Thành viên độc lập của khu bầu cử Wentworth, Allegra Spender, (AAP) Ảnh: AAP / MICK TSIKAS/AAPIMAGE

 

 

AUSTRALIA - Một tháng sau khi Chính phủ Liên bang công bố con đường định cư lâu dài cho 19.000 người tị nạn có thị thực tạm thời, 12.000 người xin tị nạn khác vẫn ở trong tình trạng lấp lửng. Ngày càng có thêm nhiều lời kêu gọi Lao động bãi bỏ hệ thống từ chối yêu cầu bảo vệ và thay thế bằng một cơ quan có thẩm quyền công bằng hơn.

 

12.000 người xin tị nạn, nhiều người đã sống ở Úc trong một thập niên, vẫn không rõ tương lai thế nào.

 

Chính phủ cam kết sẽ xem xét lại hệ thống từ chối yêu cầu bảo vệ của người tầm trú và có khả năng thành lập một cơ quan đánh giá nhập cư mới.

 

Người tị nạn Somali Maria Kahie đến Úc bằng thuyền vào năm 2013. Sau khi rời trại giam di trú, cô gặp chồng là Daniel và họ có hai con. Hy vọng lớn nhất của gia đình là Kahie có thể trở thành thường trú nhân.

"Điều đó là sự an toàn, nghĩa là tôi có thể cùng với chồng tôi mua một căn nhà, tôi sẽ nuôi con và thấy con lớn lên ở một đất nước an toàn, tôi sẽ có cuộc sống mà tôi hằng mơ ước."

 

Gia đình Kahie tiếp tục hy vọng và mặc dù cô được coi là người tị nạn, nhưng cứ mỗi 6 tháng, cô lại phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

 

Chồng của Kahie, Daniel Knudson, nói rằng điều đó ảnh hưởng lớn đến tinh thần.

"Họ luôn nói rằng đừng quá an tâm. Đây là thị thực tùy ý của bộ trưởng và nó có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào. Và thật khó chịu mỗi khi nghe điều đó.”

 

Nghị sĩ độc lập Allegra Spender nói rằng những người xin tị nạn xứng đáng là một phần của xã hội Úc.

“Những người tị nạn đó có thể đóng góp rất lớn cho đất nước này, nhưng nếu chúng ta để họ trong tình trạng lấp lửng và hệ thống xử lý thị thực bị lỗi khi có khiếu nại, hoặc họ không cảm thấy được giải quyết công bằng, thì chúng ta đang tăng thêm nỗi đau cho một nhóm rất dễ bị tổn thương trong cộng đồng muốn đóng góp cho đất nước này.”

 

Tháng trước, chính phủ thông báo 19.000 người giữ visa tạm thời, được coi là người tị nạn đến Úc trước năm 2013, có thể nộp đơn xin thường trú, cho đến nay đã có 100 người được cấp visa.

 

Chỉ những người đến trước khi Chiến dịch Biên giới có chủ quyền bắt đầu vào năm 2013 mới được phép ở lại.

 

Còn 12.000 người tầm trú với tình trạng tị nạn chưa được xác định, vẫn chưa biết tương lai về đâu.

 

Khi được hỏi về con đường để được thường trú, Bộ trưởng di trú Andrew Giles cho biết:

"Chúng tôi xem xét hoàn cảnh của tất cả họ, bao gồm nhiều người trong 10 năm qua vẫn chưa được quyết định theo cách phù hợp với quy trình hợp pháp, nhưng về cơ bản lại quay trở về vấn đề này. Chúng tôi tin rằng những người thực sự cần được bảo vệ mới có thể bước tới con đường này."

 

Nhưng quy trình xác định ai được bảo vệ đang bị chỉ trích.

 

Hàng trăm người xin tị nạn, đã bị từ chối theo cái gọi là quy trình Fast Track, đã đến Canberra trong tháng này để yêu cầu Lao động bãi bỏ nó.

 

Hussein Alsadani, một thành viên của nhóm xin tị nạn, tuyên bố quy trình đó không công bằng.

“Toàn bộ quy trình đều không công bằng, cụ thể là quy trình Fast Track mà tất cả chúng tôi đều phải tuân theo, nó không công bằng. Có rất nhiều lời hứa của chính phủ trước đó đã không được thực hiện. Chúng tôi không nhận thấy điều gì, không có lời hứa nào thực sự rõ ràng."

 

Lời kêu gọi để loại bỏ quy trình Fast Track đang thu hút sự chú ý của Đảng Xanh và các dân biểu độc lập.

 

Thượng nghị sĩ độc lập David Pocock tuyên bố quy trình đó sẽ không còn hiệu lực nữa.

Ông nói “Trong nền tảng quốc gia của đảng Lao động, đó là một quy trình không công bằng và nên bị bãi bỏ. Tôi hiểu rằng có một quy trình song song phù hợp với những người đến bằng đường hàng không và nó công bằng hơn nhiều.”

 

Đảng Lao động tuyên bố sẽ loại bỏ cơ quan bảo trợ giải quyết các kháng cáo của Fast Track với hy vọng thành lập một cơ quan mới vào cuối năm nay.

 

Nhưng không rõ liệu điều đó đồng nghĩa với quy trình xét duyệt nhanh cũng bị bãi bỏ hay điều gì sẽ xảy ra với những người bị từ chối theo quy trình đó.

 

Ít nhất 10.000 người đang ở giai đoạn từ chối cuối cùng, nghĩa là các yêu cầu chỉ có thể bị hủy bỏ bởi tòa án hoặc chính bản thân bộ trưởng di trú .

 

Luật sư về tị nạn Daniel Ghezelbash giải thích.

“Bộ trưởng có hai quyền liên quan ở đây: một là quyền cho phép những người đã bị từ chối cấp thị thực bảo vệ được nộp đơn lại theo hệ thống. Quyền thứ hai cho phép bộ trưởng hủy bỏ lệnh cấm những người trong nhóm này nộp đơn xin bất kỳ thị thực nào khác."

 

Chính phủ cũng có quyền cho phép những người đến sau năm 2013 (Chiến dịch Biên giới có chủ quyền) bắt đầu tiếp cận những con đường dẫn đến thường trú.

 

Đối với người tị nạn Maria Kahie, đó có thể là cơ hội cho một khởi đầu mới.

"Điều đó có nghĩa là tôi thực sự có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực. Tôi có thể đóng góp rất nhiều cho cộng đồng mà tôi là một phần trong đó. Mỗi ngày thức dậy, tôi có thể biết rằng tôi được an toàn ở lại đây."