Những người ủng hộ nói rằng công ty có thể vẫn đạt được mục tiêu với tuần làm việc 4 ngày. Ảnh: Getty / Maskot/Getty Images/Maskot

 

AUSTRALIA - Số giờ làm việc giảm xuống, nhưng mức lương vẫn được giữ nguyên. Điều đó nghe thật khó tin, thế nhưng một tập đoàn lớn tại Úc hiện đang thử nghiệm mô hình này.

 

Trong đại dịch COVID-19, người lao động và doanh nghiệp trên khắp nước Úc đã bị buộc phải thay đổi cách làm việc.

 

Mặc dù cuộc sống gần như đã trở lại bình thường, nhưng hình thức làm việc tại nhà kết hợp với trên văn phòng đã trở nên phổ biến hơn ở nhiều ngành kỹ nghệ.

 

Một số doanh nghiệp thậm chí còn cho phép nhân viên linh hoạt về số giờ làm việc trong một tuần.

 

Hôm 2/121, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Unilever ANZ tuyên bố sẽ thử nghiệm mô hình tuần làm việc 4 ngày tại Úc, theo sau một thử nghiệm thành công kéo dài 18 tháng ở New Zealand.

 

Tuần làm việc 4 ngày là gì?

Khái niệm tuần làm việc 4 ngày có nghĩa là giảm số giờ làm việc, nhưng không giảm thành phẩm hoặc tiền lương.

 

Trong thử nghiệm của Unilever Australia, nhân viên có thể giảm số giờ làm việc trong mỗi ngày, hoặc nghỉ hẳn một ngày.

 

Nicky Sparshott, Giám đốc điều hành Unilever ANZ, nói “Mục đích là nhằm giảm bớt những chi phí, dự án và quy trình không đem lại giá trị, và nghĩ khác đi về những cuộc họp mà chúng tôi tham gia hoặc cách chúng tôi có thể giao tiếp và cộng tác tốt hơn.”

 

Nhân viên cũng có thể kết hợp làm việc tại nhà và trên văn phòng.

 

Mô hình này đem lại những lợi ích gì?

Theo nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global, việc giảm giờ làm việc của nhân viên có thể cải thiện năng suất và có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp.

 

Chương trình thử nghiệm kéo dài 18 tháng của Unilever tại New Zealand đã cho thấy kết quả vượt trội đối với các mục tiêu kinh doanh, bao gồm tăng trưởng doanh thu. Các cổ đông và đối tác đều đồng ý rằng đội ngũ nhân viên tiếp tục hoàn thành công việc đúng thời hạn và với tiêu chuẩn cao.

 

Tình trạng vắng mặt và căng thẳng giảm lần lượt là 34% và 33%, trong khi cảm giác “mạnh mẽ và hoạt bát” tại nơi làm việc tăng 15%.

 

Xung đột giữa công việc và cuộc sống giảm 67%.

 

Tiến sĩ Kristy Goodwin, nhà nghiên cứu hiệu suất kỹ thuật số, cho biết làm việc ít giờ hơn cũng đem lại nhiều lợi ích về mặt sinh học thần kinh.

 

Bà nói “Chúng ta muốn bảo đảm rằng chúng ta đang tối ưu hóa thời gian có sẵn, giảm thiểu nhiều sự gián đoạn kỹ thuật số nhất có thể, thực sự chăm chỉ với cách chúng ta sử dụng thời gian (tại nơi làm việc) và gần như xây dựng một pháo đài xung quanh sự tập trung của chúng ta,”

“Đó là về việc tối ưu hóa hiệu suất bằng cách làm việc phù hợp với cách bộ não và cơ thể của chúng ta được thiết kế ... nói thì nghe có vẻ lỗi thời, nhưng thực sự là làm việc thông minh hơn chứ không phải là nhiều giờ hơn.”

 

Nghiên cứu cũng cho thấy những lợi ích tích cực của việc tham dự ít cuộc họp hơn.

 

Một nghiên cứu của Đại học Reading cho thấy năng suất cao hơn 71% sau khi giảm 40% cuộc họp, đồng thời loại bỏ 60% cuộc họp giúp tăng sự hợp tác và cải thiện mức độ căng thẳng cũng như sức khỏe của nhân viên.

 

Một phúc trình của Atlassian cũng cho thấy việc dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc họp dẫn đến nguy cơ kiệt sức và mệt mỏi cao hơn, trong khi sự linh hoạt trong công việc mang đến những kết quả tích cực về sự đổi mới, an sinh và văn hóa nơi làm việc.

 

Tiến sĩ Goodwin nói rằng một tuần làm việc ngắn hơn không có nghĩa là 4 ngày làm việc dài hơn, và nhấn mạnh khái niệm này có nghĩa là tổng số giờ làm việc trong tuần ít hơn.

 

Bà nói “Bạn sẽ không nhận được lợi ích nếu mọi người làm việc 11 giờ mỗi ngày; điều đó sẽ gây phản tác dụng, và năng suất làm việc sẽ ngày càng giảm sút.”

 

Còn những nước khác thì sao?

Úc và New Zealand không phải là những quốc gia đầu tiên thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày.

 

Hồi đầu năm nay, Vương Quốc Bỉ đã ban hành luật mới cho phép các nhân viên toàn thời gian yêu cầu làm việc 10 giờ mỗi ngày trong 4 ngày để có thêm một ngày nghỉ trong tuần.

 

Các doanh nghiệp ở các nước khác như Iceland, Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản cũng đã tiến hành những thử nghiệm tương tự.

 

Hồi tháng Mười, dân biểu đảng Lao động, Peter Dowd, đã trình một dự luật cho Nghị viện Anh Quốc nhằm giảm số giờ làm việc tối đa hàng tuần từ 48 xuống 32 tiếng.