Nhiều việc làm bị mất sau làn sóng sa thải liên quan đến hoạt động của nhà máy luyện thép Whyalla Steelworks trong vài tháng qua. (Australian Story: Ben Cheshiree)

 

 

NAM ÚC - Hơn 100 việc làm sẽ bị cắt giảm tại các hoạt động khai thác mỏ tại Eyre Peninsula, có liên quan đến tập đoàn GFG Alliance.

 

Đây là đợt sa thải mới nhất liên quan đến nhà máy thép Whyalla Steelworks, nơi cho biết nhân viên bị ảnh hưởng hiện đang được tham vấn.

 

Các hầm mỏ khoáng sản ở Middle Back Ranges, trên Bán đảo Eyre, giúp cung cấp nguyên liệu cho nhà máy luyện thép Whyalla Steelworks — nhưng khi những thay đổi bắt đầu được thực hiện đối với loại quặng sắt đang được khai thác, thì nhu cầu về số lượng công nhân sẽ ít hơn.

 

Eddie Hughes, Nghị sĩ thuộc đảng Lao động tại địa phương, cho biết "Bất kỳ những công việc nào bị mất đi, đặc biệt là số người bị mất việc làm ở mức độ này, đều có tác động xấu đến cộng đồng địa phương",

"Nhiều người bị mất đi rất nhiều thu nhập và sau đó những gia đình đó — họ sẽ làm gì — họ sẽ tìm việc ở nơi khác sao?"

 

Chủ sở hữu hầm mỏ, là tập đoàn GFG Alliance, cho biết họ đang bước vào giai đoạn kế tiếp theo kế hoạch của quá trình giảm dần khai thác quặng sắt hematit khi chuyển trọng tâm sang khai thác quặng sắt có từ (quặng magnetite) trong tương lai.

Eddie Hughes cho biết ông lo ngại về tình trạng thiếu chắc chắn đối với những người làm việc trong các dự án khai thác khoáng sản và nhà máy thép trong khu vực. (Nguồn: ALP)

 

 

Họ cho biết hai nhà thầu Golding, và SRG, sẽ cắt giảm tới 116 việc làm từ giữa tháng Mười này.

 

Gary Henderson, Quyền thư ký Liên đoàn Công nhân Úc cho biết, "Hầu hết nhân viên mà chúng tôi nói chuyện… và các thành viên của chúng tôi… đều rất thất vọng về tình hình này và rất lo lắng về tương lai đang diễn ra ở Whyalla cùng với nhà máy luyện thép và địa điểm khai thác mỏ".

 

Gary Henderson, Quyền thư ký tiểu bang của Liên đoàn Công nhân Úc. (Ảnh: Australian Workers Union - Liên đoàn Công nhân Úc)

 

 

Tình hình này diễn ra sau một đợt cắt giảm việc làm trước đó tại khu mỏ  này hồi tháng Năm khi 56 công nhân bị cắt giảm và sau khi 48 công việc "cổ cồn trắng" bị cắt giảm tại nhà máy thép vào tháng trước.

 

Ông Hughes cho biết ông lo ngại về cách thức hoạt động của doanh nghiệp này.\

Ông nói, "Chúng tôi cần sự chắc chắn thực sự — chúng tôi đã chán ngàn với những thông báo, chúng tôi đã chán ngán với việc đẩy vấn đề sang một bên — cộng đồng này xứng đáng có được sự chắc chắn của họ".

 

Lò luyện của nhà máy thép đã ngừng hoạt động trong gần bốn tháng vào đầu năm nay sau khi nó bị nguội xuống quá nhiều sau lần bảo trì.

 

Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên của GFG Alliance cho biết nhà thầu khai thác của công ty, là nhà thầu Golding, đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của quá trình giảm dần công suất hoạt động vào đầu năm nay.

 

Phát ngôn viên này cho biết, "Doanh nghiệp khai khoáng của GFG tại tiểu bang Nam Úc đã liên lạc với các đối tác nhà thầu chính của mình để lập kế hoạch và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang tương lai giảm thiểu tác động đến môi sinh, và khai thác quặng sắt từ magnetite với việc bắt buộc giảm dần khai thác quặng sắt hematit (quặng huyết sa) của mình, nơi trữ lượng quặng sắt hematit đang gần cạn kiệt sau 120 năm khai thác".

 

 

GFG cho biết họ có kế hoạch chuyển sang khai thác quặng sắt từ magnetite khi nguồn tài nguyên hematit đang cạn kiệt. (Nguồn: GFG Alliance)

 

"Chúng tôi hiện đang bước vào giai đoạn tiếp theo của quy trình này, với các thành viên trong nhóm bị ảnh hưởng đang được tham gia tham vấn liên tục theo Hợp đồng Kinh Doanh (Enterprise Agreement) của họ."

 

 

Phát ngôn viên này cho biết những thay đổi sẽ tiếp diễn "trong những tháng tới".

"GFG Alliance đang tiến lên trên hành trình đạt được mục tiêu trung hòa thán khí car-bon vào năm 2030 với trọng tâm là khai thác trữ lượng khổng lồ quặng sắt từ magnetite, nguyên liệu thô 'tốt nhất trong số những nguyên liệu tốt nhất' để sản xuất thép xanh."

 

GFG Alliance cho biết họ đã đầu tư hơn một tỷ đô-la vào hoạt động của Whyalla kể từ khi nắm quyền kiểm soát nhà máy vào năm 2017.

 

 

Tom Koutsantonis, Bộ trưởng Bộ Khai khoáng Nam Úc, cho biết ông thường xuyên liên lạc với các nhân viên cấp cao tại GFG Alliance. (ABC News: Carl Saville)

 

 

Tom Koutsantonis, Bộ trưởng Bộ Khai khoáng, cho biết ông đang "làm việc đằng sau hậu trường".

Ông nói "Đây là thời điểm khó khăn đối với Whyalla, thời điểm rất khó khăn, nhưng, hoảng loạn sẽ không giải quyết được vấn đề, điều chúng ta cần là phản ứng bình tĩnh, chu đáo để giải quyết những vấn đề này với GFG",

"Tôi liên lạc hàng ngày với GFG, tôi họp hàng tuần với giám đốc điều hành của họ và tôi nói chuyện mỗi hai tuần một lần với Sanjeev.”

"Tôi cũng biết rằng GFG đang nỗ lực để duy trì hoạt động và tính thanh khoản của doanh nghiệp.”

"Whyalla không phải là vấn đề của tiểu bang Nam Úc, Whyalla là tài sản của nước Úc và Whyalla phải tồn tại".

 

John O'Halloran điều hành một doanh nghiệp cung cấp đồ lau dọn vệ sinh và cho biết có "mức độ bất ổn cao" trong cộng đồng, khi nhà máy thép là "công ty tuyển dụng chính và chuỗi cung ứng hợp đồng chính" cho các doanh nghiệp tại địa phương.

Ông nói "Nhiều người phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nhà máy thép đó, vì vậy bất cứ điều gì xảy ra ở đó đều ảnh hưởng đến nhiều người trong thị trấn".

 

Ian Worth là chủ doanh nghiệp bán vỏ bánh xe (lốp xe), nhưng trước đây đã làm việc tại nhà máy thép và từng là một nhà thầu.

Ông nói "Tôi cảm thấy rất lo lắng cho những người mất việc làm và nhiều người khác đang lo lắng".

"Cuối cùng thì tôi tin rằng đây là sự cố trong nhà máy thép Whyalla và tương lai của đô thị Whyalla. Tôi không nghĩ đây là tất cả và là kết thúc của nhà máy thép hay đô thị Whyalla.”

"Whyalla sẽ không bao giờ là một đô thị ma ... Những lời hùng biện về đô thị ma không giúp ích cho bất kỳ ai, điều đó không phải là sự thật."