Tranh cãi xung quanh việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. (ABC News: Steve Opie)

 

NAM ÚC - Việc sử dụng công nghệ liên kết với "Thành phố thông minh" (“Smart Cities”) đã tạo ra tranh cãi ở Adelaide từ cả các nhà hoạt động và chính trị gia - nhưng Thành phố Thông minh là gì?

 

Thành phố Thông minh là một thuật ngữ được sử dụng cho một loạt các công nghệ được lắp đặt và vận hành bởi các công ty Úc và quốc tế tại các địa phương.

 

Vào năm 2016, thủ tướng Malcolm Turnbull đã công bố Kế hoạch Thành phố Thông minh, bao gồm một chương trình tài trợ trị giá 50 triệu đô-la.

 

Khoản tài trợ này được đưa ra cho các khu vực hội đồng ở, vùng quê và đô thị, từ năm 2017 đến năm 2020.

 

Khoản tài trợ này dùng để mua và sử dụng công nghệ cho một loạt các dự án trong một số lĩnh vực bao gồm giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng — từ wi-fi công cộng miễn phí cho đến băng ghế công viên có trạm sạc.

 

Các hội đồng hy vọng công nghệ này sẽ cải thiện hoạt động của họ và giữ an toàn cho cộng đồng.

 

Công nghệ làm được những gì?

Công nghệ Thành phố thông minh có thể có nhiều tính năng khác nhau, bao gồm khả năng nhận biết các bãi đậu xe còn chỗ trống hay không, hoặc cảm biến để cảnh báo cho hội đồng khi rác thải trong các thùng công cộng cần được xe tới chở đi.

 

Một số dự án tìm cách cải thiện điều kiện môi sinh.

 

Một dự án được tài trợ chung với Hội đồng Vùng quê Cairns nhằm mục đích giảm tác động đô thị lên Rạn san hô Great Barrier bằng cách sử dụng các cảm biến trong các tuyến đường thủy.

 

Thị trưởng một vùng ngoại ô phía bắc thành phố Adelaide, Gillian Aldridge, cho biết một đề xuất tại Thành phố Salisbury muốn sử dụng các cảm biến phát hiện chuyển động để giúp người già băng qua đường.

 

Bà Aldridge cho biết: “Thành phố thông minh là tất cả về việc sử dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; điều này bao gồm những thứ như giám sát người đi bộ”.

"Đó là một chương trình nhằm tăng cường sự an toàn cho cư dân và bao gồm khả năng cho chúng tôi biết nhu cầu của cư dân là gì, và điều đó hoàn toàn không xâm phạm quyền riêng tư của mọi người."

 

Nhưng bà ấy xác nhận cũng sẽ có nhiều máy quay phim được lắp đặt ở ngoài đường, một động thái vấp phải sự chỉ trích.

 

Công nghệ Thành phố thông minh đang được lắp đặt ở đâu?

Công nghệ này đang được khai triển tại các hội đồng trên khắp cả nước.

 

Các hội đồng ở thủ phủ của các tiểu bang đã khai triển nhiều chương trình Thành phố thông minh, cũng như ở các đô thị phố lớn trong khu vực vùng quê như Karratha ở Tây Úc, Townsville ở Queensland và Broken Hill ở New South Wales.

 

Có tất cả 81 dự án đã nhận được tiền tài trợ.

 

Giờ đây, các hội đồng đang tự trang trãi chi phí cho việc lắp đặt máy móc.

Một màn hình thông minh đang được sử dụng tại Unley Park, thành phố Adelaide. (ABC News: Steve Opie)

 

Thuật ngữ 'Thành phố thông minh' bắt nguồn từ đâu?

Khái niệm thành phố thông minh lần đầu tiên được giới thiệu bởi International Business Machines Corporation [IBM] vào cuối những năm 1990.

 

Shadi Shayan, một nghiên cứu gia tại đại học UniSA chuyên về Thành phố thông minh, cho biết khái niệm "thành phố thông minh" vẫn đang phát triển và thay đổi hằng ngày và không có định nghĩa hay hệ thống xếp hạng chung cho các thành phố thông minh.

 

Cô cho biết trên toàn cầu, các thành phố khác nhau được công nhận về sự đổi mới trong công nghệ của họ.

 

Cô Shayan nói “Singapore nổi tiếng với phương tiện giao thông công cộng thông minh,”

"Thành phố Amsterdam, ở Hà Lan, tập trung mạnh vào tính bền vững và nổi tiếng về năng lượng thông minh, quản lý rác thải thông minh và nhiều lựa chọn phương tiện giao thông khác nhau.”

"Thủ đô Seoul, ở Nam Hàn, được công nhận về mạng lưới và cảm biến toàn diện để thu thập dữ liệu nhằm cải thiện các dịch vụ đô thị."

 

Cô cho biết nhiều thành phố đã cố gắng làm việc để giảm bớt nạn kẹt xe, vì dân số quá đông đã trở thành một vấn đề trên toàn cầu.

 

Cô Shayan nói "Tây Ban Nha và Nhật Bản đi đầu trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện đời sống cư dân bằng cách giảm tình trạng kẹt xe, Barcelona đã thực hiện các chiến lược để thúc đẩy tính bền vững và cải thiện an toàn công cộng, và Tokyo cũng đang thực hiện các chiến lược quản lý giao thông".

 

 

Shadi Shayan, gíao viên tại đại học UniSA, nói rằng công nghệ đang được sử dụng ở khắp mọi nơi. (Ảnh được cung cấp)

 

 

Tại sao lại có các cuộc biểu tình phản đối Thành phố thông minh?

Một số hội đồng đã đối phó với phản ứng dữ dội về việc áp dụng chương trình này khi nhiều cư dân bày tỏ lo ngại về việc lắp đặt máy quay phim giám sát ở các nơi công cộng.

 

Ủy viên hội đồng Salisbury, Grace Bawden, kêu gọi sự minh bạch trước khi lắp đặt các máy quay phim.

 

Bà Bawden nói: “Tôi tin rằng có rất nhiều điều khuất tất mà hội đồng đang giấu công chúng.”

"Họ không trung thực về các thủ tục hoặc chính sách của họ đối với Thành phố thông minh đang được khai triển."

 

 

Một số công nghệ của Thành phố Thông minh có thể phát hiện xem các thùng rác có cần cho xe lại lấy rác hay không. (Tin tức ABC: Steve Opie)

 

Hầu hết các hội đồng ở Úc, bao gồm Thành phố Salisbury, tiểu bang Nam Úc, cho biết họ không ủng hộ việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

 

Tuy nhiên, một số máy quay phim có khả năng tắt hay mở chức năng nhận diện khuôn mặt, ngay cả khi những máy quay phim này chưa mở chức năng nhận diện khuôn vào lúc này, nhưng nhiều người lo ngại rằng công nghệ này có thể được sử dụng sau này.

 

Phó Giáo sư Alireaza Jolfaei, tại Đại học Flinders, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Bảo mật và Quyền riêng tư (Security and Privacy Technical Committee), cho biết nhiều người lo ngại không biết dữ liệu sẽ được sử dụng như thế nào.

Giáo sư Alireza Jolfaei cho biết nhiều người lo sợ không biết dữ liệu sẽ được sử dụng như thế nào. (Cung cấp)

 

 

Giáo sư Jolfaei cho biết: “Một số mối quan tâm lớn là cách thức thông tin thu thập được sẽ được sử dụng thế nào – chứ vấn đề không chỉ là bản thân công nghệ.”

“Bản thân dữ liệu là một thách thức lớn.”

 

Ông nói ông tin rằng cần có những hướng dẫn rõ ràng để công chúng tin tưởng vào các máy quay phm quan sát.

 

Ông nói "Câu hỏi đặt ra là khi chúng ta thu thập lượng lớn dữ liệu và thông tin về mọi người, chúng ta có thể cung cấp phương thức bảo đảm nào cho mọi người về cách dữ liệu này đang được sử dụng?"

"Chúng ta có thể cung cấp những gì để bảo vệ thông tin nhạy cảm của mọi người?”

"Bất kỳ công nghệ nào ra đời đều cần phải trải qua quy trình kiểm tra  không gian mạng."

 

Một nghiên cứu của Đại học Nam Úc cho thấy 45 phần trăm số người tham gia khảo sát chưa bao giờ nghe đến thuật ngữ Thành phố thông minh, trong khi 54 phần trăm người trả lời nói không hiểu khái niệm này là gì.

 

Nghiên cứu gia Shadi Shayan cho biết giáo dục nhiều hơn về công nghệ này có thể mang lại lợi ích.

 

Cô Shayan nói “Nhiều người lo lắng về quyền riêng tư của họ thậm chí còn không biết thành phố thông minh là gì,”

"Chúng ta không thể nói rằng chúng ta muốn có công nghệ trong mọi thứ và chúng ta sử dụng nó cho mọi thứ, ngoại trừ những khu vực công cộng.”

"Tôi nghĩ việc chuyển sang các thành phố thông minh là điều tất yếu."

 

Công nghệ có thể giữ an toàn cho cộng đồng của chúng ta không?

Trong khi một số người Úc đang đấu tranh chống lại công nghệ nhận dạng khuôn mặt, Ủy viên Cảnh sát Tiểu bang Nam Úc, ông Grant Stevens, hoan nghênh công nghệ này.

 

 Ủy viên cảnh sát Grant Stevens nói rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ giải quyết được nhiều vụ án hơn. (Tin tức ABC: Carl Saville)

 

Ủy viên Stevens nói “Có một số thành phố trên thế giới có công nghệ nhận dạng khuôn mặt như một phần của mạng lưới máy quay phim giám sát của họ,”

"Công nghệ này chắc chắn góp phần ngăn chặn tội phạm và giải quyết các vụ án."