Iam Hamm. Nguồn:(Ảnh được cung cấp) – Tổ chức hổ trợ người Thổ dân và người vùng Đảo Torres Strait - Healing Foundation

 

 

AUSTRALIA - Đã 25 năm, kể từ một báo cáo mang tính bước ngoặt về hậu quả của chính sách cưỡng bức trẻ em bản địa của chính phủ lên những thế hệ người Thổ dân sau đó, thì công việc hàn gắn và hòa giải vẫn chưa xong. Tây Úc và Queensland vẫn chưa thực hiện một khuyến nghị quan trọng đã được đưa ra trong báo cáo về một chương trình bồi thường cho những người sống sót, con cháu và cộng đồng bị ảnh hưởng.

 

Đó là một thời khắc lịch sử trong tiến trình hướng tới sự hòa giải giữa người Úc bản địa và không bản địa.

"Chúng tôi xin lỗi vì luật pháp và chính sách của các Quốc hội và chính phủ tiếp nối đã gây ra tổn thương, đau khổ và mất mát sâu sắc cho những người anh em Úc này. Chúng tôi đặc biệt xin lỗi về việc đã lấy đi những trẻ em Thổ dân và dân Đảo Torres ra khỏi gia đình các em, ra khỏi cộng đồng và đất đai của các em."

 

Vào ngày 13 tháng 2 năm 2008, Thủ tướng khi đó là Kevin Rudd tại Quốc hội đã xin lỗi Thế hệ Bị Đánh cắp về những chính sách của các chính phủ trước đó đã làm trong khoản thời gian từ năm 1910 đến năm 1970 đối với những người thuộc các lãnh thổ đầu tiên của Úc.

 

Một cuộc điều tra quốc gia năm 1995 cho thấy các chính sách này có "mục đích cuối cùng ... để kiểm soát việc sinh sản của người Bản địa nhằm mục đích "sáp nhập" hoặc "hòa nhập" họ vào nhóm dân số không phải là Bản địa".

 

Việc cưỡng bức đưa trẻ em đi thường chỉ xảy ra không có cha mẹ và trong một số trường hợp đưa trẻ bị lấy đi ra khỏi vòng tay của mẹ.

"Đối với nỗi đau và tổn thương của những Thế hệ bị Đánh cắp, với con cháu và gia đình còn lại của họ, chúng tôi xin gửi lời xin lỗi. Đối với những người mẹ, người cha, những người anh chị em, vì sự tan vỡ của gia đình và cộng đồng, chúng tôi nói lời xin lỗi. Và vì sự bất bình và buồn tủi mà vì đó đã gây ra cho một dân tộc tự hào với một nền văn hóa đáng tự hào, chúng tôi nói xin lỗi." 

 

 

Vào lúc Thủ tướng Kevin Rudd thay mặt chính phủ Úc nói lời xin lời với người Thổ dân và dân Đảo Torres Strait, có một người thuộc tộc Yorta Yorta đang lắng nghe chăm chú, đó là Ian Hamm, thuộc thế hệ bị đánh cắp người đã bị tách khỏi mẹ khi mới được ba tuần tuổi. 

"Tôi không khóc một cách công khai, tôi chỉ nhận thấy nước mắt mình lặng lẽ lăn xuống má, và đến khi ông ấy nói 'Tôi đệ trình dự luật này lên Quốc Hội', thì tôi bật khóc, khóc thành tiếng. Bây giờ nhắc lại tôi còn muốn rơi nước mắt. Đó đối với tôi là một khoảnh khắc phá vỡ sự im lặng. Đó là khoảnh khắc mà đất nước tôi nhìn nhận tôi như chính con người của tôi. Đất nước tôi thừa nhận những gì đã xảy ra với tôi, với tất cả chúng ta mà không cần phải tranh luận hay bàn cãi gì thêm rằng thì là chúng ta tồn tại. Đó là một khoảnh khắc đột phá. Vì vậy, lời xin lỗi thực sự quan trọng." 

 

 

Lời xin lỗi là một trong 54 khuyến nghị của báo cáo mang tính bước ngoặt có tên là Bringing Them Home 'Đưa Họ Về Nhà' được trình bày tại Quốc hội liên bang 11 năm trước đó.

 

Báo cáo là kết quả của cuộc điều tra quốc gia năm 1995 do Ủy ban Nhân quyền và Cơ hội Bình đẳng thực hiện trong hai năm, bao gồm 535 lời khai từ Người Úc bản địa đã bị đem đi ra khỏi gia đình họ, và được gọi là Thế hệ bị đánh cắp.

 

Một trong những lời khai đó đến từ ông Hamm, người chỉ có thể kể lại những gì đã xảy ra vào năm 19 tuổi khi ông được kết nối với cơ quan chăm sóc trẻ em Thổ dân Victoria.

"Khi bạn là một đứa trẻ được nhận nuôi và lại là một đứa trẻ Thổ dân, nó giống như bạn xuất hiện ra từ hư không. Bạn chỉ có hiện tại mà không có cội nguồn. Bạn không có nguồn gốc, bạn không có gì cả. Để tìm lại câu chuyện của mình và tìm cách kết nối với chính mình - đó là một khoảnh khắc vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi tìm thấy tôi. Tôi thấy tôi còn có hai anh trai và hai chị gái - ngoài những người anh chị em trong gia đình cha mẹ nuôi của tôi. Trong cuộc tìm về đó, trong hơn nửa giờ trò chuyện, cô nhân viên ấy không đề cập gì đến chuyện gia đình tôi và tôi cũng không hỏi. Đâu khoảng đến phút 40 phút thì cuối cùng tôi cũng hỏi. Tôi nói: Còn mẹ tôi và bố tôi thì sao? Rõ ràng là cô ấy đã có ý kiềm chế không nói cho tôi biết cho đến khi tôi sẵn sàng để hỏi. Đó là một điều thực sự thông minh. Và khi nghe tôi hỏi thì Elaine nhìn tôi và nói: Mẹ anh mất năm 1966 và bà ấy chưa bao giờ nói cho ai biết cha anh là ai. Tôi không bao giờ có thể gặp cha mẹ mình. Một người không biết còn người kia đã chết khi tôi hai tuổi vào năm 1966. Cái khoản trống về mẹ vẫn còn hiện diện với tôi cho tới ngày hôm nay."

 

Kinh nghiệm đã thúc đẩy ông Hamm làm việc để giúp đỡ những người còn lại trong Thế hệ bị đánh cắp thông qua các nhóm hỗ trợ, bao gồm cả vai trò hiện tại của ông là chủ tịch Nhóm tham khảo các thế hệ bị đánh cắp của Tổ chức Chữa Lành. 

 

Một trong những mục tiêu chính của ông là bảo đảm thực hiện một khuyến nghị quan trọng khác của báo cáo 'Đưa họ về nhà' - bao gồm các biện pháp phục hồi, tái định cư và bồi thường bằng tiền để đối phó với chấn thương giữa các thế hệ. 

"Tôi nghĩ rằng có một cơ hội thực sự cho Queensland và Tây Úc để đạt đến tiêu chuẩn mà Victoria đã đặt ra - hoặc thậm chí có thể vượt qua nó. Nhưng họ cần làm điều đó nhanh chóng và cần phải làm ngay. Những người thuộc Thế hệ bị đánh cắp chúng tôi đang già đi. Như tôi sinh năm 1964, là nhóm những người trẻ trong số những người thuộc Thế hệ bị đánh cắp. Một tháng nữa tôi bước sang tuổi 58. Vì vậy, không có thời gian để lãng phí." 

 

Một báo cáo năm 2018 cho thấy những người Úc bản địa thuộc thế hệ bị đánh cắp có đời sống tệ hơn so với những người không bị cưỡng bức đi.

 

Họ có nhiều nguy cơ bị phân biệt đối xử cao gấp bảy lần; nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, hoặc bệnh cao máu gấp bảy lần; và có khả năng phải sống bằng tiền trợ cấp chính phủ như nguồn thu nhập chính cao gấp năm lần so với những người không bị đánh cắp.

 

Chủ tịch của Tổ chức Thổ dân Tây Úc bị Đánh cắp, ông Jim Morrison thuộc Tộc Nyungar chia sẻ câu chuyện của mình với tư cách là hậu duệ của Stolen Generations trong các chuyến thăm trường học.

"Tôi kể cho họ nghe trong một chuyến thăm các trường học rằng tôi có 30 cha mẹ gồm mẹ, ba và anh chị em của ba mẹ. Ba là người lớn tuổi nhất trong số 23 người cha. Mẹ là một trong bảy người mẹ. Tất cả đều bị đưa đi và bị đem vào những khu truyền giáo khủng khiếp này. Vì vậy mà bây giờ tôi có thể hiểu những tác động đã tạo ra đối với các thế hệ tương lai."

 

Ông nói rằng có quá nhiều thành viên của Stolen Generations đã qua đời mà không được truy cập vào các khoản bồi thường tại tiểu bang.

"Sự mất mát và đau buồn là liên tục. Nó xoay quanh nỗi đau bị tước đi khỏi gia đình, bị mất đi quá nhiều thành viên trong gia đình. Có quá nhiều đám tang đang diễn ra trong năm nay, chẳng hạn như những người bị ảnh hưởng, những gì đang xảy ra cho những người già của họ. Và tôi dám khẳng định rằng rất thiếu các dịch vụ chăm sóc người già cho người Thổ dân. Có 7.800 Thổ dân trên 50 tuổi ở Perth và các vùng xung quanh, nhưng chỉ có 9 người trong số họ nhận được dịch vụ từ Tổ chức Kiểm soát Cộng đồng Thổ dân. Vậy, họ sẽ đi về đâu để có được cái gọi là dịch vụ dưỡng lão hay chăm sóc tại nhà." 

 

 

Tỷ lệ dân số trưởng thành Bản địa của Tây Úc là con cháu của Thế hệ bị đánh cắp là 46% so tỷ lệ quốc gia là 33%, tức là cao hơn đến 13%.

 

Vào năm 2018, Viện Y tế và Phúc lợi Úc ước tính có 33.600 người thuộc Thế hệ bị đánh cắp vẫn còn sống - 81% trong số họ từ 50 tuổi trở lên và cần được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ chăm sóc cao niên.

 

Số lượng hậu duệ của Thế hệ bị đánh cắp là hơn 142.000 trên toàn quốc, với con số tiếp tục tăng.

 

Cơ quan quốc gia đại diện cho trẻ em bản địa ở Úc cho biết những tác động liên tục của Thế hệ bị đánh cắp vẫn tiếp diễn với việc ngày càng có nhiều trẻ em Thổ dân bị đưa ra khỏi nhà và đưa tới những nơi nuôi dưỡng ngoài gia đình.

 

Tỷ lệ trẻ em Bản địa ở Úc hiện diện tại những nhà nuôi dưỡng ngoài gia đình cao hơn 11 lần so với tỷ lệ trẻ em không phải là Bản địa.

 

Catherine Liddle thuộc tộc Arrernte-Luritja là Giám đốc điều hành của Ban Thư ký Chăm sóc Trẻ em Thổ dân và Cư dân Quốc gia, còn được gọi là SNAICC.

 

Bà nói rằng vấn đề có một quy mô lớn đến mức nhóm đang kêu gọi cần có một đặc Ủy viên chuyên trách về Trẻ em Thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres.

"Chúng tôi có hơn 21.000 trẻ em trong các dịch vụ chăm sóc ngoài gia đình tại thời điểm này có một số lượng đáng kể những đứa trẻ đó sẽ không được đoàn tụ với gia đình của chúng. Chúng tôi biết rằng con số đó sẽ tiếp tục leo thang. Ở một số tiểu bang và vùng lãnh thổ, bạn sẽ nghe chuyện mọi người nói rằng có một gia đình mà có đến bảy thế hệ bị đem đi ra khỏi nhà. Điều này thực sự - thật không thể hiểu nổi khi nghĩ về điều đó."

 

Chủ tịch Viện Lowitja- Selwyn Button - một người đàn ông thuộc tộc Gungarri cho biết việc thu hẹp các chỉ số khoảng cách biểu đồ mức sống nghèo khổ giữa người Úc bản địa và không bản địa đang được cải thiện, nhưng với tốc độ rất chậm - và điều đó cần phải thay đổi.

"Đây là những điều dẫn đến chấn thương quan trọng giữa các thế hệ. Dẫu biết rằng những gì chúng ta biết bây giờ tốt hơn những gì chúng ta đã làm cách đây 25 năm, và chúng ta chắc chắn có thể làm tốt hơn để xây dựng trên những nền tảng ban đầu đó, học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ để tìm ra hướng đi tới. Chúng tôi không muốn ở trong một hoàn cảnh như hiện nay khi nói về làn sóng thứ hai của Thế hệ bị đánh cắp. Điều mà chúng tôi vẫn thường xuyên nghe thấy ở nhiều gia đình và cộng đồng khi họ nói về chuyện về việc đem trẻ em đi tới những nơi nuôi dưỡng ngoài nhà - một dạng Thế hệ bị đánh cắp thứ hai. Chúng tôi muốn ngăn chặn chuyện này xảy ra."

 

 

Chính phủ mới của Anthony Albanese cho biết họ cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi Hiến pháp trong vòng 3 năm tới, nhằm thiết lập Tiếng nói Bản địa tới Quốc hội, rất có thể vào giữa năm 2024. 

Đó là một trong những biện pháp mà trong Tuyên bố Uluru từ trái tim của các nhà lãnh đạo Bản địa, họ cũng đã kêu gọi cần điều chỉnh lại giáo trình giảng dạy lịch sử của Úc  trong đó phải bao gồm nhiều quan điểm và góc nhìn của người Bản địa hơn, và chấm dứt tình trạng là Úc - với tư cách là quốc gia duy nhất thuộc Khối thịnh vượng chung không có hiệp ước với Thổ dân.

 

Jim Morrison nói rằng sự đau buồn vẫn còn tiếp tục - và rất cần thiết phải đẩy nhanh các nỗ lực hòa giải giữa người Úc bản địa và không bản địa.

"Trọng tâm của các kiến nghị trong báo cáo 'Đưa họ về nhà', có 54 kiến nghị hết thảy, trong đó tập trung vào sự thật, công lý và hàn gắn. Vì vậy, sự thật phải được nói ra trong các trường học. Nền giáo dục của chúng ta cần được cải thiện để học sinh hiểu được về việc trẻ em Thổ dân bị bắt đưa đi. Đó không phải là lịch sử cổ đại, mà là lịch sử hiện tại. Các em cần hiểu rằng công bằng và công lý thì cần có sự bù đắp hay đền bù hoặc khắc phục. Rồi sau đó các em sẽ học những phương cách hàn gắn và chữa lành cho những người thuộc Thế hệ bị đánh cắp và cộng đồng rộng lớn hơn. Bởi vì toàn bộ thuộc địa đã ảnh hưởng đến tất cả những người Thổ dân của chúng ta. Vì vậy, sự thật, công lý và sự hàn gắn là quan trọng. Bạn không thể có sự hàn gắn, nếu bạn không có sự thật hoặc công lý. Chúng ta không thể có hòa giải trừ khi chúng ta có sự thật, công lý và hàn gắn."