Theo một báo cáo mới, tài năng bị mất đã khiến Sydney thiệt hại 1,5 tỷ đô-la do tình trạng di cư ra nước ngoài và sức hấp dẫn của thành phố giảm sút. Nguồn: AAP / Mick Tsikas

 

AUSTRALIA - Cuộc khủng hoảng địa ốc tại Sydney là mối đe dọa đối với tương lai kinh tế của thành phố, theo một phúc trình mới công bố.

 

Cuộc khủng hoảng địa ốc tại Sydney đang “làm tê liệt” nền kinh tế NSW và có tác động to lớn đến giới trẻ, khiến thành phố thiệt hại khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm do mất năng suất.

 

Theo phúc trình của Committee for Sydney được công bố hôm thứ Năm, Sydney chỉ đứng sau Hồng Kông về giá nhà đắt đỏ. Một ngôi nhà trung bình ở tiểu bang NSW có giá cao gấp 13 lần mức lương trung bình.

 

Giám đốc điều hành Committee for Sydney, ông Eamon Waterford, cho biết nhà ở là một vấn đề kinh niên đối với thủ phủ tiểu bang NSW, và là mối đe dọa đối với tương lai của thành phố nếu chính phủ không hành động.

 

Cũng theo ông Waterford, những người trẻ ở Sydney gặp rất nhiều trở ngại khi bắt đầu sự nghiệp do vấn đề tìm nhà ở giá phải chăng.

 

Thị trường địa ốc ‘không công bằng’ và ‘không thể chấp nhận được’

 

Thủ hiến Chris Minns cho biết giá nhà trung bình hơn 1 triệu đô la là “không thể chấp nhận được” đối với thế hệ tiếp theo và làm tê liệt nền kinh tế.

Ông nói “Điều đó hoàn toàn không công bằng đối với thế hệ người Úc trẻ, những người không cảm thấy rằng họ có thể sở hữu một phần của Sydney… và viết nên chương tiếp theo trong lịch sử của thành phố tuyệt vời này.”

 

Số nhà cho thuê và khả năng chi trả cũng đang ở mức khủng hoảng, với 35,3% hộ gia đình thuê nhà ở Sydney gặp căng thẳng tài chính khi phải dành hơn 30% thu nhập hàng tháng của họ để trả tiền thuê nhà.

 

Phúc trình cũng xác định số nhân tài bị mất đi trị giá 1,5 tỷ đô la, do người dân di cư ra khỏi tiểu bang và thành phố bị mất sức hút, bên cạnh 6,8 tỷ đô la thiệt hại năng suất, và 2,9 tỷ đô la do giảm khả năng đổi mới, bao gồm ít bằng sáng chế và công ty khởi nghiệp hơn.

 

Ông Waterford nói “Nếu chúng ta không thực hiện hành động khẩn cấp và bền vững, tình trạng thiếu nhà ở thường xuyên sẽ tiếp tục làm suy giảm khả năng cạnh tranh của Sydney trên toàn cầu và sức mạnh kinh tế lâu dài của thành phố chúng ta”.

 

Phúc trình đề nghị đặt ra các mục tiêu quy hoạch và tăng cường đầu tư

Nhóm tác giả đề xuất ba hành động chính để giúp giải quyết vấn đề, bắt đầu bằng việc đưa ra mục tiêu quy hoạch để đưa nhà ở giá rẻ vào các dự án mới ở tất cả các khu vực.
 

 

Nhóm cũng khuyến nghị chính phủ đầu tư xây dựng nhiều nhà ở xã hội và có giá phải chăng hơn, cũng như tăng số lượng nhà ở gần hệ thống giao thông công cộng, không gian mở, trường học và các dịch vụ khác.

 

Chính phủ cho biết họ đang nỗ lực hướng tới việc tăng số lượng nhà xây mới ở NSW, trong bối cảnh tiểu bang này thua kém Queensland và Victoria tính theo bình quân đầu người.

 

Nhưng Thủ hiến phủ nhận việc thu thêm phí của các nhà phát triển lên tới $12.000 mỗi căn nhà kể từ tháng Mười – để giúp trang trải chi phí hạ tầng cơ sở bổ sung – sẽ khiến việc tăng nguồn cung ngày càng trở nên khó khăn hơn.

 

Ông Chris Minns cho biết thay đổi này đã được chính phủ tiền nhiệm báo trước và được các nhà cung cấp tính đến.

 

Hiệp hội Kỹ nghệ Nhà ở Cộng đồng NSW cho biết cuộc khủng hoảng đã trở nên trầm trọng hơn do sự thờ ơ của các chính phủ liên tiếp, nhưng vẫn có cơ hội giải quyết vấn đề này trong ngân sách tiểu bang sắp tới.

 

Giám đốc điều hành Mark Degotardi nói “Đã đến lúc chính phủ Minns có những phản ứng mạnh mẽ để làm những điều mà các gia đình trong tiểu bang của chúng ta cần, bằng cách tài trợ cho nhà ở xã hội và có giá phải chăng, bắt đầu từ ngân sách tiểu bang,”

“56.000 gia đình và cá nhân trong danh sách chờ nhà ở xã hội sẽ theo dõi xem liệu chính phủ tiểu bang có sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để cung cấp cho họ một ngôi nhà an toàn, lâu dài trong ngân sách này hay không.”