Y tá Oli Meeta thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trạm xét nghiệm ở Bondi Beach, Sydney. Nguồn: Lisa Maree Williams/Getty Images

 

 

 

Các chuyên gia tại Úc hiện đang tiến hành một nghiên cứu về tác động của đại dịch coronavirus lên các nhân viên y tế - bao gồm các tác động về cả thể chất lẫn tinh thần mà họ có thể phải trải qua trong dài hạn. Cuộc nghiên cứu cũng sẽ tìm hiểu về cách ứng phó của nơi làm việc trước các rủi ro lây nhiễm bệnh, để bảo vệ nhân viên trong suốt thời kỳ khủng hoảng.

 

 

Những nhân viên tuyến đầu trải qua các thách thức hàng ngày trong suốt đại dịch coronavirus, sẽ là đối tượng của một nghiên cứu y tế mới về COVID-19.

 

 

Hơn 1,500 nhân viên, bao gồm nhân viên bệnh viện, nhân viên chăm sóc người cao niên, cùng với những người tham gia từ các lĩnh vực khác trong ngành y tế sẽ được mời tham gia vào cuộc nghiên cứu này.

 

 

Nhà vật lý trị liệu Jaclyn Murphy làm việc ở Melbourne, và cô cho biết trải nghiệm trong suốt đại dịch đầy thách thức đối với cô.

 

 

“Cảm giác thực sự mệt mỏi và chóng mặt vào cuối ngày, chắc chắn là nhiều hơn so với mức thông thường, có nhiều lúc cũng khá căng thẳng và cảm thấy quá sức nữa”.

 

Cô Murphy cho hay cô đang bỏ lỡ các tương tác trực tiếp với khách hàng, và nói rằng các ảnh hưởng dài hạn không chỉ đến với các nhân viên bệnh viện mà cả các chuyên viên y tế liên ngành.

 

Giáo sư Karin Leder là một chuyên gia nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm từ trường Đại học Monash, tổ chức đứng đầu cuộc nghiên cứu lần này.

 

“Đã có một lượng tin tức khá nhiều về các tác động đối với nhân viên bệnh viện, cấp cứu, nhân viên chăm sóc người cao niên và các bác sỹ gia đình. Trong mọi lĩnh vực đều đã có các tác động khổng lồ và những thay đổi lớn trong cách thực hành tại nơi làm việc trong sự đối phó với virus.”

 

Giám đốc điều dưỡng Susan Jennings đã có những trải nghiệm trực tiếp về việc phải điều chỉnh nơi làm việc của mình - Bendigo Health tại vùng nông thôn Victoria.

 

Cô nói rằng các y tá phẫu thuật phải nâng cao kỹ năng để trở thành y tá dịch vụ hô hấp để ứng phó với coronavirus. Nhưng cô thừa nhận rằng nhiều nhân viên đang gặp khó khăn.

 

“Những nhân viên mà trước đó đã có vấn đề về sức khỏe tâm lý nhận thấy các vấn đề trở nên tồi tệ hơn, khi họ tiếp nhận một lượng công việc tăng cao và trong một môi trường làm việc không ngừng thay đổi”.

 

Giáo sư Leder cho hay điều rất quan trọng đó là duy trì sự kiểm soát trong giai đoạn đầy căng thẳng này và hiểu về các vấn đề sức khỏe tâm lý của nhân viên.

 

Cuộc nghiên cứu sẽ tập trung vào nhân viên tại Victoria trong 12 tháng, tuy nhiên các nhà nghiên cứu hy vọng rằng các tiểu bang và lãnh thổ khác có thể tham gia trong tương lai.

 

"Tôi nghĩ rằng có rất nhiều kiến thức có thể được áp dụng chung trên toàn quốc, nhưng tôi cũng nghĩ rằng như chúng ta biết đấy, các hệ thống y tế hoạt động khác nhau ở các khu vực pháp lý khác nhau, do đó tôi nghĩ rằng sẽ có những lợi ích nhất định khi xem xét để học hỏi từ các tiểu bang khác.”

 

Đã có những báo cáo về việc nhân viên y tế trên khắp thế giới trải qua các vấn đề vì stress, mệt mỏi và rủi ro lây nhiễm trong bệnh viện.

 

Các nhân viên sẽ được phỏng vấn trong một phần của cuộc nghiên cứu, và các nhà nghiên cứu cũng sẽ nói chuyện với các nơi làm việc để tìm hiểu những hệ thống an toàn họ áp dụng.

 

Bộ trưởng về An toàn nơi làm việc Victoria là Jill Hennessy.

 

“Đã có một số trường hợp không đủ thiết bị bảo hộ cá nhân. Đã có các thí dụ về việc nhân viên không duy trì khoảng cách an toàn, tại một số nơi làm việc. Trong một số trường hợp khác đó là sự thiếu hụt về quản lý vệ sinh.”

 

Số liệu từ chính phủ Victoria trong tháng này cho thấy có hơn 3000 nhân viên y tế đã nhiễm coronavirus. 

 

Nhu cầu thăm khám của bệnh nhân cũng đã giảm đáng kể trong một số lĩnh vực như tầm soát ung thư.

 

 

Các ca nhập viện khẩn cấp tại Victoria cũng giảm trong tháng tám, Bộ trưởng Y tế Jenny Mikakos nhắc nhở bệnh nhân rằng các bệnh viện vẫn an toàn.

“Chúng tôi đã ghi nhận một sự giảm xuống đáng kể, với một nỗ lực lớn từ các dịch vụ y tế trong việc kiểm soát lây nhiễm trong nhân viên trong những tuần gần đây”.

 

 

Bên ngoài các vấn đề về sức khỏe thể chất và rủi ro nhiễm bệnh, các vấn đề tâm lý cũng là một mối lo ngại.

 

 

Giảng viên tâm lý học Dan Fassnacht từ trường Đại học Flinders nói rằng nhân viên y tế có thể dễ bị tác động từ các vấn đề tâm lý hơn so với cộng đồng nói chung.

 

 

Ông cho hay dựa vào số liệu từ các đại dịch trong quá khứ, một tác động tiêu cực mạnh có thể nảy sinh trong số nhân viên y tế, tuy nhiên các chiến lược ngăn ngừa có thể giúp hạn chế tối thiểu những tác động này.

 

“Không có ai biết chắc điều gì sẽ xẩy ra trong vòng vài tháng tới, do đó tôi nghĩ rằng chúng ta nên cân nhắc các chiến lược ngăn ngừa được thực hiện. Bởi vì chúng ta chuẩn bị cho họ không chỉ trong đại dịch mà còn cả đối với những thách thức cá nhân mà họ trải quan trong cuộc sống của họ”.

 

Cuộc nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 9 năm sau.