Sinh viên học thại sĩ, Deddy Kristian, muốn tốt nghiệp trong năm nay, Nguồn: Supplied

 

 

Nhiều sinh viên đại học dự kiến tốt nghiệp trong năm nay đã phải trì hoãn các kế hoạch do đại dịch coronavirus. Một báo cáo mới cũng cho thấy rằng các tác động kinh tế và xã hội do COVID-19 gây ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những người Úc trẻ dưới 25 tuổi trong nhiều năm tới.

 

Sau nhiều năm học chương trình Thạc sỹ ngành Xây dựng và Quản lý tại Đại học Melbourne, Deddy Kristianto đã mong chờ đến lễ tốt nghiệp vào tháng 7 năm nay.

Thế nhưng đại dịch đã khiến kế hoạch của anh thay đổi.

 

Chàng sinh viên 24 tuổi này không chắc liệu buổi tốt nghiệp sẽ diễn ra hay không. Và hơn nữa là, nếu buổi lễ vẫn được tiến hành thì Deddy cũng không nghĩ ba mẹ mình có thể bay sang úC để tham dự như kế hoạch ban đầu.

 

“Trong lễ tốt nghiệp thì chắc chắn là bạn sẽ mong ba mẹ tới dự. Nhưng mà ba mẹ tôi thì ở nước ngoài. Và tôi cũng không biết ít tháng nữa sẽ như thế nào. Nhưng tôi nghĩ nếu mà lễ tốt nghiệp được hoãn tới cuối năm sau thì tốt quá. Điều đó có nghĩa là ba mẹ tôi có thể tới tham dự.”

 

Hơn 340 nghìn sinh viên đại học tốt nghiệp mỗi năm tại Úc, trong đó sinh viên quốc tế chiếm hơn 3/4 tổng số lượng ghi danh tại các trường đại học.

 

Kristianto nói rằng có nhiều việc làm trong ngành xây dựng, tuy nhiên anh dự đoán rằng việc cạnh tranh sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt đối với những người giữ visa tạm thời như anh.

 

“Kể cả nếu như đại dịch này không xẩy ra, thì nó cũng vốn rất khó khăn cho chúng tôi là những sinh viên quốc tế trong việc tìm việc làm. Và bây giờ, trong bối cảnh đại dịch thì sẽ còn thêm nhiều thách thức nữa”.

 

Sinh viên ngành truyền thông tại Đại học Monash, Angus McLardie đã lạc quan về cơ hội việc làm trước khi đại dịch xẩy ra, và đã hy vọng sẽ tốt nghiệp vào giữa năm nay. Nhưng giờ đây anh đang phải suy nghĩ lại.

 

“Lễ tốt nghiệp của tôi đã được dời lại. Tôi cũng có thể học thêm các môn học khác để có thể kết thúc sớm hơn, trong giữa năm nay. Nhưng mà sẽ không có nhiều việc làm trong thời gian này. Hầu hết các lời khuyên tôi nhận được đó là hãy cứ ở lại trường thêm 6 tháng nữa bởi vì lúc đó thị trường việc làm mới có thể khá khẩm hơn. Nhưng mà rất nhiều chương trình cho sinh viên mới tốt nghiệp mà tôi nộp hồ sơ ứng tuyển đều đã đóng lại. Họ chỉ gởi một email nói rằng "chúng tôi sẽ không chạy các chương trình này cho đến khi có thông báo mới.”

 

Một báo cáo mới được đưa ra cho thấy những người trẻ tuổi đối mặt với một tác động sâu rộng trong vấn đề việc làm trong nhiều năm tới, trừ khi có các phương án hành động ngay lập tức được đưa ra trong vòng 6 tháng.

 

Trước khi đại dịch ập đến, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tại Úc ở mức 11.5 phần trăm, gấp đôi mức trung bình của toàn quốc.

 

Con số này đã tăng lên tới 13.8 phần trăm vào tháng Tư, với những người trong nhóm tuổi 15-24 chiếm 35 phần trăm trong tổng số 600,000 người Úc mất việc làm trong thời gian đó.

 

Đồng tác giả của báo cáo trên là giáo sư Paul Flatau, đến từ trung tâm nghiên cứu tác động xã hội thuộc Đại học Tây Úc. Ông nói rằng, tỷ lệ thất nghiệp này thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa vào trước cuối năm nay.

 

“213,000 người trẻ trong độ tuổi 15 đến 24 đã mất việc chỉ riêng trong tháng Tư. Đó là một con số rất lớn. Và nếu như các việc làm không trở lại trong vòng ít tháng tới đây, tôi có thể dự đoán một tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm trẻ tuổi tăng lên tới khoảng mức 20 phần trăm, vào trước cuối năm nay”.

 

Ông nói rằng những người trẻ có ít hoặc không có kinh nghiệm bước chân vào thị trường việc làm, là nhóm đối tượng đối mặt với khó khăn lớn nhất trong thời gian này.

 

“Nếu chúng ta quay trở lại thời kỳ suy thoái đầu thập niên 1990s - chúng ta có thể rút ra nhiều bài học. Trong thời gian đó tại Úc, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cũng tăng. Điều chúng ta thấy đó là những ai không tìm được việc làm nhanh chóng thì có thể sẽ duy trì tình trạng thất nghiệp trong một thời gian dài.Nó gây ra các tác động lên sức khỏe tâm thần. Nhiều người cũng dần mất đi mối liên hệ với thị trường lao động. Và đối với những người trẻ đó, việc quay trở lại làm việc là rất, rất khó khăn."

 

Giáo sư Flatau nói rằng chính phủ liên bang nên cân nhắc nhiều phương án khác nhau, phát triển các chương trình để hỗ trợ người trẻ tìm việc làm.

 

Công ty TwoPointZero có trụ sở ở Melbourne cung cấp dịch vụ tư vấn hướng nghiệp cho người trẻ tuổi chuyển tiếp từ môi trường giáo dục đến nơi làm việc.

 

Giám đốc điều hành công ty, ông Steve Shepherd nói rằng, ông đã nhận về rất nhiều câu hỏi từ các sinh viên và những người sắp tốt nghiệp.

 

"Nhiều người trẻ tuổi đã không nhận được các lời khuyên hữu ích về sự nghiệp trong suốt thời gian đi học. Thường có nhiều tập trung vào cách viết đơn xin việc, nhưng không có nhiều hướng dẫn về cách bạn chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn, cách mở rộng mối quan hệ để tìm ra những cơ hội việc làm không được quảng cáo. Ý tôi là có nhiều người tìm được việc làm từ những người mà họ quen biết."

“Chúng ta mong muốn người phỏng vấn có thể thấy tiềm năng của chúng ta, và có thể nhìn thấy một viên kim cương chưa được mài giũa. Và đối với tôi, đừng hy vọng họ tìm kiếm viên kim cương đó mà hãy trưng bày ra cho họ thấy”.

 

Trong khi đó giám đốc công ty cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm tại Sydney, Extraordinary You, bà Gina Bell cho rằng, những hiểu biết của các nhân viên tư vấn nghề nghiệp cần được truyền tải đầy đủ đến những người lao động.

 

“Điều quan trọng là chúng ta đánh giá tiềm năng của người đó, mức độ đáp ứng công việc cũng như động lực để làm công việc đó. Vì vậy mà, nó không chỉ là sắp xếp họ vào các việc làm. Mà nó là về việc định hướng, bởi tôi nghĩ trong dài hạn, bạn sẽ có được những người hài lòng với công việc của mình. Điều đó sẽ hữu ích không chỉ đối với họ, mà còn tốt cho nền kinh tế trong dài hạn.”

 

Thủ tướng Scott Morrison đã công bố một bản kế hoạch đào tạo nghề, mà ông gọi là chương trình JobMaker, để giúp tạo thêm việc làm trong thời hậu đại dịch.

 

Trong khi không có thêm gói đầu tư nào được đưa ra, Thủ tướng Morrison nói rằng, ông muốn nhìn thấy khoản đầu tư 1.5 tỷ đô-la cho các tiểu bang trong ngành đào tạo nghề được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

 

Chương trình do chính phủ liên bang tài trợ có tên gọi Transition to Work (Chuyển tiếp sang Việc làm) cho đến nay đã ghi nhận một mức tăng mạnh về nhu cầu tham gia trên toàn quốc. Chỉ trong ít tuần qua, đã có thêm khoảng 9 nghìn người trẻ đăng ký vào các chương trình này để tham gia các khóa đào tạo nghề.