Dipak Sud đang sống với căn bệnh Parkinson 18 năm qua. Nguồn: SBS News

 

 

Đại dịch coronavirus thực sự đã làm gián đoạn các chương trình di trú vào nước Úc. Chính phủ liên bang đình hoãn các thay đổi dự trù trong diện di dân tay nghề, trong khi đó những người tranh đấu trong lãnh vực chăm sóc cao niên và khuyết tật cho biết họ đang phấn đấu vì thiếu hụt nhân viên.

 

Đối với ông Dipak Sud, người đã sống với chứng bệnh Parkinson trong 18 năm qua, thì việc viếng thăm và chăm sóc tại gia thường xuyên đã thay đổi cuộc đời ông.

 

Ông Dipak Sud nói  “Việc chăm sóc thường xuyên tại nhà giúp tôi thêm nhiều tin tưởng".

"Những chuyện mà tôi không thể làm một mình, nay tôi có thể làm được trong giây phút thôi".

"Tôi tự cảm thấy chính mình có ích hơn cho xã hội và cho chính tôi nữa”.

 

Thế nhưng những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tại gia như tổ chức Sri Om Care, vốn chăm sóc cho các cộng đồng di dân, nói rằng họ vất vả trong việc tìm ra nhân viên thích hợp.

 

Bà Swetha Sharma là giám đốc của tổ chức Sri Om Care.

Bà Swetha Sharma nói “Quả là một thử thách vào lúc này. Chúng tôi bắt đầu dịch vụ chăm sóc tại gia hồi 2 năm rưỡi trước".

"Đây là một lãnh vực đòi hỏi rất nhiều và mọi người trở nên ngày càng già hơn, vì vậy chúng tôi cần có thêm nhân viên”.

 

Đó là một tình cảm được nhiều người trong lãnh vực chăm sóc cao niên chia sẻ.

 

Ông Sean Rooney là người đứng đầu tổ chức có tên là Leading Age Services tạm dịch là Dịch vụ Cao niên Hàng Đầu, cho biết.

 

Ông Sean Rooney nói “Với con số các vị cao niên gốc Á Châu ngày càng gia tăng, chúng tôi biết rằng nhiều người trong số họ đến từ nguồn gốc không nói tiếng Anh".

"Để chắc chắn là chúng tôi có sự hỗ trợ thích hợp về sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ, thì đó là điều thực sự quan trọng".

"Đó cũng là lãnh vực như di dân có tay nghề giữ một vai trò quan trọng, để có thể đáp ứng được những nhu cầu đó”.

 

Hồi tháng 3, Bộ Giáo dục, Tài năng và Nhân dụng đề nghị rằng, những người chăm sóc cao niên và khuyết tật, các nhân viên hỗ trợ việc chăm sóc và những người chăm sóc cá nhân nên được thêm vào Danh sách Di Dân Có Tay Nghề.

 

Còn Bộ Nội Vụ xác nhận với SBS News rằng, việc loan báo danh sách được sửa đổi đã bị đình hoãn do dịch bệnh coronavirus và hậu quả đối với thị trường nhân dụng.

 

Bà Hessah Ubina là một cựu y tá đến từ Phi Luật Tân, hiện có mặt tại Úc với visa sinh viên nói rằng, bà theo dõi thật sát danh sách được cập nhật của Bộ để mong chờ cơ hội.

 

Bà Hessah Ubina nói  “Nếu các luật lệ được hoàn chỉnh, nó sẽ mang hy vọng đến nhiều cá nhân như chính tôi, khi có cơ hội để cung cấp việc chăm sóc cho các bậc cao niên”.

 

Được biết thời gian cứu xét visa kéo dài lâu hơn, kể từ khi có đại dịch coronavirus.

 

Nhân viên di trú có trụ sở tại Melbourne, là ông Paul Dizon,  cho biết rằng các đơn xin visa tạm thời hay thường trực đều bị đình hoãn.

 

Ông Paul Dizom nói  “Hầu hết các thân chủ có mặt trên nước Úc, đã trải qua khá nhiều lo âu, do không biết được về các loại visa khác nhau trong tương lai, cũng như nạn đại dịch coronavirus diễn ra sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của họ như thế nào?”.

 

Tuy nhiên đối với ông Dipak Sud, thì một điều chắc chắn là dịch vụ chăm sóc tại gia không thể thiếu được.