(Ảnh: SBS)

 

AUSTRALIA - Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC) vừa công bố một báo cáo cho thấy phí giữ trẻ ở Úc cao ngất ngưỡng hàng đầu thế giới. Báo cáo của ACCC là cái thứ hai trong hai bài nghiên cứu điều tra đưa ra các khuyến nghị gửi chính phủ nhằm cải thiện tình hình trong lĩnh vực này.

 

Đầu năm nay, Thủ tướng Anthony Albanese đã vạch ra một tầm nhìn đầy tham vọng.

 

Với hơn một triệu hộ gia đình Úc sử dụng dịch vụ giữ trẻ em theo thống kê của năm 2022, ông đặt trọng tâm của chính sách là cải cách để giúp cho hàng trăm ngàn gia đình rộng đường tiếp cận trợ cấp giữ trẻ.

"Hơn 90% quá trình phát triển trí não con người diễn ra trong 5 năm đầu đời. Và đó là lý do tại sao trẻ nên được đặt trong môi trường giàu tính chất giáo dục từ sớm là rất quan trọng. Và đây cũng là một cuộc cải cách kinh tế. Vì nó nhằm làm tăng năng suất và thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động, cũng như gia tăng bình đẳng giới. Nó cho phép phụ nữ trở lại lực lượng lao động sớm hơn, cho phép họ phát triển sự nghiệp, và tất nhiên là dòng chảy lợi ích đó xuyên suốt, nó cũng giúp cho thu nhập hưu trí tốt hơn. Chính sách này sẽ giúp các gia đình, và nó sẽ cũng giúp ích cho cộng đồng và nền kinh tế quốc gia của chúng ta."

 

Tác động đầy đủ của việc mở rộng đó vẫn chưa rõ ràng.

 

Dù Tổng trưởng giáo dục Jason Clare nói với Sky News rằng ông tin rằng chúng đang mang lại hiệu quả như mong muốn.

"Tin tốt là luật giúp chi phí giữ trẻ rẻ hơn mà chúng tôi đã thông qua quốc hội vào năm ngoái, bắt đầu thực hiện vào tháng 7 năm nay, hiện đang có hiệu lực. Chúng tôi thấy chi phí chăm sóc trẻ em theo giờ trung bình đã giảm 14%, vào tháng 7, đó là một điều tốt. Nhưng còn rất nhiều việc cần phải làm ở đây và báo cáo này tập trung vào 'giai đoạn tiếp theo' sẽ là gì - điều gì cần thiết cho giai đoạn cải cách tiếp theo?'"

 

Nhưng báo cáo mới nhất về lĩnh vực chăm sóc trẻ em của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc ACCC cho thấy các gia đình đang phải vật lộn với gánh nặng tài chính khi con còn nhỏ.

 

Báo cáo cho thấy người Úc phải trả nhiều tiền hơn cho việc chăm sóc trẻ em so với hầu hết các nơi khác trên thế giới.

 

ACCC cho biết một hộ gia đình trung bình ở Úc, với hai đầu lương và hai đứa con gởi nhà trẻ, ngốn hết khoảng 16% ngân sách gia đình cho việc giữ trẻ, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia trong nhóm O-E-C-D đến 9%.

 

Jessica Rudd là CEO của The Parenthood, một nhóm ủng hộ các phụ huynh và người trách nhiệm nuôi con nhỏ.

 

Bà cho biết nhiều bậc cha mẹ đang ở trong tình huống bị chôn chân.

"Sự vật lộn này thật là mắc cười, nó không giống ai trong số các nước của OECD. Bạn đang nhờ vả, năn nỉ và thậm chí làm lì thảy con cho bất cứ ai mà bạn có thể gởi con - gia đình, bạn bè - và bạn cảm thấy như mình phải xếp mình xuống. Và đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ chọn ở nhà thay vì quay lại làm việc - bởi vì họ thấy là không thể, bất khả thi. Ngay cả khi họ biết rằng ngân sách gia đình họ phụ thuộc vào khoản thu nhập mà họ đi làm, họ là họ không thể quay lại làm được vì họ không gởi con được. Và do đó, họ tụt hậu về mặt tổng thu nhập."

 

Jessica Rudd nói rằng gánh nặng tài chính cuối cùng lại phản tác dụng.

"Thông thường, ở Úc, chúng ta cần hai mức lương để trang trải cuộc sống. Và vì vậy, thật vô nghĩa khi bạn có một người có đủ khả năng và sẵn sàng quay trở lại lực lượng lao động sau khi có con, nhưng không thể đủ khả năng chi trả cho một nơi chăm sóc trẻ em."

 

Báo cáo của ACCC kêu gọi có quy định chặt chẽ hơn cũng như trợ cấp trực tiếp cho các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ và cho trẻ em Bản địa.

 

Các gia đình có thu nhập thấp hiện đang phải chịu gánh nặng do giá cả tăng vọt, với các ưu đãi về lợi nhuận có nghĩa là các nhà cung cấp nhắm đến các vùng giàu có ở các thành phố lớn.

 

Trong một tuyên bố, chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb đã nói rằng các thiết lập chính sách hiện tại không mang lại khả năng chi trả và khả năng tiếp cận cho tất cả người dân Úc.

 

Báo cáo cũng kêu gọi chia sẻ công khai thêm thông tin với phụ huynh, tập trung vào những nhà cung cấp nào công bố tỷ suất lợi nhuận lớn so với số tiền trả cho nhân viên nhà trẻ cũng như mối tương quan với tiền túi phải trả của phụ huynh.

 

Jason Clare nói rằng ông thấy giá trị trong đề xuất đó.

"Ý tưởng nêu tên và chỉ trích các nhà cung cấp lạm thu, lấy giá quá cao, thuộc hàng cao nhất, rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã đưa ra quan điểm này khi luật về phí chăm sóc trẻ em rẻ hơn của chúng ta được ban hành vài tháng trước rằng nếu mọi người lợi dụng điều này để tăng phí không tương xứng với những gì đang diễn ra trong nền kinh tế, thì sẽ có áp lực đặt lên họ. Và đây là một khuyến nghị để thực hiện điều đó."

 

Bà Rudd không đồng ý với Tổng trưởng Giáo Dục về điểm này.

 

Nhưng bà nói rằng chính phủ cần phải nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn.

"Điều chúng tôi muốn là cải cách toàn diện. Và điều thực sự hay của báo cáo mới nhất này của ACCC - một trong loạt các báo cáo - là nó nói trực tiếp về cách thức định giá trong giáo dục mầm non, trong dịch vụ chăm sóc trẻ em. Và những gì chúng tôi sẽ làm, thực sự muốn thấy rằng giáo dục và chăm sóc mầm non có chất lượng, phổ cập, giá cả phải chăng cho mọi trẻ em ở Úc để có thể thực sự tối ưu hóa những bước phát triển quan trọng trong 5 năm đầu đời của một đứa trẻ và bảo đảm không có đứa trẻ nào bị bỏ lỡ."

 

Quá trình này vẫn chưa kết thúc và ACCC dự kiến sẽ gửi báo cáo thứ ba và cũng là báo cáo cuối cùng trước ngày 31 tháng Mười hai.

 

Việc đệ trình có thể được thực hiện qua trang web ACCC cho đến ngày 29 tháng Mười.