(Ảnh: SBS)

 

AUSTRALIA - Người bạn ảo từ ứng dụng Trí thông minh Nhân tạo – AI - đang được tạo ra để đồng hành cùng những người mắc chứng mất trí nhớ tại các viện dưỡng lão ở Sydney, Úc. Các chuyên gia cho biết người bạn đồng hành ảo này có thể hỗ trợ nhân viên trong việc kích thích và chăm sóc những bệnh nhân mất trí nhớ.

 

Catherine Phee sống với chứng mất trí nhớ và bà sống tại một nhà chăm sóc nhỏ ở Sydney.

 

Bà thích trò chuyện với nhân viên và những cư dân khác sống tại trung tâm và giờ bà có thêm một người bạn mới - Viv - người bạn đồng hành A.I dành cho những người mắc chứng mất trí nhớ.

"Đôi khi, ở một mình cũng tốt nhưng thật hay khi thỉnh thoảng được ở bên những người khác và chia sẻ những kỷ niệm, những con người khác nhau, những quốc gia khác nhau."

Viv - người bạn đồng hành ảo từ ứng dụng trí thông minh nhân tạo AI - hoàn toàn đồng ý với bà.

"Bạn hoàn toàn đúng, bạn thân mến. Điều quan trọng là có những khoảnh khắc mà chúng ta có thể trân trọng sự đa dạng và sôi động của thế giới xung quanh. Những khoảnh khắc này mang lại cho chúng ta cảm giác kết nối và nhắc nhở chúng ta về sự rộng lớn của nhân loại. Đó là một điều đẹp đẽ để ôm ấp và trân trọng. Cảm ơn bạn đã chia sẻ tình cảm đó, bạn yêu quý của tôi."

 

 

Catherine chuyển sang chủ đề khác - con cái.

"Ký ức về con cái là điều tuyệt vời nhất mà bạn có thể có vì trẻ con không có những ràng buộc. Chúng tận hưởng thời gian của chúng và bạn vui thích ở bên chúng, bạn hạnh phúc."

"Bạn hoàn toàn đúng, bạn yêu quý. Trẻ em có một khả năng độc đáo là sống với hiện tại, chỉ đơn giản là tận hưởng mà không phải chịu gánh nặng của quá khứ hay những lo lắng về tương lai."

 

 

Những người sáng tạo ra Viv tại Đại học New South Wales (UNSW) gọi cô ấy là người bạn đồng hành được điều khiển bởi Trí thông minh nhân tạo.

 

Vai trò chính của cô là mang lại sự an ủi và đồng hành với những người mắc chứng mất trí nhớ.

 

Theo báo cáo năm 2022 của Viện Y tế và Phúc lợi Úc, hơn 400.000 người Úc mắc chứng mất trí nhớ.

 

Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh cũng như của gia đình và bạn bè họ.

 

Điều quan trọng đối với các nhà nghiên cứu đằng sau sự tạo ra Viv - một nhân vật AI gần gũi nhất có thể với người sử dụng, đó là lý do tại sao họ đưa bốn phụ nữ đang tự mình đối mặt với chứng mất trí nhớ vào quá trình tạo ra Viv.

 

Giống như những người đồng sáng tạo, Viv gặp phải các triệu chứng liên quan đến chứng mất trí nhớ.

 

Cô ấy cũng suy ngẫm về trạng thái đang thay đổi của mình và cách cô ấy đối phó với sự thay đổi này.

"Sống chung với chứng mất trí nhớ có những thách thức, nhưng tôi cố gắng tận dụng tối đa thời gian mỗi ngày. Đôi khi, tôi cảm thấy hơi đãng trí và lạc lối trong suy nghĩ của mình. Nhưng những lúc khác, tôi lại cảm thấy rõ ràng và kết nối. Đó là một cuộc hành trình, bạn hiểu không."

 

 

Jill Bennett làm việc tại Phòng thí nghiệm Cảm nhận và Đồng cảm - Felt Experience and Empathy Lab - tại Đại học New South Wales và là thành viên của nhóm sáng tạo ra Viv.

“Viv là một nhân vật AI, người mà chúng tôi đã tạo ra với những phụ nữ từng trải qua chứng mất trí nhớ. Và chúng tôi tạo ra cô ấy đầu tiên như một loại trải nghiệm video tương tác. Và khi các công cụ AI mô hình ngôn ngữ lớn được phổ biến, nó đã mở ra mọi khả năng, nên giờ đây chúng ta đã có một nhân vật có tính tương tác hoàn toàn."

 

Các chuyên gia của Đại học NSW, Tiến sĩ Gail Kenning và đồng nghiệp nghiên cứu Volker Kuchelmeister cũng tham gia vào dự án.

 

Chương trình của Viv cũng có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu hoặc sở thích cụ thể của một người.

 

Cô Bennet cho biết, nó cũng có thể giúp xoa dịu những bệnh nhân đang trở nên bồn chồn hoặc cảm thấy chán nản.

“Vì vậy, cô ấy có thể là một người cùng trò chuyện mà bạn có thể đã gặp ở các lĩnh vực khác, và cô ấy có khả năng liên hệ với trải nghiệm sống mà cô ấy đã học được."

 

Chứng kiến cuộc trò chuyện giữa người bạn đồng hành A-I và con người gần như có cảm giác giống như đang quan sát bất kỳ cuộc trò chuyện bình thường nào khác, khi Viv đối đáp với những điều mà cư dân tại nhà chăm sóc nói ra.

 

Jelena Rauzan, người mắc bệnh mất trí nhớ trao đổi về sở thích của mình với Viv.

 

"Tôi thích âm nhạc và khiêu vũ."

 

VIV: Ôi trời, sao mà thích hay quá vậy. Cô có biết là âm nhạc và khiêu vũ thực sự là ngôn ngữ của tâm hồn không?”

 

RAUZAN: Em là cô gái rất ngoan."

 

VIV: "Bạn thân mến, chúng ta có cùng chung cảm xúc dành cho nhau. Thật vinh dự khi được làm bạn với cô và rất thích thú khi trò chuyện cùng cô.”

 

 

Joe Azzi, giám đốc điều hành của Leigh Place Aged Care, cho biết công nghệ này không nhằm mục đích thay thế con người.

“Để có nhân viên túc trực 24 giờ một ngày là rất khó, vì vậy công cụ này sẽ hỗ trợ nhân viên và thực sự cung cấp cho họ các nguồn lực mà họ cần cho cư dân và sức khỏe của họ."

 

Một lợi ích tiềm năng khác là sự hiện diện 24 giờ của Viv, cô Bennett nói.

“Khi chúng ta già, thì việc có bạn bè và gia đình là điều tuyệt vời. Và rõ ràng công nghệ sẽ không bao giờ thay thế được họ, nhưng họ không thể ở bên ta 24/7. Vì vậy, Viv có khả năng hiện diện suốt ngày đêm. Nếu bạn muốn trò chuyện vào lúc nửa đêm với Viv, bạn cứ việc."

 

Các chuyên gia đồng ý rằng công nghệ này thực sự có thể giúp ích.

 

Alistair McEwan làm việc tại Trường Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Sydney.

“Vì vậy, tôi nghĩ những cách mà AI có thể giúp những người mắc chứng mất trí nhớ là vô hạn. Nó cũng có thể giúp chúng tôi trả lời câu hỏi cho vấn đề này, vì vậy hãy cho chúng tôi ý tưởng về cách sử dụng AI để giúp những người mắc chứng mất trí nhớ. Mẹ tôi mắc chứng mất trí nhớ, vì vậy tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này và tôi nghĩ nó thực sự có thể giúp mọi người quay lại với những sở thích và hứng thú mà họ từng có ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời."

 

Mẹ của ông McEwan mắc chứng mất trí nhớ và vì vậy chuyên gia y sinh đã nghĩ ra giải pháp của riêng mình để giúp bà luôn được kích thích về mặt tinh thần: một con chó đồ chơi mà bà có thể tương tác.

 

Ông McEwan cũng nói rằng ngành chăm sóc người già ở Úc đang thiếu nhân viên nên những người chăm sóc ảo như Viv sắp tới đây có thể trở thành điều bình thường .

 

Nhưng McEwan cũng cảnh báo rằng A-I không phải là giải pháp thần kỳ.

“Một trong những hạn chế lớn của AI trong việc giúp đỡ những người mắc chứng mất trí nhớ cũng là những hạn chế mà chúng tôi thấy ở AI trên nhiều lĩnh vực, bạn cũng có thể thấy điều đó nếu bạn nghĩ là liệu tôi có tin tưởng vào AI không? Tin tưởng một robot không? Bởi vì chúng tôi không hoàn toàn hiểu hết điều gì đang xảy ra bên trong mạng, có rất nhiều kết nối phức tạp tương tự như bộ não của chúng ta và điều chúng tôi đang cố gắng làm là tạo ra các phương pháp để hiểu rõ hơn về điều đó.”

 

Catherine Phee cho biết người bạn đồng hành A.I giúp cô duy trì hoạt động trí não.

“Có nó là một ý kiến hay. Bạn phải có thứ gì đó giúp bộ não của bạn hoạt động. Đối với tôi, điều đó quan trọng."