Shaona Imaru, trợ lý y tá, sống và làm việc ở thành phố Adelaide, luôn hài lòng với công việc cùa mình.Nguồn: SBS News

 

 

 

Tổng Trưởng Nhân Dụng Michaelia Cash cho biết số người Úc đang tham gia các khóa huấn nghệ hiện nay cao gấp ba lần so với số người học đại học. Con đường học nghề đang trở nên phổ biến hơn khi ngày càng có thêm nhiều người Úc muốn nhanh chóng tham gia lực lượng lao động.

 

Chào đời trong một trại tị nạn ở Tanzania, Shaona Imaru  đã chờ đợi 11 năm để có tấm vé bước vào một cuộc sống tốt hơn.

 

"Tôi đã rất vui mừng khi đến Úc, tôi còn nhớ ngày đó tôi đã rất phấn khích - nhưng điều buồn cười là tôi chưa biết gì về nước Úc. Nếu lúc đó nhìn vào một tấm bản đồ, tôi cũng không biết mình sẽ đi đến đâu, nhưng tôi rất phấn khởi vì thực tế là tôi sẽ rời trại tị nạn, tôi sẽ tới một nơi nào đó để sống tốt hơn, đó là một nơi đầy ắp cơ hội."

 

Được truyền cảm hứng để giúp đỡ người khác bằng góc nhìn và cảm nhận của một người tị nạn, sau khi học xong trung học, thay vì học đại học, cô Imaru đã chọn chương trình huấn nghệ và đào tạo nghề - còn được gọi là VET.

Sau khi hoàn thành Chứng chỉ 3 ( Certificate 3) về Dịch vụ Y tế, cô lập tức được tuyển dụng làm trợ lý y tá và người chăm sóc tại thành phố Adelaide.

 

"Nước Úc là nhà, là cộng đồng của tôi và thật tuyệt vời khi tôi được trao cơ hội báo đáp mọi người. Tôi rất vui vì điều đó. Mỗi khi đi làm, được gặp mọi người và được chăm sóc bệnh nhân của mình là niềm vui của tôi."

 

Một người khác có cùng tâm trạng hạnh phúc là Jane Alia, cô gái đã sinh ra lớn lên trong một trại tị nạn ở Uganda

 

Cha mẹ cô đã cảm thấy hoài nghi và lo lắng về quyết định không vào đại học của cô. Alia cho biết:

"Tôi thực sự không biết những gì sắp xảy ra với mình, bởi vì trong cộng đồng của chúng tôi, ai cũng khuyến khích vào đại học, đó là tất cả những gì họ biết. Mọi người không thực sự biết nhiều về chương trình huấn nghệ. Đôi khi họ xem thường những người đi học nghề, và đối với tôi, đó là một thử thách, nhưng tôi không để cho việc đó cản trở tôi hướng tới mục tiêu cao hơn."

 

Ban đầu được đào tạo để trở thành một trợ lý nha khoa, nhưng giờ đây cô Alia có tham vọng theo đuổi nghề y.

 

"Và bây giờ, trong khi đang học nghề thì tôi đang hướng tới mục tiêu cao hơn, không chỉ là một y tá - mà có thể cao hơn nữa - bạn không thể ngờ là tôi sẽ đi tới đâu, vâng, tôi có thể trở thành một bác sĩ, một ngày nào đó tôi có thể trở thành bác sĩ Alia."

 

11 trong số 12 ngành nghề cần nhân lực nhất của Úc yêu cầu chứng chỉ VET. Các ngành này bao gồm: người chăm sóc trẻ em, tài xế xe tải, thợ hàn, người chăm sóc cao niên và chăm sóc người khuyết tật, và thợ cơ khí.

 

“Bằng cách kết nối "học tập" với "kiếm tiền", Tổng trưởng Nhân dụng Michaelia Cash nói rằng bà khuyến khích các học sinh tốt nghiệp phổ thông không chỉ xem đại học là con đường duy nhất dẫn đến một việc làm tốt với mức lương cao”.

 

"31 trong số 50 nghề có thu nhập hàng đầu là những ngành nghề yêu cầu VET. Và đại dịch COVID-19 đã thực sự thúc đẩy nhu cầu đào tạo nhân viên tiềm năng, trang bị bộ kỹ năng sẵn sàng làm việc mà giới chủ nhân cần."

 

Bà Michaelia Cash nói rằng những thay đổi của chính phủ đối với các kỹ năng và đào tạo nghề, và các ngành đại học hướng tới việc tạo ra "các sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng cho công việc" để bổ sung lực lượng lao động hậu COVID của Úc.

 

"Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, rất nhiều người sẽ trở lại lực lượng lao động. Nhưng cũng sẽ có rất nhiều người bị mất việc. Vì vậy, trọng tâm của chính phủ phải tập trung vào việc huấn nghệ và nâng cao tay nghề cho họ, để bảo đảm rằng họ có thể tham gia vào các ngành nghề thiếu nhân lực."

 

Đối với Shaona Imaru, cô cảm thấy biết ơn nước Úc đã giúp cô thực hiện ước mơ được giúp đỡ những người gặp khó khăn - và cô đang làm việc để báo đáp cho quê hương thứ hai của mình.

 

"Cho dù bạn có nguồn gốc, chủng tộc và ngôn ngữ nào thì cũng không nên nản lòng khi tham gia khóa học VET dành cho tất cả mọi người. Nó cung cấp các kỹ năng linh hoạt. Bạn có thể áp dụng các kỹ năng đó vào bất kỳ ngành nghề nào. Vì vậy, mọi người hãy tham gia các khóa huấn nghệ."