Úc đang có bài học lớn từ đại dịch Covid-19, từ đó họ cần phải tự sản xuất nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Quan hệ giữa Úc Đại Lợi và Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn khó khăn khi liên tiếp các quan chức cấp cao của Úc lên tiếng đề nghị cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về sự xuất hiện và lây lan của dịch Covid-19.

 

Trung Quốc phản đối mạnh mẽ đề xuất này và cho rằng đây là hành động mang động cơ chính trị. Đại sứ Trung Quốc còn cảnh báo Úc sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại kinh tế nếu tiếp tục theo đuổi đề xuất này.

 

 

Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia thuộc ASPI. (Nguồn: The Australian)

 

 

Vậy quan hệ giữa Úc và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau động thái này và Úc nhìn nhận như thế nào về tương lai của mối quan hệ với Trung Quốc? Để tìm hiểu về những điều này, chúng tôi xin đăng cuộc phỏng vấn ngắn giữa phóng viên của VOV (Voice of Vietnam) với ông Micheal Shoebridge, Giám đốc Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia (Australian Strategic Policy Institute- ASPI), một trong những cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu của Úc.

 

PV: Liên tiếp trong những ngày qua, quan chức của Australia và Trung Quốc đã liên tục có những lời lẽ qua lại liên quan đến việc Australia đề xuất cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về sự xuất hiện và lây lan của dịch Covid-19. Theo ông, những tuyên bố này ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Australia và Trung Quốc giai đoạn sau đại dịch?

 

Ông Michael Shoebridge: Tôi cho rằng, quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới dang bị ảnh hưởng nặng nề do chính quyền Trung Quốc đã không cởi mở thông tin vào giai đoạn đầu của dịch bệnh để thế giới có thể thấy được những gì mà Trung Quốc đã làm.

 

Việc đưa ra các thông tin ban đầu có ảnh hưởng rất lớn đến người dân Trung Quốc cũng như người dân trên toàn thế giới. Tôi cho rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Australia với Trung Quốc và cũng đồng thời ảnh hưởng tới quan hệ của nhiều quốc gia khác với Trung Quốc trừ khi chính phủ Trung Quốc tham gia cuộc điều tra này để tất cả chúng ta rút ra những kinh nghiệm để có thể phòng tránh không xảy ra trường hợp tương tự trong tương lai.

 

PV: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên tới hơn 230 tỷ AUD. Vậy sự căng thẳng trong quan hệ sẽ tác động như thế nào đối mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước?

 

Ông Michael Shoebridge: Điều thú vị là trong khi mọi người thảo luận về mối quan hệ chính trị vốn có nhiều vấn đề giữa Australia và Trung Quốc trong nhiều năm qua thì quan hệ thương mại song phương vẫn phát triển mạnh mẽ trong khoảng thời gian đó.

 

Bài học rút ra từ thực tế này đó là kinh tế và chính trị không gắn kết với nhau như cách mà nhiều người nghĩ. Nhưng sâu xa mà nói, Trung Quốc rất cần nguồn nguyên liệu có chất lượng cao nhưng có giá cạnh tranh mà Australia cung cấp. Vì vậy, đây không phải là mối quan hệ tình cảm mà là quan hệ kinh tế thực chất.

 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, dịch bệnh có thể thay đổi bản chất mối quan hệ kinh tế giữa Australia với nền kinh tế Trung Quốc và cũng làm thay đổi mối quan hệ giữa các chính phủ và các nền kinh tế với nền kinh tế Trung Quốc. Bởi vì sẽ có quá nhiều rủi ro nếu có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc. Sẽ là quá rủi ro nếu nền kinh tế thế giới tập trung quá nhiều vào các hoạt động kinh tế với Trung Quốc...

 

Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy sự suy giảm vai trò kinh tế trung tâm của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và Australia sẽ giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

 

Phóng viên (PV): Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu Australia đã kêu gọi chính phủ đa dạng hóa quan hệ kinh tế thương mại với các quốc gia khác trên thế giới ngoài Trung Quốc song dường như không dễ để Australia thực hiện điều này. Vậy liệu có phải dịch bệnh đã làm cho điều này trở nên dễ dàng hơn?

 

Ông Michael Shoebridge: Vâng, rõ ràng là như vậy. Một trong những lý do khiến mọi người nói rằng không dễ để có thể đa dạng hóa quan hệ kinh tế-thương mại bởi vì nếu làm vậy sẽ tạo nên cú sốc kinh tế quá lớn khi luồng du học sinh Trung Quốc tới các trường đại học tại Australia dừng lại và các khách du lịch Trung Quốc cũng không đến Australia nữa. Đây chính xác là những gì đang diễn ra trong đại dịch này.

 

Các trường đại học của Australi không có sinh viên Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc cũng không có mặt tại Australia. Trong những năm qua, người ta lo ngại rằng Trung Quốc sẽ gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế Australia và bây giờ, trong tình cảnh dịch bệnh thì chúng ta đang chứng kiến điều này. Vì vậy bây giờ chính là thời điểm phù hợp để Australia đa dạng hóa đối tác kinh tế trong cả hai lĩnh vực du lịch và giáo dục.

 

Đồng thời, nghiên cứu, công việc vốn đang có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước cũng cần có sự thay đổi trong tương lai. Chúng ta cần tìm ra lợi thế của dịch bệnh để xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

 

PV: Vậy theo ông Australia sẽ làm thế nào để có thể đa dạng hóa quan hệ kinh tế?

 

Ông Michael Shoebridge: Tôi cho rằng, giáo dục đại học của Australia có chất lượng tốt. Các trường đại học của Australia đã cung cấp nền giáo dục có hiệu quả cao đối với sinh viên. Tương lai của ngành giáo dục Australia trong khu vực rất tươi sáng với nguồn sinh viên dồi dào từ Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Họ có thể đến Australia học tập hoặc có thể học trực tuyến mà không cần đến Australia.

 

Tôi cho rằng các trường đại học của Australia có triển vọng hợp tác tươi sáng với các nước trong khu vực. Đồng thời nó cũng khiến cho các trường đại học tại Australia sẽ không bị phụ thuộc vào nguồn sinh viên đến từ Trung Quốc. Tôi cũng quan tâm tới lĩnh vực sản xuất, chế tạo. Australia đã có bài học lớn từ đại dịch và chúng tôi cần phải tự sản xuất nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời chúng tôi cũng cần có đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Trung Quốc sử dụng sự chèn ép về kinh tế như là một vũ khí để gia tăng ảnh hưởng, họ không phải là đối tác đáng tin cậy trong những thời điểm quan trọng mà chúng tôi cần như trong khủng hoảng quân sự hay khủng hoảng y tế.

 

Trong khi đó, Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia có thể là những đối tác tin cậy như vậy. Tôi mong muốn sẽ được chứng kiến nhiều hợp tác giữa Australia với các nước trong khu vực trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo trong tương lai.

 

PV: Xin cảm ơn ông!