Chánh quyền cho biết khoảng 10.000 học sinh tham gia các chương trình giáo dục ngoài dòng chính tại tiểu bang Nam Úc mỗi năm. (Unsplash: Taylor Flowe)
NAM ÚC - Tăng cường sự tham gia của học sinh, cải thiện tỷ lệ đi học, và giảm bớt áp lực cho giáo viên là một số chủ đề sẽ được giải quyết trong đợt đánh giá các phương cách giáo dục ngoài dòng chính tại tiểu bang Nam Úc.
Mỗi năm, khoảng 10.000 học sinh tham gia các chương trình giáo dục ngoài dòng chính trên toàn tiểu bang, gồm cả việc học tại nhà, học trực tuyến, và học tại nhiều địa điểm chuyên biệt khác nhau.
Theo chánh quyền tiểu bang, các chương trình như vậy được thiết kế dành cho những học sinh không thể theo học tại các trường chính thống vì những lý do như "khuyết tật, hành vi, xa xôi cách trở về mặt địa lý, các vấn đề sức khỏe tâm thần, bệnh tật mạn tính, bị giam giữ" và các vấn đề phức tạp khác.
Các địa điểm học ngoài trường chính thống gồm có Trường Cộng đồng Bowden Brompton (Bowden Brompton Community School), và Cao đẳng Mở (Open Access College), cũng như sáu trung tâm giáo dục phi dòng chánh Better Behaviour Centres của tiểu bang "dạy học cho những học sinh có dấu hiệu không muốn tới trường học chính thông."
Bộ trưởng Giáo dục Blair Boyer cho biết học sinh có nhu cầu phức tạp đại diện cho một "nhóm ngày càng tăng" trên khắp cả nước, và cuộc đánh giá sẽ xem xét cách thức tăng cường các phương thức hỗ trợ cho nhóm này - gồm cả ở những khu vực vùng xa xôi hẻo lánh.
Ông nói với Đài ABC Radio Adelaide rằng, "Số lượng học sinh tại các cơ sở này đang tăng lên rất nhiều, không chỉ riêng ở Nam Úc, và tôi cảm thấy chúng ta chưa xem xét kỹ lưỡng liệu chúng ta có đủ khả năng để ứng phó với sự tăng trưởng trong tương lai hay không",
"Liệu có những khu vực nào trong tiểu bang chưa được cung cấp các dịch vụ dạy học bằng những phương thức khác thế này hay không, và liệu chúng ta có nên mở rộng những phương thức dạy học thế này hay không?"
Chánh quyềncho biết chương trình học tại nhà và các Trung tâm Giáo Dụ phi chính thống Better Behaviour Centres có "một số lượng đông các học sinh và thanh thiếu niên khuyết tật ghi danh theo học", và do đó, cuộc đánh giá sẽ xem xét "những rào cản nào hiện có đối với thanh thiếu niên khuyết tật, để xác định xem đây là vấn đề riêng lẻ hay toàn hệ thống".
Ông Boyer nói, "Cuộc đánh giá mà tôi công bố đang xem xét tất cả các phương thức làm việc mà chúng ta có thông qua hệ thống giáo dục công ở tiểu bang Nam Úc, cố gắng hỗ trợ những học sinh không đạt kết quả tốt trong môi trường học tập chính thống".
Paula Clarke dạy con trai tự kỷ Nash tại nhà. (ABC News: Lincoln Rothall)
Bà Paula Clarke, một người mẹ ở Adelaide, có con trai tự kỷ, Nash, đã rời khỏi trường học chính thống, cho biết "những đứa trẻ bị buộc phải học tại nhà" và gia đình các em không được hỗ trợ đầy đủ.
Bà cho biết bà cảm thấy con trai tuổi thiếu niên của mình bị "loại khỏi chương trình học tập" và mặc dù đã có vô số cuộc họp với nhà trường, cuối cùng cậu bé vẫn không quay lại trường trong hai năm.
Bà Clarke nói, "Tôi nhận được nhiều cuộc gọi trong lúc tôi đang làm việc để đến đón con. Điều đó đã trở thành một thói quen".
Nash Clarke, hiện 15 tuổi, cho biết kinh nghiệm ở trường của cậu giống như bị giam cầm và thỉnh thoảng cậu rời khỏi nhà trường.
Mẹ cậu cho biết sự an toàn của Nash đã trở thành một khía cạnh quan trọng cần cân nhắc khi cho con nghỉ học.
Bà Clarke nói, "Đôi khi chúng tôi cảm thấy đó là vấn đề sống còn - liệu chúng tôi có thể giữ con trai mình ở trường an toàn hay không, và nếu không, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc giữ chúng ở nhà".
Paula Clarke hy vọng chánh quyền sẽ lắng nghe các gia đình và trẻ em trong tiến trình đánh giá. (ABC News: Lincoln Rothall)
Bà Clarke, người điều hành một nhóm hỗ trợ trẻ tự kỷ cho các gia đình ở Adelaide, hoan nghênh đánh giá này.
Bà nói, "Tôi cảm thấy đôi khi mọi người đều cảm thấy có lẽ họ nên quan tâm nhiều hơn, những đứa trẻ này sẽ tốt hơn nếu ở nhà, nhưng các gia đình thì đã quá chán ngán việc bị im lặng rồi".
"Hãy cho những gia đình không được ai quan tâm, những đứa trẻ bị lãng quên, có một cơ hội,”
"Tôi lo lắng cho những gia đình dễ bị tổn thương… rất nhiều cha mẹ cũng bị khuyết tật, chúng ta đang hỗ trợ họ như thế nào? Chúng ta đang kiểm tra sức khỏe của họ như thế nào? Tôi nghĩ đó cũng là điều cần được xem xét."
'Chúng tôi yêu cầu các trường học phải làm rất nhiều việc'
Ông Boyer cho biết việc xem xét lại hệ thống giáo dục ngoài chính thống được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu giải quyết hàng loạt yếu tố góp phần gây ra tình trạng nghỉ học.
Chánh quyền trước đây đã tuyên bố rằng họ đang xem xét các biện pháp để giải quyết tình trạng mà ông Boyer mô tả là "trốn học kinh niên" trong toàn bộ hệ thống giáo dục công, bao gồm cả việc có thể áp dụng hình thức phạt tiền đối với phụ huynh.
Vào tháng Năm, ông Boyer nói với ABC rằng mặc dù ông không đề xướng việc "chúng ta bắt đầu đưa ra hình thức phạt tiền dù muốn hay không muốn", tình hình đã đến mức "chúng ta cần phải thử một số điều mới mẻ, khác biệt và táo bạo".
Bộ trưởng Giáo dục Blair Boyer cho biết cuộc đánh giá sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. (ABC News: Che Chorley)
Ông cho biết một lựa chọn khả thi khác là truy tố những phụ huynh chủ động ngăn cản con cái họ đến trường.
Hồi tháng Năm, ông từng phát biểu, "Một trong những kẽ hở mà tôi thấy một số phụ huynh đã lợi dụng là cho con em mình vào một trường ở tiểu bang khác — họ không chuyển đến một tiểu bang khác mà lại cho con em mình vào một trường học ở tiểu bang khác,"
"Chúng tôi rất khó xác định liệu học sinh đó có đang theo học tại trường đó theo hình thức trực tuyến như đã cam kết hay không, và điều đó được sử dụng như một cách để lách luật hiện hành."
Chánh quyền cho biết Bộ Giáo dục sẽ tiến hành đánh giá lãnh vực giáo dục không chính thống và hoàn thành vào cuối năm nay.
Hôm đầu tháng Bảy, khi được hỏi về bạo lực học đường, ông Boyer cho biết mặc dù dữ liệu gần đây nhất cho thấy bạo lực học đường đã giảm "lần đầu tiên sau 5 năm" ở các trường trung học, nhưng bạo lực lại gia tăng "ở các trường tiểu học, đặc biệt là đối với những học sinh bị rối loại hành vi và cảm xúc".
Ông thừa nhận rằng những thách thức ngày càng gia tăng trong lớp học đang gây cản trở đối với những người muốn trở thành giáo viên.
Ông nói, "Có lý do khiến mọi người không lựa chọn làm nghề giáo.”
"Chúng tôi yêu cầu các trường học thực hiện nhiều hơn nữa những công việc liên quan đến quản lý hành vi so với trước đây, và đó là một thách thức đối với đội ngũ nhân viên của chúng tôi cũng như đối với mọi hệ thống giáo dục trên toàn thế giới.”
"Các nhân viên cảm thấy họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nằm ngoài những nội dung giảng dạy – là thứ đã thúc đẩy họ chọn trở thành giáo viên - và chúng tôi phải tìm cách hỗ trợ họ tốt hơn.”
"Cuộc đánh giá này là một phần trong nỗ lực của chúng tôi để cải thiện những vấn đề trên."
(Theo Báo Nam Úc)