, nhìn giống nhà máy bia, hơn là phòng thí nghiệm khoa học”, Sam Perkins.

 

Dù vậy, chặng đường phía trước còn dài.

 

Vow mới chỉ là 1 trong 3 công ty trên thế giới được phép bán thịt nuôi cấy.

 

Muốn ngành này tiến xa, cần thuyết phục chính phủ, nhà đầu tư và quan trọng hơn hết, là lòng tin của người tiêu dùng.