Những người đấu tranh coi bài kiểm tra tiếng Anh cho thị thực (visa) bạn đời như là biện pháp 'gia trưởng' sẽ khiến nhiều gia đình bị tan vỡ. Nguồn: Unsplash

 

 

 

 

 

 

 

Bộ Nội vụ cho biết việc bổ sung yêu cầu tiếng Anh đối với những đương đơn xin visa bạn đời sẽ giúp bảo vệ các nạn nhân bị bạo hành gia đình.

 

 

 

Thế nhưng các nhóm vận động cho người tị nạn và phụ nữ cho rằng, việc yêu cầu những người xin visa bạn đời – và người bảo lãnh cho họ – phải vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh là một biện pháp “gia trưởng” và chia cắt các gia đình.

 

 

Một tài liệu tham vấn do Bộ Nội vụ phát hành cho biết biện pháp này sẽ giúp bảo vệ các nạn nhân của bạo hành gia đình bằng cách khuyến khích họ học tiếng Anh.

 

 

Tài liệu viết “Các di dân không có đủ kỹ năng tiếng Anh có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình và các hành vi ngược đãi khác,”

 

 

“Họ hiếm khi có một mạng lưới hỗ trợ vững chắc hoặc nhận thức được luật pháp Úc và cách tìm kiếm sự giúp đỡ.”

 

 

 

Cũng theo tài liệu này, những người biết nói tiếng Anh có khả năng tốt hơn trong việc tự tìm kiếm sự giúp đỡ trong các tình huống khẩn cấp như bạo hành gia đình.

 

 

Thế nhưng Liên minh phụ nữ Úc chống bạo hàng (Australian Women Against Violence Alliance - AWAVA) và Dịch vụ tư vấn người tị nạn (Refugee Advice & Casework Service - RACS) đã chỉ trích dự luật này.

 

 

Luật sư Hannah Gray của RACS cho biết “Lập luận này tạo ra một mối liên hệ sai lầm giữa bạo hành gia đình và những người không nói tiếng Anh.”

 

 

Bà nói thêm rằng tài liệu của chính phủ cũng “đưa ra tuyên bố vô căn cứ rằng cách để chống lại bạo hành gia đình là gây thêm khó khăn cho những người không nói tiếng Anh trong việc xin visa và đoàn tụ với gia đình của họ”.

 

 

 

Bà Gray cho biết bạo hành gia đình xảy ra ở tất cả các nền văn hóa và nhóm ngôn ngữ, và thật “ngây ngô” khi cho rằng vấn đề trở nên trầm trọng hơn do kỹ năng tiếng Anh của các nạn nhân.

 

 

Một phát ngôn nhân của Bộ Nội vụ cho biết chính phủ cam kết hỗ trợ các nạn nhân của bạo hành gia đình, bất kể trình độ Anh ngữ của họ.

 

 

RACS đã tham khảo ý kiến của một số dịch vụ dành cho phụ nữ, và những nhóm này đều xác nhận họ “phản đối mạnh mẽ” các yêu cầu về tiếng Anh.

 

 

“Đối với những nhóm này, ý tưởng cho rằng nguyên nhân nằm ở việc thiếu kỹ năng tiếng Anh của nạn nhân, được xem là một hình thức khác của việc đổ lỗi cho nạn nhân.”

 

 

Giám đốc chương trình của AWAVA, bà Tina Dixson, cho biết các phụ nữ giữ visa tạm thời cần được hỗ trợ để tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khi họ gặp khủng hoảng.

 

 

Bà Gray nói thêm rằng bài kiểm tra tiếng Anh sẽ tạo ra rào cản và sự chậm trễ trong việc đoàn tụ gia đình của những người tị nạn, và trong một số trường hợp, hoàn toàn ngăn cản các gia đình được đoàn tụ.

 

 

Bà nói “Việc đoàn tụ gia đình vốn đã cực kỳ khó khăn. Đề xuất này lại là một trở ngại khác ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của những người tị nạn ở Úc.”

 

 

Các tổ chức đã viết một bản đệ trình chung lên Bộ Nội vụ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với ý tưởng này.