Ông bà ngoại của Sara Tomevska đã phải chờ trong 6 năm để được cấp thị thực (visa) cư trú vĩnh viễn.Ảnh: Supplied / Sara Tomevska

 

Khi ông bà của cô Sara Tomevska đến Úc để giúp chăm sóc cháu, họ đã phải đợi 6 năm mới được cấp visa định cư. Nếu nộp hôm nay, họ sẽ còn phải đợi lâu hơn nữa.

 

Tôi sẽ không bao giờ quên ngày chiếc máy bay phản lực khổng lồ chở ông bà tôi đi.

 

Tôi nhìn theo chiếc máy bay cho đến khi nó biến thành một đốm nhỏ trên bầu trời rồi biến mất.

 

Tôi nhớ mình đã khóc và hỏi mẹ rằng, “Tại sao Baba và Dedo không thể ở lại?”

 

Khi đó, tôi 9 tuổi và đã trải qua phần lớn thời thơ ấu của mình với ông bà.

 

Ba mẹ tôi đến Úc từ Cộng hòa Macedonia thuộc Nam Tư cũ vào năm 1995, sau khi chiến tranh nổ ra. Giống như nhiều người nhập cư khác, họ chỉ mang theo một vài chiếc vài va li và hai đứa trẻ dưới 5 tuổi, không bạn bè, người thân.

 

Là những người nhập cư có tay nghề, họ nhanh chóng tìm được việc làm. Nhưng để trang trải cuộc sống, cả ba mẹ tôi đều phải làm việc toàn thời gian và cần có người chăm sóc con cái.

 

 

Ông bà của Sara Tomevska đến Úc để giúp chăm sóc trẻ sau khi bố mẹ cô rời Cộng hòa Macedonia, thuộc Nam Tư cũ, vào năm 1995. Ảnh: được cung cấp / Sara Tomevska (SBS)

 

Ông bà ngoại tôi đến Úc vào năm 1995, sau đó là ông bà nội, rồi ông bà ngoại quay trở lại vào năm 1997.

 

Sự hiện diện của ông bà hai bên trong thời thơ ấu đã làm phong phú thêm cuộc sống của tôi. Họ giúp duy trì mối liên hệ với ngôn ngữ và văn hóa nơi tôi sinh ra, những thứ mà có thể đã bị đánh mất.

 

Năm 2003, ông tôi bị nhồi máu cơ tim phải phẫu thuật. Hồ sơ xin định cư của ông vẫn đang chờ xét sau 6 năm, vì vậy ông không có thẻ Medicare và phải rút tiền tiết kiệm của mình để chữa bệnh. Ông bà tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại Macedonia.

 

Hai tuần sau đó, Bộ Di trú gọi điện thông báo đơn xin visa của ông bà đã được chấp thuận.

 

Bạn có thể nghĩ rằng đó là “không đúng thời điểm”, “không may mắn” hoặc thậm chí là “không công bằng”, nhưng có lẽ từ chính xác nhất để mô tả hệ thống di trú mà gia đình tôi phải đối mặt vào cuối thập niên 90 là “nhanh chóng”. Ít nhất, nó nhanh hơn so với hệ thống ngày nay.

 

Đó là bởi vì thời gian chờ đợi trung bình để xin visa bảo lãnh cha mẹ vào năm 2023 là 40 năm, theo đánh giá mới nhất về hệ thống di trú Úc.

 

Sara Tomevska cùng chị gái và ông bà Ngoại của họ.Ảnh:  được cung cấp / Sara Tomevska (SBS)

 

 

 

Hệ thống ‘tàn nhẫn và không cần thiết’

Bản Đánh giá Di trú dài 186 trang, do cựu giám đốc dịch vụ công cộng Martin Parkinson phụ trách, đã kết luận rằng hệ thống di trú của Úc nói chung là “không phù hợp với mục đích” và đã khuyến nghị “một cách tiếp cận mới và công bằng hơn” đối với visa bảo lãnh cha mẹ.

 

Từ năm 2010 đến năm 2022, số hồ sơ bảo lãnh cha mẹ tồn đọng đã tăng từ 35.000 lên 120.000. Tuy nhiên, số lượng visa bảo lãnh cha mẹ được cấp vẫn bị giới hạn ở mức 8.500 suất mỗi năm.

 

Báo cáo cũng tiết lộ thời gian xử lý hồ sơ bảo lãnh cha mẹ hiện nay là “từ 30 đến 50 năm”, hoặc 15 năm nếu người nộp đơn có thể bỏ ra $48.000 để xin visa theo diện đóng góp.

 

Khoảng 80% visa bảo lãnh cha mẹ được cấp ở Úc là dành cho những người nộp đơn theo diện đóng góp.

 

Báo cáo có đoạn viết “Thời gian chờ đợi từ 30-50 năm, xét đến độ tuổi của nhiều bậc cha mẹ, khiến xác suất định cư thành công hầu như bằng không đối với nhiều người nộp đơn,”

“Tạo cơ hội cho mọi người xin visa mà có lẽ họ sẽ không bao giờ nhận được, là một việc làm vừa tàn nhẫn vừa không cần thiết.”

 

Một đánh giá về hệ thống di cư của Úc đã kêu gọi xem xét lại cách thức đánh giá các công dân tiềm năng. Ảnh: Được cung cấp / Sara Tomevska (SBS)

 

 

Báo cáo đề xuất một số cách để chính phủ giải quyết số hồ sơ tồn đọng “hàng thập niên”.

 

Đầu tiên là triển khai mô hình “xổ số visa” như một “lựa chọn hiệu quả để quản lý nhu cầu và tránh tồn đọng thêm”.

 

Một lựa chọn khác là loại bỏ hoàn toàn việc cấp visa thường trú cho cha mẹ của di dân, mà thay vào đó là các loại visa ngắn hạn hơn.

 

“Mặc dù có thể gây tranh cãi, nhưng biện pháp này có thể mang lại một hình thức đoàn tụ gia đình rẻ hơn, công bằng hơn, nhanh hơn và chắc chắn hơn so với hiện tại.”

 

Visa tạm trú dành cho cha mẹ theo diện đóng góp (SPTV) cũng là một lựa chọn, với mức phí $5.240 trong 3 năm, hoặc $10.480 trong 5 năm.

 

Thời gian xử lý các loại visa này ngắn hơn – khoảng 5 tháng – và những người nộp đơn phải có bảo hiểm y tế tư nhân chi trả tối đa 1 triệu đô la chi phí chăm sóc sức khoẻ trong suốt thời gian lưu trú.

 

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý số người nộp visa SPTV “thấp hơn dự kiến và không làm giảm nhu cầu về visa thường trú”.

 

Câu hỏi về Ngân sách

Ước tính mỗi người nhập cư theo diện bảo lãnh cha mẹ sẽ làm tiêu tốn của Ngân sách $393.000 trong suốt cuộc đời còn lại của họ ở Úc

 

Cựu quan chức Bộ Di trú, ông Abul Rizvi, nói rằng “visa bảo lãnh cha mẹ vẫn luôn là một chính sách khó khăn”.

Ông nói “Một mặt, bạn muốn làm điều đúng đắn với những người nhập cư mà bạn đã mời đến đây và cho phép họ bảo lãnh cha mẹ sang Úc,”

“Mặt khác, mục tiêu bao trùm của chương trình di trú là làm chậm tốc độ già hóa dân số.”

 

Tiền cấp dưỡng cho người cao niên là khoản trợ cấp xã hội lớn nhất trong ngân sách liên bang, theo sau là NDIS và Medicare.

 

Cha mẹ của Sara Tomevska đến Úc năm 1995 cùng hai con nhỏ. Ông bà của cô đến ngay sau đó để giúp chăm sóc trẻ. Ảnh: Được cung cấp / Sara Tomevska (SBS)

 

 

 

Lợi ích về xã hội, kinh tế và sức khoẻ tâm thần

Báo cáo cho thấy “đoàn tụ gia đình có thể hỗ trợ mục tiêu của các chương trình visa khác, đặc biệt là các mục tiêu kinh tế của dòng visa tay nghề” bằng cách giúp cho những người nhập cư tay nghề cao có thể tham gia đầy đủ vào lực lượng lao động.

 

“Ngược lại, tình trạng tồn đọng hồ sơ bảo lãnh cha mẹ hiện tại có thể làm giảm uy tín của Úc như một điểm đến nhập cư hấp dẫn và thân thiện.”

 

Trung bình một người nhập cư có tay nghề có thể đem lại lợi ích tài chính khoảng $200.000 cho nước Úc.

 

Những lợi ích về mặt xã hội, cảm xúc và văn hóa của việc có được sự hỗ trợ từ gia đình là khó có thể đo lường được.

 

Bà Ruth Das, người điều hành Dự án Sức khỏe Tâm thần Đa văn hóa của Tổ chức Sức khỏe Tâm thần Úc, đã chỉ ra rằng sự cô lập xã hội và thiếu kết nối cộng đồng là một “yếu tố rủi ro” đối với sức khỏe tâm thần.

Bà nói “Chúng tôi thấy nhiều người nhập cư đưa cha mẹ của họ đến Úc chủ yếu với mục đích chăm sóc con cái,”

“Hạn chế những visa đó sẽ hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em, điều này không chỉ ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng tham gia vào lực lượng lao động của người nhập cư, mà còn làm trầm trọng hơn sự cô lập của họ và dẫn đến tình trạng suy sụp tinh thần.”

 

Chỉ còn hai tuần nữa là công bố Ngân sách liên bang, Tổng trưởng Ngân khố Jim Chalmers đã nhiều lần nói rằng Lao động “không thể tài trợ cho mọi ý tưởng hay” — và một ý tưởng khó khăn về kinh tế như visa bảo lãnh cha mẹ có thể không được ưu tiên.

 

Tuy nhiên, với việc chính phủ có kế hoạch nhận thêm 715.000 người nhập cư trong hai năm tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt các kỹ năng quan trọng, bao gồm lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, thì cuộc thảo luận về vấn đề khó khăn này là điều khó tránh khỏi.