Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (trái) và Tham mưu trưởng Quân đội Philippines Romeo Brawner Jr. Ảnh: Reuters/Getty Images/BBC
BIỂN ĐÔNG – Reuters đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Pete Hegseth, tái khẳng định cam kết "son sắt" với Philippines, hứa khai triển vũ khí tân tiến đối phó "sự hung hăng" của Trung Quốc.
Ông Hegseth đã gặp người đồng cấp Gilberto Teodoro và Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr , vào ngày 28/3.
Cả hai bên đều cho thấy sự hợp tác mạnh mẽ tiếp tục trong bối cảnh các mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhấn mạnh cam kết chung đối với hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ở Biển Đông, nơi Manila cáo buộc Bắc Kinh lặp đi lặp lại nhiều hành động thù địch.
Ông Hegseth nói: "Sự răn đe là cần thiết trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt ở khu vực này, ở đất nước quý vị, đặc biệt xem xét các mối đe dọa từ Trung Quốc cộng sản."
Ông cũng nói rằng Mỹ không gây chiến và mô tả Tổng thống Donald Trump là một người kiến tạo hòa bình.
Trong cuộc họp báo với ông Teodoro, ông nói: "Tổng thống Trump tìm kiếm hòa bình... nhưng để giành được hòa bình đó, chúng tôi phải mạnh mẽ."
Ông nói thêm: "Các đồng minh của chúng tôi sẽ biết chúng tôi sát cánh cùng họ. Các đô đốc của chúng tôi đã sẵn sàng và họ sẽ được trang bị đầy đủ. Chúng tôi đang tái thiết quân đội dưới thời Tổng thống Trump."
Trung Quốc cho rằng không có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và kêu gọi Hoa Kỳ ngừng "kích động đối đầu ý thức hệ" và "gieo rắc bất hòa" trong khu vực.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Quách Gia Côn, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/3 rằng, "Từ trước đến nay, chính phía Mỹ đã dung túng các đồng minh của mình gây hấn ở Biển Đông và cũng chính Mỹ đã nhiều lần bịa chuyện về mối đe dọa của Trung Quốc đối với tự do... ở Biển Đông."
Ông Quách nói, Trung Quốc cũng khuyên Philippines không nên hành động theo Mỹ và không tìm cách xung đột quân sự.
Trung Quốc có yêu sách lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Philippines là điểm dừng chân đầu tiên của ông Hegseth trong chuyến công du Á châu.
Chuyến đi này bị lu mờ bởi sự cố rò rỉ tin nhắn về việc các kế hoạch tấn công rất nhạy cảm chống lại lực lượng Houthi ở Yemen.
Ông Hegseth cũng đến Nhật Bản để gặp người đồng cấp Gen Nakatani ở Tokyo, cũng như Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
Ông nói ngay khi Mỹ, Nhật Bản và Philippines tiến hành các cuộc tập trận trên biển ở Biển Đông, rằng "Chúng tôi đến Philippines để củng cố mối quan hệ đối tác đó. Chúng tôi sẽ đến Nhật Bản để làm điều tương tự."
Các cuộc tập trận, với sự tham gia của tàu khu trục đa năng JS Noshiro của Nhật Bản, tàu hải quân Philippines BRP Jose Rizal và tàu khu trục hỏa tiễn dẫn đường USS Shoup của Hải quân Mỹ, là lượt tập trận thứ tám giữa các đồng minh.
Cuộc tập trận của lực lượng đặc biệt
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: Reuters.
Ông Hegseth đã tránh một câu hỏi về việc chia sẻ kế hoạch trên ứng dụng Signal, trả lời rằng ông chịu trách nhiệm bảo đảm bộ quốc phòng được chuẩn bị và sẵn sàng.
Bộ trưởng Hegseth cho biết Mỹ sẽ khai triển thêm các vũ khí tân tiến cho Philippines, bao gồm hệ thống hỏa tiễn chống hạm NMESIS và các phương tiện không người lái trên mặt nước mà ông mô tả là "có năng lực cao".
Ông cho biết họ cũng đã đồng ý tiến hành các hoạt động huấn luyện song phương của lực lượng đặc biệt trên các đảo cực bắc của Philippines ở tỉnh Batanes, gần Đài Loan.
Ông nói: "Mối quan hệ đối tác của chúng tôi không chỉ tiếp tục ngày hôm nay mà chúng tôi còn đang tăng cường gấp đôi mối quan hệ đó và liên minh son sắt của chúng tôi chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế."
Tổng thống Marcos, người cam kết hợp tác chặt chẽ với Washington để duy trì ổn định khu vực, nói rằng chuyến thăm của ông Hegseth là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh hiệp ước của mình.
Ông nói: "Chuyến công du gửi một thông điệp rất mạnh mẽ về cam kết của cả hai nước trong việc tiếp tục hợp tác để duy trì hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Biển Đông."
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và một Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn về các đảo tranh chấp ở Biển Đông - nơi hai nước đã có nhiều cuộc chạm trán trên biển.
(Theo BBC)