New South Wales  quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với cây trồng biến đổi gen trong tháng 7 này, sau 18 năm tạm hoãn.

 

 

 

 

Các cây trồng biến đổi gen chính ở Úc là cải dầu, bông, cây hồng hoa và hoa cẩm chướng. Ảnh minh diễn : AAP

 

 

 

 

NSW đi theo việc bãi bỏ lệnh cấm tương tự ở Nam Úc vào năm ngoái, khiến Tasmania trở thành tiểu bang cuối cùng của Úc có lệnh cấm toàn diện đối với cây trồng biến đổi gen.

 

 

Động thái này đã được những người ủng hộ biến đổi gen hoan nghênh vì giúp nông dân trở nên vững vàng hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, nhưng lại bị các đại diện nông nghiệp hữu cơ phản đối.

 

 

Cây trồng biến đổi gen được nhiều người coi là an toàn với sức khỏe con người và môi trường, vậy tại sao chúng lại gây tranh cãi, và việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ tạo ra sự khác biệt gì đối với nông dân và thực phẩm mà họ sản xuất?

 

 

 

Cây trồng biến đổi gien và các quy định.

 

Sinh vật biến đổi gen được tạo ra bằng cách thêm gen vào DNA của thực vật, động vật hoặc vi sinh vật, thường để tạo ra các đặc điểm mong muốn hơn như khả năng chịu hạn hoặc kháng sâu bệnh.

 

 

 

 

Khoảng 99 phần trăm cây bông gòn (cotton) Úc là cây biến đổi gen. Ảnh: Dave Hunt/AA

 

 

 

 

Ví dụ, ước tính khoảng 99% bông của Úc là biến đổi gen. Một giống kháng sâu bọ, bông Bt, chứa một gen vi khuẩn tạo ra một loại protein chống lại sâu đục quả bông, loài gây hại chính cho cây trồng. Ở Úc, bông Bt đã giảm 92% việc sử dụng thuốc trừ sâu trên cây trồng kể từ khi được giới thiệu.

 

 

Cây trồng biến đổi gen được đưa vào trồng trọt ở Úc từ những năm 1990, và được quy định bởi Văn phòng Cơ quan Quản lý Công nghệ Gen.

 

 

Daniel Tan, giáo sư nông học tại Đại học Sydney, cho biết tất cả các cây trồng biến đổi gen ở Úc đều phải trải qua các cuộc đánh giá nghiêm ngặt, bao gồm cả tác động đến sức khỏe và tác động đến môi trường, trước khi được chấp thuận sử dụng cho mục đích thương mại.

 

 

Giáo sư Ian Godwin, một chuyên gia nghiên cứu công nghệ sinh học thực vật tại Đại học Queensland, cho biết các cây trồng biến đổi gen chính ở Úc là cải dầu, bông, cây hồng hoa và hoa cẩm chướng.

 

 

 

Giáo sư Godwin cho biết: “Nếu bạn đang ăn thực phẩm nhập khẩu có chứa đậu tương, chúng rất có thể là từ đậu tương biến đổi gen. Các sản phẩm nhập khẩu có chứa ngô cũng có khả năng là ngô biến đổi gen, hầu hết đã được biến đổi để kháng côn trùng".

 

 

 

 

Ảnh hưởng tới ngành trồng trọt ở NSW.

 

Mặc dù lệnh cấm đối với cây trồng biến đổi gen đã được áp dụng ở NSW từ năm 2003 trở đi, nhưng đó không phải là lệnh cấm toàn diện. Cây cải dầu, bông và cây hồng hoa biến đổi gen vẫn được trồng ở tiểu bang này từ năm 2008 theo diện miễn trừ cụ thể.

 

 

Giáo sư Godwin cho biết, trong khi lệnh cấm áp dụng đối với các loại cây trồng làm thức ăn cho con người, hạt cải dầu biến đổi gen lại được cho phép trên cơ sở "mọi người sẽ ăn dầu, nhưng dầu không có bất kỳ DNA hoặc những thứ khác trong đó, và nó không khác gì đối với dầu đến từ hạt cải không biến đổi gen”.

 

 

Ông khẳng định việc dỡ bỏ lệnh cấm của NSW có ý nghĩa quan trọng, bởi vì đó là lệnh cấm hoàn toàn, thậm chí bao gồm cả việc ngăn chặn hạt giống của cây trồng biến đổi gen được vận chuyển qua tiểu bang.

 

 

Những người trồng trọt hữu cơ ở NSW bày tỏ lo ngại về việc cây trồng của họ bị ô nhiễm bởi hạt giống và phấn hoa do gió thổi và mối đe dọa đối với chứng nhận của họ.

 

 

Giáo sư Rachel Ankeny tại Đại học Adelaide cho biết các cây trồng được chứng nhận hữu cơ không có khả năng tiếp xúc hoặc lây lan từ cây trồng biến đổi gen.

 

 

“Trường hợp các trang trại cạnh nhau, nó có thể trở nên khó khăn, bởi vì ngưỡng này rất cao trong chứng nhận hữu cơ. Tôi nghĩ rằng một số điều này cần được xem xét để mọi người có thể chung sống hòa bình trong các chế độ canh tác khác nhau", giáo sư Ankeny phân tích.

 

 

Vào năm 2014, một nông dân trồng cây hữu cơ ở Tây Úc đã thua trong một cuộc tranh chấp pháp lý chống lại người hàng xóm, về lời buộc tội cây cải dầu biến đổi gen xâm nhập trang trại yến mạch và lúa mạch đen hữu cơ của anh ta.

 

 

 

Những lo ngại khác về cây trồng biến đổi gen.

 

Việc trồng thương mại cây trồng biến đổi gen vẫn bị cấm ở Tasmania, ACT và trên Đảo Kangaroo.

 

 

Tasmania đã có lệnh cấm đối với cây trồng biến đổi gen từ năm 2001, với lệnh cấm hiện tại được đặt ra sẽ kéo dài đến năm 2029. Khi lệnh cấm được gia hạn lần cuối, vào năm 2019, chính quyền cho biết tình trạng không sử dụng cây trồng biến đổi gen của tiểu bang này có lợi cho các thị trường xuất khẩu, với một số sản phẩm cơ bản định hướng hàng cao cấp.

 

 

Việc mở rộng đã nhận được sự ủng hộ của cả ba đảng phái và được coi là duy trì thương hiệu “xanh sạch” của tiểu bang.

 

 

Nghiên cứu của bà Ankeny cho thấy quan tâm thực phẩm biến đổi gen không chỉ là mối quan ngại về sức khỏe.

 

 

“Các bằng chứng cho đến nay về biến đổi gen cho thấy không có tác hại đáng kể hoặc rất phổ biến đối với sức khỏe", bà Ankeny khẳng định. “Mối quan tâm của mọi người dường như thực sự tập trung vào những thứ như: Ai sẽ kiếm tiền từ nó, tại sao nó được thực thi, các tác dụng phụ tiềm ẩn khác là gì, ảnh hưởng gì tới môi trường… Một số mối quan tâm về nông dân sẽ bị bỏ lại sau lợi ích của các công ty đa quốc gia và buộc phải sử dụng một nguồn cung cấp hạt giống nhất định ”.

 

 

Bổ sung quan điểm, giáo sư Tan cho biết: "Rất nhiều công ty lớn kiểm soát cây trồng biến đổi gen và đầu tư rất nhiều tiền vào nó... Ở Úc, điều đó không quá tệ vì chúng tôi có giống của riêng mình, [ví dụ] với các nhà phân phối hạt giống bông".

 

 

Ông chia sẻ cũng có những lo ngại rằng cây trồng biến đổi gen kháng thuốc trừ cỏ, chẳng hạn như cải dầu kháng glyphosate, có thể trở thành siêu tảo và cần có các chiến lược quản lý cẩn thận.

 

 

Tranh luận về vấn đề này, giáo sư Godwin đưa thông tin, ở Bắc Mỹ, một số nhóm hữu cơ đã sử dụng các sản phẩm biến đổi gen "để kháng côn trùng hoặc để tăng khả năng hấp thụ nitơ từ đất, bởi vì họ tin rằng chúng thực sự mang lại cho họ một kết quả môi trường tốt hơn"

 

 

“Đó không chỉ là khoa học dành cho nhiều người”, bà Ankeny kết luận. “Đó là về hy vọng và nỗi sợ hãi của họ… về nguồn cung cấp thực phẩm của họ, về dinh dưỡng cho con cái họ, về sức khỏe của họ, về môi trường, về người nông dân”.

(Theo theguardian.com)