Các quan chức tình báo và cảnh sát Úc Đại Lợi đột kích nhà và văn phòng của một chính trị gia Úc thuộc đảng Đối lập hôm 26/6, trong cuộc điều tra chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Các nhân viên an ninh khám xét những vật dụng và tư trang có liên quan đến ông Shaoquett Moselmane, thành viên Hội đồng lập pháp tiểu bang New South Wales. Vụ đột kích diễn ra trong bối cảnh những cáo buộc về mối liên hệ giữa ông Moselmane với Trung Quốc bủa vây chính trị gia 55 tuổi.

 

Cơ quan tình báo an ninh Úc Đại Lợi xác nhận với AFP rằng “Sydney phát lệnh khám xét này nhằm phục vụ cuộc điều tra đang diễn ra”. Các nhân viên anh ninh còn cho biết thêm rằng hiện “không có mối đe dọa hay nguy hiểm cụ thể nào đối với người dân”.

 

Lập trường ủng hộ Bắc Kinh của ông Moselmane từ lâu đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, kể cả những thành viên thuộc Công đảng. Truyền thông địa phương đưa tin ông Moselmane đã thuê một nhân viên từng được đào tạo tại Học viện Chính trị Bắc Kinh.

 

 

 

Ông Shaoquett Moselmane từ lâu đã được biết đến với lập trường ủng hộ Bắc Kinh. Ảnh: Facebook.

 

 

 

Bà Jodi McKay, lãnh đạo Công đảng tiểu bang New South Wales, trả lời phóng viên rằng bà đã được thông báo từ trước về cuộc khám xét tại nhà và văn phòng ông Moslemane. Bà McKay cũng cho biết thêm là bà đang bắt đầu tiến trình khai trừ khỏi đảng đối với ông Molsemane.

 

“Vụ việc này thực sự đáng lo ngại”, bà McKay nói. “Điều quan trọng là các thành viên thuộc nghị viện ở mỗi tiểu bang quan tâm và tập trung vào người dân của họ”.

 

Cuộc khám xét cũng là một tín hiệu cho thấy chính quyền Úc Đại Lợi sẵn sàng giải quyết những cáo buộc về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với Úc. Động thái này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra.

 

Vào năm ngoái, cựu lãnh đạo Tổ chức An ninh Tình báo Úc Đại Lợi, ông Duncan Lewis, phát biểu rằng Trung Quốc muốn “kiểm soát” hệ thống chính trị của Úc bằng một chiến dịch “xảo quyệt”, sử dụng gián điệp một cách “bài bản và có hệ thống”.

 

Thời điểm đó, ông Lewis đưa ra dẫn chứng cho phát biểu của mình bằng trường hợp của Sam Dastyari, hay còn gọi là Sam Thượng Hải, cựu lãnh đạo Công đảng Úc, bị buộc thôi việc vào năm 2018 vì nhận vài chục nghìn đô-la từ một tổ chức có liên hệ với Trung Quốc.

 

 

 

Ông Duncan Lewis đã lưu ý vấn đề Trung Quốc can thiệp vào hệ thống chính trị Úc từ 2019. Ảnh: ABC

 

 

 

 

Chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đã thông qua đạo luật chống can thiệp từ nước ngoài sau khi một số doanh nhân gốc Hoa có quan hệ với Bắc Kinh bị vạch trần đã tài trợ cho các đảng phái địa phương và các chiến dịch bầu cử. Đạo luật nhấn mạnh rằng bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào hành động thay mặt cho chính phủ nước ngoài phải có sự cho phép của giới chức Úc.

 

Chính quyền Úc cũng đã cấm một doanh nhân cấp cao gốc Hoa quay trở về Trung Quốc như một phần của chiến dịch chống can thiệp từ nước ngoài. Chính quyền nước nay cho biết đang tiến hành điều tra về cáo buộc Bắc Kinh cố thuyết phục Bo “Nick” Zhao, một doanh nhân 32 tuổi ở Melbourne với lời đề nghị hỗ trợ ông này tranh cử vào Nghị viện. Zhao có vẻ đã từ chối lời đề nghị và sau đó được phát hiện đã chết trong phòng trọ của mình.

 

Về phía Trung Quốc, nước này gọi những tuyên bố trên là “dối trá, vô căn cứ”, đồng thời cáo buộc “một số chính trị gia, tổ chức và phương tiện truyền thông Úc” đã “tự dựng lên cái gọi là ‘gián điệp Trung Quốc’”.