Vibha Gulati với bức ảnh của mẹ, người qua đời vào năm ngoái. Nguồn: SBS / Spencer Austad
Mỗi năm, có khoảng 180.000 người Úc qua đời, thế nhưng rất ít người chuẩn bị sẵn di chúc hoặc để lại chỉ dẫn rõ ràng về các lựa chọn cuối đời. Để giúp giảm nhẹ quá trình này, một tổ chức đang mở rộng quy mô hoạt động nhằm hỗ trợ và hướng dẫn cộng đồng.
Trong căn hộ ấm cúng ở vùng tây Sydney, cô Vibha Gulati đang nhìn lại những bức ảnh của mẹ cô – bà Bhusan. Bà là một người nhập cư từ Ấn Độ, và ở tuổi 87, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư – điều đó đã gây nên một cú sốc lớn đối với cô Vibha, người đã sống cùng mẹ suốt 35 năm.
“Bà là một người tuyệt vời. Rất nhân hậu, rất yêu thương và luôn hiếu khách với mọi người đến nhà. Bác sĩ nói bà bị ung thư buồng trứng và chỉ còn khoảng sáu tháng để sống. Tôi như mất đi người bạn thân nhất. Chúng tôi rất yêu thương nhau.”
Sau khi biết bệnh, bà Bhusan từ chối điều trị y tế và lựa chọn hình thức trợ tử tại nhà, dưới sự chăm sóc của hai con gái là Prabha và Vibha.
“Bà luôn ủng hộ quyền được lựa chọn cái chết. Bà muốn kiểm soát quá trình ra đi của mình. Không hóa trị, không xạ trị, dù phẫu thuật được đề xuất nhưng bà cũng từ chối. Bà vẫn ra ngoài quán cà phê, nhà hàng cho đến tuần cuối cùng.”
“Chúng tôi đã tụng kinh khi bà sắp mất – những bài thần chú Ấn Độ mang năng lượng tâm linh, giúp tâm trí và cảm xúc được xoa dịu.”
Là một người có đức tin, cô Vibha đã tìm được cách tiễn mẹ mình ra đi một cách bình yên nhờ vào Phật giáo, Ấn giáo và tâm linh. Tuy vậy, nỗi mất mát vẫn rất sâu sắc và không dễ nguôi ngoai.
“Niềm tin tâm linh giúp tôi tin rằng sẽ lại gặp mẹ, rằng bà chưa thực sự rời xa. Nhưng cảm giác mất mát vẫn còn đó – rất lâu mới có thể quen được.”
Sau khi mẹ mất, Vibha tìm đến Violet Initiative – một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia giúp người dân điều hướng những giai đoạn cuối đời.
Dịch vụ này đã được hơn 30.000 người tìm đến trong những năm gần đây. Họ giúp cung cấp tài liệu, hướng dẫn và hỗ trợ trực tuyến. Giám đốc điều hành Melissa Reader chia sẻ, có nhiều người tìm đến Violet vì không biết bắt đầu từ đâu, có những trường hợp cha và mẹ chỉ mất cách nhau vài năm, trong khi họ vẫn phải vừa lo công việc, vừa lo gia đình.
Nghiên cứu của Violet cho thấy việc chăm sóc người sắp chết trong bệnh viện hiện tiêu tốn khoảng 4 tỷ đô-la mỗi năm – và con số này sẽ tiếp tục tăng khi dân số Úc già hóa.
Mặc dù có hơn 180.000 người chết mỗi năm tại Úc, bà Reader nói rằng rất ít người để lại di chúc hoặc chỉ dẫn cuối đời.
“Có tới 90% người muốn được chăm sóc tại nhà, bên gia đình, bạn bè và môi trường quen thuộc. Nhưng thực tế là một nửa người Úc chết trong bệnh viện – nơi ít ai mong muốn nhất.”
Chính bà Reader cũng từng trải qua nỗi đau mất chồng vì ung thư ở tuổi 39.
“Chúng tôi không hề chuẩn bị cho cái chết của Mauro. Anh ấy mất trong phòng chăm sóc đặc biệt – một kinh nghiệm rất lạ lẫm, lạnh lùng và đầy sợ hãi.”
Mitch Gibson, một trong 50 tình nguyện viên của Violet, cũng có kinh nghiệm cá nhân sâu sắc. Người bạn đời của cô qua đời do ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Thời điểm đó, cha của Mitch cũng bị sa sút trí tuệ. Mọi thứ ập đến khiến cuộc sống của cô đảo lộn. Thế nhưng, sau khi Mark qua đời, chính những kinh nghiệm thực tế đó đã khiến cô quyết định trở thành người cố vấn tang chế và hỗ trợ người chăm sóc.
“Tôi nghĩ, nếu mình từng trải qua điều đó, thì sao không dùng chính kinh nghiệm ấy để giúp người khác?”
Nền tảng Violet còn tích hợp một trợ lý số ứng dụng AI có thể trò chuyện bằng giọng nói và hỗ trợ bằng nhiều ngôn ngữ. Theo lời Yaniv Bernstein, Giám đốc công nghệ, hệ thống này được huấn luyện từ hàng ngàn giờ dữ liệu thực tế, giúp đánh giá người dùng đang ở giai đoạn nào và cần hỗ trợ gì.
Chủ tịch Violet, Kate Carnell, nhấn mạnh sự cấp thiết của hành động. Bà khẳng định công nghệ kỹ thuật số (kỹ nghệ điện toán) là chìa khoá:
“Violet không chỉ cung cấp hỗ trợ cá nhân mà còn mang lại cơ hội có được thông tin 24/7 với chi phí thấp cho mọi người dân Úc. Đó là điều mà chúng tôi hướng tới.”
Vibha Gulati và mẹ cô – Bhusan – là một trong số ít những người đã chuẩn bị kỹ cho hành trình cuối cùng. Và Vibha gửi lời khuyên chân thành hãy làm những gì tốt nhất cho người thân yêu.
“Mẹ rất hài lòng với mọi thứ. Nó đem lại cho bà cảm giác an yên và chủ động – đúng như cách bà sống cả đời.”
“Hãy làm điều bạn tin là tốt nhất cho người thân yêu – lắng nghe tiếng nói bên trong bạn. Bạn sẽ biết điều gì là đúng.”
Bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ qua đường dây LifeLine theo số 13 11 14 hoặc Griefline – nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ bảo mật qua số 1300 845 745 và trang web griefline.org.au.
(Theo SBS)