Source: SBS News

(Theo SBS Việt ngữ)

Tính đến 11 giờ sáng ngày 11 tháng 3, theo số liệu từ trang mạng của Bộ Y tế Úc, số người nhiễm Covid-19 là 112 ca. Vậy nếu cảm thấy không khỏe hay có những triệu chứng nhiễm bệnh, bạn có nên gọi bác sĩ gia đình hay đến thẳng bệnh viện? Bạn có phải tự cách ly hay không và cách ly như thế nào?

Các triệu chứng của coronavirus Covid-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng phổ biến nhất của coronavirus Covid-19 là sốt, mệt mỏi và ho khan.

Một số bệnh nhân cũng có thể bị sổ mũi, đau họng, nghẹt mũi, đau nhức hoặc tiêu chảy. Khoảng 80% những người mắc Covid-19 là những trường hợp nhẹ như cảm lạnh thông thường và hồi phục mà không cần điều trị đặc biệt.

Cũng theo WHO, cứ 6 người sẽ có 1 người bệnh nặng. Những người lớn tuổi và những người có bệnh lý nền như huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh hô hấp mãn tính có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn từ Covid-19.

Chính phủ Úc cũng cảnh báo rằng những người bị ức chế miễn dịch như các bệnh nhân ung thư, thổ dân và dân đảo Torres Strait Islander, những người bị giam giữ và các viện dưỡng lão phải đối mặt với nguy cơ cao từ coronavirus  Covid-19.

Phải làm gì nếu không khỏe hay có các triệu chứng nhiễm bệnh?

Trước hết, bạn nên theo dõi các thông tin hướng dẫn có trên trang mạng của Bộ Y tế Úc được cập nhật hằng ngày, cùng với những thông tin cụ thể từ các cơ quan y tế tại các tiểu bang và vùng lãnh thổ nơi mình đang sinh sống.

Theo lời khuyên từ các cơ quan y tế của tiểu bang và vùng lãnh thổ, nếu bạn bị sốt, ho, đau họng hoặc khó thở trong vòng 14 ngày sau khi đi đến một khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bạn nên đi khám bác sĩ.

Giáo sư Brendan Murphy, giám đốc y tế của Úc, cho biết vào hôm thứ Hai ngày 9/3 rằng hiện Covid-19 đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, ở 105 quốc gia, nên mọi người cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu họ cảm thấy không khỏe sau khi đi du lịch nước ngoài.

 

Bạn nên liên hệ với bác sĩ gia đình của mình, hoặc nếu bệnh nặng hơn, hãy đến thẳng bệnh viện. Trong cả hai trường hợp, bạn nên gọi điện trước và nói với họ rằng bạn nghi ngờ mình có thể bị nhiễm coronavirus. Một số bệnh viện ở các thành phố lớn đã thiết lập các phòng khám sốt (fever clinic) - bạn có thể tìm địa chỉ các phòng khám này bằng cách gọi cho cơ quan y tế ở tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ của bạn.


Bạn cũng có thể gọi vào đường dây nóng 1800 020 080 hoạt động liên tục 24 giờ để có thể có thêm thông tin. Tuy nhiên, hiện nay, đường dây đang bị quá tải nên bạn có thể phải chờ đợi để được nối máy.

Số điện thoại các cơ quan y tế của các tiểu bang và vùng lãnh thổ:

NSW – 1300 066 055
Victoria – 1800 675 398
Queensland – 13 HEALTH or 13 432 584
South Australia – 1300 232 272
Western Australia – 1300 62 32 92
Tasmania – 1800 671 738
ACT – Business hours: 02 5124 9213, after hours: 02 9962 4155
Northern Territory – 08 8922 8044

Có nên gọi cho bác sĩ gia đình hay đến bệnh viện?

Theo lời khuyên từ các nhà chức trách, những người nghi ngờ họ có thể nhiễm Covid-19, nhưng không nghiêm trọng lắm, thì hãy liên hệ với bác sĩ gia đình để giảm áp lực cho các khoa cấp cứu.

Tuy nhiên, nếu bác sĩ gia đình nói với bạn rằng họ không được trang bị đủ để giúp đỡ bạn kiểm tra, hãy liên hệ với cơ quan y tế ở tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ của bạn để tìm hiểu xem có bất kỳ phòng khám sốt chuyên khoa nào (specialist fever clinic) gần nơi bạn sinh sống hay không.

Tôi có cần phải tự cách ly hay không? Tự cách ly như thế nào?

Nếu bạn được yêu cầu tự cách ly, bạn sẽ phải ở nhà trong 14 ngày. Đây là yêu cầu cho bất kỳ ai trở về từ Iran, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, và bất kỳ ai đã tiếp xúc gần gũi với trường hợp được xác nhận bị nhiễm Covid-19. Bạn cũng được yêu cầu tự cách ly nếu đã được xét nghiệm Covid-19 nhưng chưa có kết quả.

Nếu bị cách ly, bạn không được đi làm, đi học hoặc đi ra ngoài trừ khi gặp bác sĩ. Nếu cần di chuyển, bạn nên sử dụng xe hơi riêng của mình hoặc làm theo những lời khuyên này.

Theo lời khuyên của chính phủ liên bang về việc cách ly tại nhà, bạn có thể đi ra sân sau, vườn hoặc ban công trong khi cách ly nhưng không vào khu vực công cộng. Nếu ống trong một căn hộ, bạn nên đeo khẩu trang y tế và đi bộ nhanh qua các khu vực chung.

Bạn không thể tiếp khách và chỉ những người trong gia đình mới được phép vào nhà. Hãy nhờ gia đình, người thân hoặc bạn bè không bị cách ly giúp bạn mua thực phẩm và đồ dùng.

Các thành viên khác trong gia đình không bắt buộc phải cách ly trừ khi bạn phát triển các triệu chứng của coronavirus, trong trường hợp đó từng trường hợp sẽ được xem xét cụ thể bởi các cơ quan y tế.

Nếu bạn được xác nhận bị nhiễm bệnh, các thành viên trong gia đình sẽ được xác định là liên hệ chặt chẽ với người nhiễm bệnh và được yêu cầu cách ly với bạn.

Tiếp xúc gần gũi được định nghĩa là đối mặt với ai đó trong ít nhất 15 phút hoặc ở trong cùng một không gian kín ít nhất hai giờ.

Không nên cách ly tại nhà nếu bạn sống với những người có nguy cơ bị biến chứng do nhiễm coronavirus như người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch và người bị bệnh tim, phổi hoặc thận mãn tính.

Nhà chức trách đề nghị người bị cách ly ở trong các phòng khác nhau trong gia đình và sử dụng phòng tắm riêng nếu có; đeo khẩu trang y tế khi ở khu vực chung và làm sạch các khu vực có bề mặt tiếp xúc cao (vòi nước, tay nắm cửa và băng ghế) hàng ngày bằng chất khử trùng hoặc thuốc tẩy pha loãng.

 

 

 

Người dân Úc được khuyến khích nên chích ngừa cảm cúm khi coronavirus lan truyền

 

 

 

Hơn 100 người Úc nhiễm coronavirus: Chính phủ kêu gọi công chúng bình tĩnh

 

 

 

Ngừa coronavirus: Xà phòng hay nước rửa tay khô hiệu quả hơn?