Bộ trưởng Di trú, Andrew Giles, và Bộ trưởng Nội vụ, Clare O'Neil, đã chỉ trích phe đối lập liên bang vì đã ngăn chặn dự luật trục xuất của họ tại Thượng viện. Nguồn: AAP / Mick Tsikas

 

AUSTRALIA - Nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm nhanh chóng thông qua một dự luật giúp trục xuất những người nhập cư bị giam giữ dễ dàng hơn đã vấp phải sự phản đối tại Thượng viện.

 

Chính phủ Úc đang gặp phải nhiều thách thức với vấn đề giam giữ vô thời hạn kể từ khi Tòa án Tối cao ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn NZYQ vào tháng 11 năm ngoái.

 

Trong lúc một vụ kiện khác của Tòa án Tối cao sắp diễn ra có thể khiến ít nhất 100 người nữa được thả khỏi nơi giam giữ vô thời hạn, Đảng Lao động đang cố gắng thay đổi Đạo luật Di trú.

 

Bộ trưởng Di trú Andrew Giles cho biết đề xuất sửa đổi sẽ củng cố hệ thống nhập cư.

“Chính quyền Albanese cam kết tăng cường hệ thống di trú của Úc, giúp hệ thống này ngày càng tốt hơn, công bằng hơn và bảo đảm hệ thống này hoạt động vì lợi ích quốc gia của Úc. Việc loại bỏ sửa đổi về di cư và các biện pháp khác Dự luật 2024 sẽ cung cấp cho chính phủ những công cụ cần thiết để tăng cường việc tuân thủ nhập cư của chúng ta, bao gồm cả việc quản lý tốt hơn việc giam giữ người nhập cư.”

 

 

Việc sửa đổi sẽ cho phép Bộ trưởng Di trú ban hành “hướng dẫn lộ trình loại bỏ", buộc những người không phải là công dân phải hoàn thành đơn xin hộ chiếu hoặc giấy thông hành của họ.

 

Nếu một người không tuân thủ chỉ thị này, họ sẽ phải đối mặt với mức án tối thiểu là 12 tháng và tối đa 5 năm tù.

 

Ông David Manne là luật sư nhân quyền và Giám đốc điều hành của Tổ chức pháp lý về người tị nạn.

 

Ông nói rằng những thay đổi được đề xuất là cực đoan.

"Chính phủ đang sử dụng các biện pháp cực đoan và hoàn toàn không chính đáng để phá vỡ phán quyết của Tòa án Tối cao và các nghĩa vụ cơ bản của chúng ta theo luật, không trục xuất những người gặp nguy hiểm. Điều này có thể có những tác động rất nghiêm trọng đối với hệ thống di trú của chúng ta. Và nó rất hà khắc, hoàn toàn không có cơ sở, mang tính phân biệt đối xử và cuối cùng là sự vi phạm quá mức."

 

Có lo ngại rằng dự luật này là sự giam giữ vô thời hạn được áp đặt bằng một tên khác.

 

Giám đốc điều hành của Hội đồng hành động vì người tị nạn, ông Paul Power, nói rằng điều này có thể khiến những người có nguy cơ bị đàn áp rơi vào tình thế nguy hiểm.

“Chúng tôi thực sự lo ngại về thực tế là đạo luật này sẽ trao cho chính phủ quyền ép buộc những người có mối lo ngại nghiêm trọng về đàn áp bị gửi trả lại hoặc bị tống vào tù.”

 

Phe đối lập đã chất vấn gắt gao chính phủ về các vấn đề giam giữ người nhập cư kể từ phán quyết của Tòa án Tối cao vào tháng 11.

 

Dự luật ban đầu được hạ viện thông qua với sự ủng hộ của phe đối lập, nhưng sau đó đã được xem xét lại bởi một cuộc điều tra kéo dài 2 tiếng vào ngày 26/3, và các quan chức Nội vụ đã được chất vấn về vấn đề luật.

 

Người phát ngôn Nội vụ của phe đối lập James Paterson nói rằng ông không nhận được câu trả lời mà ông mong đợi.

“Họ không thể giải thích cách thức, thời điểm sẽ sử dụng luật này hoặc nó sẽ áp dụng cho ai. Vì vậy, rất khó để liên đảng ủng hộ việc thông qua luật này một cách vội vàng như vậy. Chúng tôi rất lo ngại về những hậu quả không lường trước được."

 

Đảng Xanh đã đề xuất dự luật cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, được liên đảng và các nghị sĩ độc lập ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Đảng Xanh, David Shoebridge, nói  “Rõ ràng là họ đã không thảo luận với ai khác ngoài chính phủ, không phải UNHCR, không tổ chức phi chính phủ, không có tiếng nói bên ngoài nào trong việc xây dựng luật này và sau đó cố gắng thông qua quốc hội trong 36 tiếng.”

 

 

Luật cũng cho phép chính phủ “loại bỏ quốc gia đáng lo ngại”.

 

Theo đó, sau khi một nước đáng lo ngại bị đưa vào danh sách chỉ định, lệnh cấm chung sẽ được áp dụng đối với các đơn xin cấp thị thực từ quốc gia đó, chỉ có một số trường hợp ngoại lệ gồm thành viên gia đình của những người ở Úc và một số thị thực tị nạn.

 

Ông Manne nói điều đó có thể khiến nhiều gia đình tan vỡ.

“Điều mà họ cũng đang cố gắng làm là cấm người tị nạn vào Úc và sẽ chia cắt các gia đình, điều này ảnh hưởng đến nghĩa vụ cơ bản của chúng ta là bảo vệ những người chạy trốn khỏi nguy hiểm. Những người từ các nước thường có thể đến đây bây giờ sẽ bị cấm hoàn toàn vì họ có cùng quốc tịch với những người đã ở đây và không thể bị trục xuất. Đó là sự hà khắc, phân biệt đối xử và phản ứng quá mức."

 

 

Ngoài ra, luật cũng cho phép chính phủ mở lại các quyết định bảo vệ trước đó.

 

 

Ông Manne nói rằng quyền lực này có thể khiến mạng sống con người gặp nguy hiểm.

“Chính phủ cũng đang cố gắng mở lại các trường hợp của những người mà chính phủ cho là cần được bảo vệ để đảo lại quyết định cho phép trục xuất họ. Chúng ta không nên đưa ra luật khiến cho mọi người lo sợ bị quay trở lại nơi nguy hiểm và bị ngược đãi. Chúng ta không nên đưa ra những đạo luật khiến cuộc sống của những người đó gặp nguy hiểm. Và đạo luật này thực hiện chính xác điều đó.”

 

Bộ trưởng Nội vụ, Clare O'Neil, nói rằng Đảng Lao động thất vọng vì dự luật sẽ được tiếp tục xem xét.

“Chúng tôi rất thất vọng vì Đảng Tự do đã quyết định cản trở những nỗ lực của chính phủ nhằm bảo đảm rằng chúng ta có một hệ thống di trú được vận hành và quản lý tốt hơn, cũng như cải thiện sự an toàn của cộng đồng. Tuần này, chúng tôi đã đệ trình trước Nghị viện một dự luật hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia, một dự luật hợp lý lẽ ra sẽ trao cho Bộ trưởng Di trú những quyền mà theo quan điểm của tôi, ông ấy hoàn toàn nên có.”

 

Chính phủ muốn dự luật được thông qua trước khi Tòa án Tối cao xem xét vụ việc liên quan đến một công dân Iran đang bị giữ tại trung tâm giam giữ người nhập cư - nguyên đơn ASF17 - vào ngày 17 tháng 4.

 

Điều này khó có thể xảy ra do cuộc điều tra của Thượng viện dường như sẽ không đưa ra kết quả đến khi Nghị viện họp lại vào tháng Năm.