Bộ trưởng Bộ Nhập cư, Andrew Giles, và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Clare O'Neil, công bố chiến lược nhập cư của chính phủ tại cuộc họp báo tại Tòa nhà Nghị Viện ở Thủ đô Canberra, Thứ Hai, ngày 11 tháng 12 năm 2023. (Hình ảnh AAP / Mick Tsikas) KHÔNG LƯU TRỮ. Nguồn: AAP / MICK TSIKAS/AAPIMAGE

 

AUSTRALIA - Chương trình Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh, bao gồm cái gọi là ‘Visa Vàng’, cho phép những người giàu ở nước ngoài có cơ hội được quyền thường trú Úc, đã ngừng nhận đơn mới. Viện Grattan ước tính quyết định này sẽ mang lại sự thúc đẩy trị giá hàng tỷ đô la cho nền kinh tế trong thập niên tới, mở ra cơ hội cho nhiều người lao động lành nghề hơn.

 

Visa đến Úc là một tấm vé nhiều người mơ ước.

 

Nhưng hiện nay, một con đường di cư đến Úc của các doanh nhân và nhà đầu tư giàu có đã bị chặn lại.

 

Tổng trưởng Nội vụ Clare O'Neil đã ngừng việc nhận đơn mới cho Chương trình Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh, còn được gọi là Visa tấm vé vàng.

 

Brendan Coates, Giám đốc Chương trình Chính sách Kinh tế tại Viện Grattan, giải thích lý do vì sao những người lao động tay nghề cao lại giúp nước Úc nhiều hơn so với các triệu phú.

“So với mọi phần khác trong chương trình di cư có tay nghề cao của chúng tôi, chương trình này thu hút những di dân lớn tuổi, có tay nghề thấp hơn, những người có xu hướng đóng góp tương đối ít cho nước Úc. Họ khiến người nộp thuế Úc phải trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ và hỗ trợ của chính phủ so với việc họ phải đóng thuế trong suốt cuộc đời của họ. Và mỗi visa mà chúng tôi cung cấp thông qua chương trình này sẽ làm bớt đi một visa mà chúng tôi cấp cho một người lao động trẻ có tay nghề, những người đã đóng góp hàng trăm ngàn đô la vào ngân sách chính phủ trong nhiều thập niên.”

 

Chris Johnson là một Luật sư chuyên về Visa Lao động.

“Họ thực sự đang cố gắng thu hút những doanh nhân, các nhà đầu tư lớn và doanh nhân thành đạt, đó là những gì họ hướng tới. Vì vậy, có những mục tiêu khác nhau trong chương trình này. Bạn có thể nhận thấy rất nhiều cuộc thảo luận thực sự tập trung chủ yếu vào cái mà họ gọi là visa vàng, là visa dành cho nhà đầu tư quan trọng có số tiền đầu tư lớn nhất vào đó. Điều đó thực sự chiếm số lượng nhỏ nhất của chương trình.”

 

Số lượng visa dạng này đã giảm dần từ mức khoảng 11,000 suất vào năm 2020 đến giữa năm 2022, xuống còn 5,000 suất trong năm tài chính 2022-2023 và chỉ có 1,900 suất được lên kế hoạch cho năm tài chính hiện tại.

 

Tổng trưởng di trú hồi tháng trước cho biết sẽ có sự thay đổi về vấn đề di trú sau những gì bà nói là chính phủ tiền nhiệm đã bỏ bê trong nhiều năm.

“Điều này là vì tương lai của Úc. Chúng ta có một số thách thức thực sự lớn với tư cách là một quốc gia. Chúng ta có tốc độ tăng trưởng chậm chạp, điều này đang ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của các hộ gia đình Úc. Chúng ta có dân số già đi rất nhanh và chúng ta không có lực lượng lao động cần thiết để chăm sóc họ. Nhu cầu cấp thiết của chúng ta là chuyển đổi sang nền kinh tế ròng bằng 0 và chúng ta thiếu kỹ năng và khả năng để thực hiện điều đó. Chúng ta phải đối mặt với hoàn cảnh địa chiến lược trực tiếp đầy thách thức nhất trong khu vực mà chúng ta đang chứng kiến trong 70 năm qua, và chúng ta cần nhanh chóng xây dựng năng lực chủ quyền.”

 

Bà O'Neil trong tuần này đã tuyên bố rằng trong nhiều năm qua, rõ ràng loại visa này không mang lại những gì mà nền kinh tế của nước Úc cần từ một hệ thống di trú.

 

Ông Chris Johnson giải thích rằng, có sự tranh luận về việc liệu những người được cấp tấm vé vàng có thực sự thúc đẩy nền kinh tế hay không.

“Một điều về những người giữ visa kinh doanh và đầu tư là họ thường có một lượng vốn đáng kể. Vì vậy, họ đến Úc, họ cho con vào trường tư, họ chi tiêu vào mọi thứ mà họ thường xuyên cần, họ sẽ tiêu nhiều tiền hơn và thực hiện nhiều hoạt động hơn mức trung bình của người Úc, vì vậy một trong những lợi ích là họ sẽ tạo một chút kích thích cho nền kinh tế Úc.”

 

Chính phủ liên bang hiện phải quyết định cách xử lý tồn đọng của khoảng 30,000 hồ sơ đã nhận.

 

Abul Rizvy, một chuyên gia phân tích về di trú, cho biết.

“Tôi nghĩ trước tiên, số lượng đơn tồn đọng rất lớn. Vì vậy, thực sự không cần bất kỳ đơn mới nào. Và chính phủ sẽ không nhận thêm người nào nữa trong năm nay vì số lượng đơn đã nhận. Điều thứ hai là đã có những lo ngại về loại visa này, đặc biệt là phần nhà đầu tư, rằng họ đang biến nó thành visa hưu trí dành cho người giàu. Người giàu, phần nhiều là lớn tuổi, và điều đó không mang lại nhiều lợi ích cho nước Úc. Chính vì lý do đó mà chính phủ mong muốn thực hiện những thay đổi đối với visa này. Họ vẫn chưa công bố những thay đổi đó là gì. Họ vẫn đang xem xét điều đó.”

 

Ông Rizvy cho rằng chính phủ nên loại bỏ thị thực hoặc sửa đổi các điều kiện của nó.

“Tôi nghĩ, điều tốt nhất để làm với visa đầu tư này là bãi bỏ nó và tìm cách giải quyết tình trạng tồn đọng của các đơn đã nộp. Số lượng tồn đọng là rất lớn. Tôi nghĩ chính phủ nên chuyển visa này thành một loại visa khuyến khích mọi người đầu tư vào các doanh nghiệp mới và sáng tạo ở Úc, tuyển dụng người Úc và điều hành các doanh nghiệp đó thành công. Họ là những người mà visa này nên nhắm tới.”

 

Đã có một đánh giá lớn cho thấy những người nhập cư có tay nghề cao đóng góp nhiều hơn 300,000 đô-la trong suốt cuộc đời của họ so với những người dùng tiền mua tấm vé vàng vào Úc.