(Ảnh: SBS)

 

Sau hơn 200 năm trưng bày tại các viện bảo tàng ở Anh, nay bốn ngọn giáo của người Thổ dân mà Thuyền trưởng Cook thu giữ trong cuộc đổ bộ vào Úc năm 1770 đã được trả lại về cho người Thổ dân Úc ở La Perouse, Botany Bay thuộc Sydney.

 

Khi nhà thám hiểm người Anh James Cook và thủy thủ đoàn của ông lần đầu tiên tiếp xúc với Thổ dân vào năm 1770, hàng chục ngọn giáo đã được lấy từ các lán trại của những người Thổ dân- các chủ truyền thống - ở Vịnh Botany.

 

Chủ tịch Quỹ Gujaga Ray Ingrey nói rằng những ngọn giáo có ý nghĩa văn hóa to lớn và sự thất lạc chúng được người Thổ dân cảm nhận sâu sắc.

"Chúng tôi có mối liên hệ tâm linh với những ngọn giáo Kamay, bởi vì chúng là một phần trong bản thể học của chúng tôi và truyền thống của chúng tôi. Những ngọn giáo kể chúng tôi biết về việc Kamay Botany Bay được tạo ra như thế nào cũng như cách mà con người đến từ cá đuối gai. Và còn một điều quan trọng nữa là nó gắn liền với lịch sử chung của chúng tô, đồng thời cũng đối với tất cả người Úc, bởi vì nó phản ánh thời điểm tiếp xúc đầu tiên."

 

Hơn 250 năm sau, trong số những ngọn giáo bị lấy đi đó chỉ còn lại bốn ngọn được trả về.

 

Các ngọn giáo này đã được lưu giữ tại Bảo tàng Cambridge ở Vương quốc Anh trong hơn một trăm năm và chỉ được tạm thời mang đến Úc để triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia ở Canberra vào năm 2020.

 

Những người giám hộ truyền thống cho biết họ đã vận động hành lang trong hàng vài thập niên trở lại đây để chúng được hồi cố hương vĩnh viễn.

 

Và giờ đây, điều đó đang trở thành hiện thực.

 

Chủ tịch Hội đồng Đất đai Thổ dân La Perouse là Noeleen Timbery.

"Bốn ngọn giáo Kamay do Trinity College nắm giữ cuối cùng sẽ trở về nhà vĩnh viễn. Vào đầu tuần này, Trinity College đã đồng ý sẽ chuyển quyền sở hữu những ngọn giáo đó về nước để chúng được đưa trở lại cộng đồng Thổ dân La Perouse."

 

Noeleen Timbery cho biết cộng đồng rất vui mừng.

"Tôi đã không ngừng mỉm cười kể từ khi biết tin chúng sẽ được trao trả và giờ chúng đang quay trở lại. Đây thật sự là điều không thể tưởng tượng được. Đó là điều mà chúng tôi đã dàn xếp và thương lượng trong một khoảng một thời gian dài."

 

Khi những ngọn giáo quay trở lại Úc, Ray Ingrey nói rằng chúng sẽ được trưng bày ở trung tâm dành du khách mới xây dựng trên đất Kurnell.

 

Người phụ trách cấp cao của Bảo tàng Quốc gia Úc, Tiến sĩ Ian Coates coi việc hồi hương là một bước tiến tích cực trong việc thúc đẩy việc quản lý các bộ sưu tập một cách tôn trọng trên toàn thế giới.

"Đó chắc chắn là điều mà Bảo tàng Quốc gia Úc ở Canberra chúng tôi làm việc rất nhiều với các cộng đồng Bản địa và lắng nghe ý kiến của họ. Chúng tôi luôn mong muốn hỗ trợ những cộng đồng đó trong nỗ lực kết nối các bộ sưu tập lại với nhau, dù là ở Úc hoặc ở nước ngoài."

 

Ray Ingrey đang hy vọng sự trở lại vĩnh viễn của những ngọn giáo sẽ thúc đẩy cho những nỗ lực hòa giải hơn nữa.

"Trong suốt những năm đó thì đã có những sự kiện không hay vì đã có bạo lực xảy ra liền trong những tiếp xúc đầu tiên. Vì vậy, đây có thể là một phương tiện tốt mà mọi người có thể thấy từ những sự kiện này để có thể bắt đầu cuộc trò chuyện về những vấn đề liên quan - có thể đó không phải là một lịch sử tốt, nhưng dù sao đó cũng là lịch sử của chúng ta, và hãy tìm cách để chúng ta có thể cùng nhau tiến lên."