Cơ quan giám sát cạnh tranh Úc Đại Lợi khuyên các hãng truyền thông gây áp lực để Facebook, Google trả tiền cho những tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ.

 

Theo CNA, ý tưởng này là biện pháp trong "bộ quy tắc ứng xử bắt buộc" với các hãng công nghệ đang được Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Úc Đại Lợi (ACCC) đề xuất. Những biện pháp còn lại gồm đàm phán song phương giữa hãng truyền thông với Facebook và Google, các cuộc thương lượng chung với toàn bộ hãng truyền thông tại Úc.

 

Một số quy định như phạt tiền công ty vi phạm, định nghĩa chính xác về tin tức cũng sẽ được thảo luận trước khi bộ luật được trình lên cơ quan nhà nước vào ngày 5/6.

 

 

Ý tưởng tẩy chay Facebook và Google có thể gây áp lực để họ trả tiền sử dụng tin tức cho các hãng truyền thông. Ảnh: Getty Images

 

Ở nhiều quốc gia, mỗi động thái của Facebook, Google luôn được theo dõi sát sao bởi họ chính là mối đe dọa cho ngành báo chí, truyền thông địa phương. Quy mô và sức ảnh hưởng lớn dẫn đến những tranh cãi về chia sẻ doanh thu quảng cáo, kiểm duyệt sơ sài dẫn đến tin giả tràn lan, gây tổn hại uy tín ngành báo.

 

Do sức ảnh hưởng lớn, ACCC cho rằng cần có một "khuôn khổ thương lượng thay thế" cho Facebook và Google nếu các cuộc đàm phán trực tiếp thất bại. Với nội lực quá lớn, cả 2 cũng thường chiếm ưu thế trong những cuộc đàm phán thương mại với các hãng truyền thông ở Úc.

 

Josh Frydenberg, Bộ trưởng Ngân khố Úc, hồi tháng 4 đã chỉ thị ACCC hãy nhanh chóng tạo ra luật chia sẻ doanh thu quảng cáo trong bối cảnh ngành báo chí Úc gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

 

Trong khi đề xuất ban đầu nhắm vào những cái tên lớn, bao gồm Twitter và Verizon Media, lần sửa đổi mới đã thu hẹp đối tượng tập trung vào Facebook và Google.

 

Theo The Guardian, một số hãng truyền thông đề xuất việc xếp tin tức vào các lĩnh vực thể thao, giải trí và truyền hình thực tế, trong khi những hãng khác cho rằng chỉ nên giới hạn trong các lĩnh vực chính trị, pháp luật và tội phạm.

 

 

Facebook và Google cho rằng đã đóng góp rất nhiều cho ngành báo chí vốn đang khó khăn của Úc. Ảnh: AFP.

 

 

Rod Sims, Chủ tịch ACCC nhận định bộ luật này có thể "cứu" các hãng truyền thông đang có doanh thu quảng cáo sụt giảm vì đại dịch, tự tin về sự thành công của nó tại Úc dù nhiều quốc gia châu Âu đã thất bại.

 

Theo ông Sims, Facebook và Google phải nhận ra thế giới này đang thay đổi, sự không đồng đều giữa 2 nhà phân phối lớn, có sức chi phối cao với các hãng phân phối nội dung sẽ không mang đến lợi ích lâu dài.

 

Nhiều quốc gia cũng đang theo dõi cách thực hiện dự luật này của Úc, mở ra khả năng Facebook và Google có thể đối mặt vấn đề tương tự ở khắp nơi trên thế giới.

 

Chủ tịch ACCC bày tỏ "Nếu muốn trở thành nền tảng số một, Facebook và Google cũng cần kiểm duyệt tin tức để khi tìm kiếm các chủ đề như virus corona, họ sẽ nhận những kết quả chính xác chứ không phải tin giả".

 

 

Tháng trước, lãnh đạo của Nine Entertainment, một trong những hãng truyền thông lớn nhất Australia đã yêu cầu Facebook, Google trả 10% doanh thu quảng cáo hàng năm (3,9 tỷ USD) cho các hãng truyền thông.

 

Cả 2 đều phản đối kịch liệt đề xuất, khẳng định họ đã đầu tư hàng triệu USD cho các sáng kiến góp phần vực dậy ngành báo chí đang gặp khó khăn của Úc.

 

Tuy nhiên, so với doanh thu tỷ USD khổng lồ mà Facebook, Google thu về mỗi quý, con số hàng triệu USD bỏ ra cho báo chí - truyền thông là quá bé nhỏ.

 

Tại Úc, các hãng tin tức đã cắt giảm 20% nhân sự trong 6 năm qua vì doanh thu sụt giảm. Mọi thứ còn tồi tệ hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi chi nhánh của BuzzFeed tại Úc và trang tin trực tuyến 10 Daily tuyên bố đóng cửa, khiến 25 nhà báo mất việc.