Một cảnh tuyết rơi ở thành phố Moscow trong tháng Ba. Nguồn: Getty Images

 

Thế giới đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy thời tiết đang trở nên ấm hơn ở bán cầu bắc có thể giúp các quốc gia như Ý và Tây Ban Nha kiềm chế sự bùng phát COVID-19. Nhưng khi nước Úc sắp bước vào mùa đông thì sự lây lan của coronavirus ở đây sẽ ra sao?

 

Nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể lây lan qua những giọt nước bọt văng ra khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Theo các chuyên gia bệnh học, khi không khí lạnh và khô, những giọt nước bọt đó sẽ trôi nổi trong không khí lâu hơn và di chuyển xa hơn, lây nhiễm cho nhiều người hơn.

 

Nhưng COVID-19 có hoạt động giống như các virus khác hay không?

 

Phó giáo sư khoa hô hấp của Đại học Sydney, ông Greg Fox nói rằng còn quá sớm để biết chắc chắn điều đó.

 

“Năm nay chúng ta biết được rất nhiều về cách hoạt động của coronavirus, và vì vậy chúng ta chắc chắn sẽ thấy tác động của những thay đổi theo mùa trong những tháng tới. Nhưng tôi nghĩ rằng trong nhiều nghiên cứu được công bố cho thấy không có mối quan hệ mạnh mẽ giữa nhiệt độ và sự lây nhiễm.”

 

Khi nước Úc sắp bước vào mùa đông, các chuyên gia y tế đang cố gắng học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đang đối phó với coronavirus ở Bắc bán cầu.

 

Hoa Kỳ, Ý và Tây Ban Nha có ​​số ca tử vong được báo cáo cao nhất thế giới, trong khi hơn 20.000 người nhiễm COVID-19 đã qua đời ở Vương quốc Anh.

 

Bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và cũng là nhà vi trùng học, Giáo sư Peter Collignon lo ngại rằng mùa đông có thể tạo cho coronavirus cơ hội ngụy trang thành cảm lạnh hoặc cúm.

 

“Đó có lẽ là lý do tại sao nó lan rộng ở Ý, Châu Âu và Hoa Kỳ, vì nó không được chú ý cho đến khi có nhiều người chết hơn. Vì vậy tôi thực sự nghĩ rằng đây sẽ là một vấn đề trong mùa đông, gây khó khăn cho chúng ta nhiều hơn. Nhưng chúng ta sẽ không gặp tình huống tương tự như Ý hoặc Mỹ, bởi vì chúng ta đã xét nghiệm rất nhiều, chúng ta sẽ kiểm tra bất cứ ai bị hắt hơi, cảm lạnh hoặc là đau họng.”

 

Mùa đông là thời điểm mà mọi người có ít khả năng chống lại vi-rút do khả năng miễn dịch suy giảm, Tiến sĩ Kirsty Short, một nhà virus học của Đại học Queensland nói.

 

“Nguy cơ lớn nhất mà chúng ta gặp phải ở Nam bán cầu là đại dịch này trùng với mùa đông của chúng ta. Không nhất thiết liên quan đến nhiệt độ, nhưng liên quan đến những thứ khác nữa. Trước tiên đây là mùa cúm của chúng ta, và nó làm tăng nguy cơ bị cúm đồng thời với nhiễm SARS COV2. Cả ba chuyên gia của chúng tôi đều nói rằng mọi người dành nhiều thời gian hơn ở môi trường trong nhà là một trong những yếu tố đóng góp lớn nhất cho sự lây lan của virus ở nhiệt độ lạnh hơn.”

 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Short cho biết yếu tố rủi ro này xảy ra nhiều hơn đối với cuộc sống thông thường, khi mọi người có thể tổ chức một bữa tiệc trong nhà vào mùa đông thay vì dành thời gian ngoài trời trong môi trường mùa hè.

 

“Điều đáng chú ý mà chúng ta đã thấy trong mùa cúm năm nay - đó là tỷ lệ thực sự giảm. Và điều đó đã được nhận thấy ở Hồng Kông cũng như ở Nhật Bản. Rõ ràng là yêu cầu giữ khoảng cách xã hội được đặt ra để bảo vệ chúng ta khỏi coronavirus cũng vô tình bảo vệ chúng ta khỏi virus cúm.”

 

Vậy người Úc nên làm theo lời khuyên nào khi sắp bước vào mùa đông trong đại dịch này?

 

Giáo sư Fox kêu gọi mọi người nên tiêm vắc-xin cúm, và tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc:

 

“Đó là việc giữ khoảng cách xã hội, rửa tay thường xuyên và bảo đảm rằng: nếu ho thì dùng khuỷu tay che miệng, chứ không ho ra ngoài, và tránh đến những nơi công cộng khi quý vị không khỏe.”