Ngành công nghiệp bia rượ đang lo lắng về chi phí để dán nhãn cảnh báo lên sản phẩm thức uống. Nguồn: AAP

 

 

 

Bộ trưởng các tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc sẽ thay đổi quy định dán nhãn cảnh báo lên các sản phẩm rượu bia, cụ thể sẽ bắt buộc nhãn cảnh báo uống rượu bia đối với người đang mang thai phải được dán một cách thống nhất và chiếm diện tích lớn hơn trước. Quy định mới được ban hành sau nhiều lần tranh cãi quyết liệt giữa chuyên gia y tế và nhà sản xuất bia rượu. Những nhà sản xuất bia rượu Úc cho rằng đây sẽ là một gánh nặng chi phí vô lý đối với lĩnh vực này.

 

Nhiều người Úc đi mua rượu mà không cần phải để ý nhãn dán trên chai rượu đó đã viết chính xác những gì.

 

Tuy nhiên giáo sư Elizabeth Elliot, thuộc trường Đại học Sydney nói sự thay đổi quy định dán nhãn mới này thật sự cần thiết.

 

‘Logo màu đỏ, kiểu chữ màu đỏ và thông điệp cảnh báo rõ ràng. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho nhiều thế hệ gia đình và trẻ em trong tương lai.’

 

Sau nhiều năm vận động, các tổ chức y tế và cộng đồng cuối cùng đã có thể nhìn thấy những nhãn cảnh báo dành cho người mang thai lớn hơn và rõ ràng hơn, trên các sản phẩm rượu bia.

 

Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc, bác sĩ Chris Zappala nói việc này đáng lẽ phải làm từ lâu rồi.

 

‘Tuy nhiên đây là trách nhiệm của các tập đoàn. Đây cũng là vấn đề lương tâm xã hội, và là hành động đúng đắn của người Úc và cộng đồng. Phải biết rằng không sao hết nếu chúng ta chỉ uống một ly rượu nhỏ theo một cách thức hợp lý, an toàn và trong tầm kiểm soát, tuy nhiên chỉ một lượng nhỏ rượu bia thôi nhưng vẫn chứa đựng nguy cơ lớn lao’.

 

Những bộ trưởng chịu trách nhiệm ban hành các quy định về thực phẩm tại tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc đã bỏ phiếu thông qua những thay đổi trong Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và Tân Tây Lan.

 

Thỏa thuận mới có ý nghĩa là kể từ bây giờ, các nhãn dán trên sản phẩm rượu bia sẽ có thêm dòng chữ cảnh báo đối với người mang thai. Dòng chữ ‘PREGNANCY WARNING’ có ba màu đỏ, trắng và đen, cỡ chữ lớn hơn và rõ ràng hơn để bảo đảm thông điệp hiện lên nổi bật, nhằm thay thế cho những thông điệp tự nguyện và không thống nhất trước đó.

 

Các chuyên gia y tế, trong đó có bác sĩ Zappala tin rằng đây là cách tốt nhất nhằm giảm bớt số lượng phụ nữ uống rượu bia khi mang thai, cũng như giảm bớt các căn bệnh trong thai kỳ liên quan tới rượu bia như chứng rối loạn thai nhi do uống rượu FASD.

 

‘Tôi nghĩ những thông điệp liên quan đến uống rượu có trách nhiệm là rất quan trọng. Thông điệp này sẽ nhanh chóng gởi tới các cộng đồng khác nhau cũng như các nhóm tuổi khác nhau. Thật sự nhẹ nhõm khi chúng tôi có thể chuyển sang vấn đề quan trọng này. Vấn đề này có thể phòng tránh được, nhưng nên nhớ là chúng ta chỉ có thể ngăn chặn sự nguy hiểm, ngăn chặn sự tổn thương mà thôi, và đây sẽ là bước đi lớn lao để đạt được điều đó’.

 

Nghiên cứu mới nhất từ Học viện Y khoa và Phúc lợi Úc cho biết mặc dù phụ nữ Úc khi mang thai nhìn chung đã uống ít rượu hơn so với số liệu ba năm trước, tuy nhiên con số vẫn đáng báo động khi có tới 1/3 trong số 300,000 phụ nữ khi mang thai vẫn tiếp tục uống rượu.

 

Đây là một sự thay đổi mà ông Tony Battaglene thuộc tổ chức sản xuất Rượu và Nho Úc hy vọng.

 

‘Chúng tôi muốn nhìn thấy điều đó trở thành hiện thực, chúng tôi muốn nó được thể hiện thống nhất trên mọi sản phẩm, trong thị trường bia rượu Úc, và chúng tôi mong muốn sẽ không phải chứng kiến thêm một ca rối loạn thai nhi do uống rượu nào nữa. Tôi nghĩ không còn cách nào hiệu quả hơn ngoài kết quả vừa áp dụng lên kỹ nghệ bia rượu này.’

 

Tuy nhiên ông Battaglene, đại diện cho các nhà sản xuất rượu vang tại Úc nói việc bắt buộc nhãn mới phải in ba màu đỏ, trắng và đen sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất rượu vừa và nhỏ gặp khó khăn về chi phí.

‘Đối với một vài doanh nghiệp nhỏ, đây có thể là gánh nặng khiến việc kinh doanh của họ bị sụp đổ, giống một cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà. Tôi thật sự lo ngại về khả năng tồn tại của họ, cũng như việc tăng chi phí trong quy định bắt buộc này có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ cho các nhà sản xuất.’

 

Tuy nhiên bác sĩ Chris Zappala nói lợi ích mà việc dán nhãn cảnh báo mới mang đến sẽ vượt xa các hậu quả tiêu cực.

 

‘Ý tôi muốn nói là mối nguy hiểm vốn đã rình rập bên trong các cộng đồng, và nếu biện pháp này chỉ cần nhắc nhở cho một phần trăm hoặc 2% người dân Úc, vào bất kỳ lúc nào, thì theo tôi đây là một biện pháp đáng giá.’

 

Các nhà sản xuất sẽ có ba năm để thay đổi và áp dụng nhãn mới cảnh báo người mang thai trên mọi sản phẩm bia rượu của họ.