Tài sản của ba người giàu nhất Úc – Gina Rinehart, Andrew Forrest và Harry Triguboff – đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020, theo phân tích mới của Oxfam. Source: SBS

 

 

Trong khi nhiều người Úc vẫn còn vật lộn với hậu quả của đại dịch COVID-19, cùng với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, tài sản của những người giàu nhất đã tăng hơn gấp đôi.

 

Theo phân tích mới của tổ chức từ thiện Oxfam, tài sản của ba người giàu nhất Úc – ông trùm khai thác mỏ Gina Rinehart, doanh nhân khai thác mỏ và gia súc Andrew Forrest và nhà phát triển bất động sản Harry Triguboff – đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020.

 

Theo Oxfarm, những người Úc giàu nhất kiếm được trung bình 1.5 triệu đô-la mỗi giờ, trong khi tổng tài sản của các tỷ phú Úc tăng hơn 70%, tương đương 120 tỷ đô-la.

 

Oxfam cho biết trên khắp thế giới, các tỷ phú giàu hơn gần 5,000 tỷ đô-la so với năm 2020, trong khi 5 tỷ người trên toàn thế giới đã trở nên "nghèo hơn đến mức đe dọa tính mạng".

 

 

 

Theo Nha Thống kê Úc, thu nhập trung bình mỗi giờ của nhân viên Úc là 39.50 đô-la, tăng 2.50 đô-la kể từ tháng 8 năm 2022.

 

Giờ đây, Oxfarm đang kêu gọi chính phủ Úc giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng tăng - bắt đầu bằng việc cắt giảm thuế giai đoạn ba.

 

Việc cắt giảm thuế dự kiến có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 sẽ làm giảm mức thuế suất biên.

 

Những người lao động có thu nhập chịu thuế trên 45.000 đô-la sẽ được hưởng lợi, nhưng những người có thu nhập cao sẽ được lợi nhiều nhất.

 

Việc cắt giảm dự kiến sẽ mang lại mức giảm thuế hàng năm là 9,000 đô-la cho những người có thu nhập từ 200,000 đô-la trở lên, trong khi những người kiếm được 50,000 đô-la sẽ được giảm thuế 125 đô-la.

 

Giám đốc điều hành Oxfam Australia Lyn Morgain cho biết các chính phủ có trách nhiệm cải thiện sự phân bổ của cải.

 

Bà nói: “Chúng ta không thể chấp nhận một xã hội thúc đẩy sự tích lũy tổng thể của cải bên cạnh tình trạng nghèo đói lan rộng trên toàn cầu”.

 

Bà Morgain nói "Một trong những cơ chế tốt nhất mà chúng ta có để giải quyết vấn đề này là thuế.”

“Nỗi xấu hổ về phản ứng toàn cầu tồi tệ của chúng ta đối với các thảm họa, di dời, nạn đói và khủng hoảng khí hậu không phải do sự khan hiếm tài nguyên, mà là do sự phân phối – và đó là vấn đề mà tất cả các chính phủ, bao gồm cả chính phủ Úc, cần phải giải quyết khẩn cấp.”

 

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết mặc dù chính phủ "cam kết" quản lý tình trạng bất bình đẳng, nhưng việc cắt giảm thuế vẫn sẽ được tiến hành.

 

Ông nói với đài phát thanh ABC: “Quan điểm của chính phủ không thay đổi… bất bình đẳng là một vấn đề và chính phủ đã xem xét các cách để chúng tôi có thể cải thiện quan điểm đó”.

 

Ông Albanese cho biết Đảng Lao động sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, trước khi phê duyệt ngân sách liên bang.

 

 

Hầu hết tỷ phú là nam, theo Oxfam

Báo cáo của Oxfam cũng cho thấy tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu thập niên này, trong khi 60% nhân loại ngày càng nghèo đi.

 

Sự giàu có này tập trung ở Bắc bán cầu, với các quốc gia ở đó chiếm 21% dân số thế giới, nhưng có đến 69% của cải tư nhân.

 

Nam giới chiếm đa số trong số tỷ phú, và trên toàn cầu, đàn ông sở hữu khối tài sản nhiều hơn phụ nữ 105 nghìn tỷ AUD (157 nghìn tỷ USD).

 

Theo báo cáo, 5 người đàn ông giàu nhất thế giới đã có tài sản tăng hơn gấp đôi, từ 610 tỷ đô-la lên 1,3 nghìn tỷ đô-la kể từ năm 2020, với tốc độ 21 triệu đô-la mỗi giờ.

 

 

Theo Oxfam, vùng Bắc bán cầu là nơi sở hữu 69% tài sản tư nhân của thế giới. Nguồn: SBS

 

 

Oxfam nhận thấy sự gia tăng của cải và quyền lực cũng được phản ánh ở các tập đoàn, trong đó lợi nhuận của các công ty lớn nhất tăng 89% trong năm 2021 và 2022.

 

148 tập đoàn hàng đầu kiếm được trung bình 18,24 tỷ USD lợi nhuận hàng năm, tăng 52% so với mức trung bình ba năm, trong khi hàng trăm triệu người phải đối mặt với việc cắt giảm lương thực tế.

 

Các tập đoàn này trị giá 15.35 nghìn tỷ đô-la, tương đương nhiều hơn GDP của tất cả các quốc gia ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh cộng lại.