Hơn 13.000 thanh thiếu niên Úc trên khắp đất nước tiết lộ số lần họ cảm thấy bị bắt nạt trong lớp học trong một tuần hoặc một tháng. Ảnh: Getty / SolStock

 

Theo một báo cáo mới phân tích hành vi bắt nạt và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả giáo dục trong lớp học, có một tiểu bang chứng kiến số học sinh bị bạn bè bắt nạt, đe dọa tăng gấp đôi những nơi khác.

 

Theo một báo cáo mới, học sinh thanh thiếu niên Úc phải đối mặt với mức độ bắt nạt cao thứ hai trong số 24 quốc gia OECD, chỉ xếp sau Latvia ở Đông Bắc Âu có chứng kiến mức độ học sinh bị bắt nạt cao nhất.

 

Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục Úc (Australian Council for Educational Research - ACER) đã công bố bản phân tích kết quả của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) năm 2022 của OECD, làm sáng tỏ nhiều yếu tố trong lớp học ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh.

 

ACER đã so sánh tình trạng của Úc với kết quả của 23 quốc gia có thành tích cao khác - trong số 81 quốc gia tham gia PISA - và kết luận rằng việc học sinh bị bắt nạt sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập trong lớp học.

 

OECD - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - là một nhóm gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường.

 

Bắt nạt được đo lường qua sáu thước đo, bao gồm: Các học sinh khác bỏ rơi tôi; Những học sinh khác chế nhạo tôi; Tôi bị các học sinh khác đe dọa; Những học sinh khác lấy hoặc phá hoại các đồ vật của tôi; Tôi bị các học sinh khác đánh hoặc xô đẩy; Những học sinh khác tung tin đồn ác ý về tôi.

 

Gần 1/5 trong số 13.430 thanh thiếu niên Úc được khảo sát đã báo cáo về những trường hợp bị các học sinh khác chế nhạo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nghiên cứu đối với học sinh 15 tuổi, từ hơn 700 trường học trên toàn quốc, cho thấy 10% cảm thấy bị bỏ rơi hoặc có những tin đồn ác ý về mình, trong khi 5% bị đe dọa.

 

Nhóm học sinh bị bắt nạt nhiều hơn là các học sinh nam, các học sinh có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn hoặc những người theo học tại các trường học ở miền quê chứ không phải khu vực đô thị.

 

Trong số các quốc gia được so sánh, học sinh ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Ba Lan ít bị bắt nạt nhất.

 

Lisa De Bortoli, nhà nghiên cứu cấp cao của ACER, cho biết "tất cả các khu vực pháp lý Úc đều thừa nhận mức độ bắt nạt cao hơn so với mức trung bình của OECD".

 

 

Tiểu bang ở Úc nơi bắt nạt xảy ra nhiều nhất

Học sinh Tasmania phải đối mặt với tỷ lệ bắt nạt cao nhất trên toàn quốc, có thể là mỗi tháng một lần hay vài lần một tuần.

 

24% thanh thiếu niên Tasmania cho biết họ bị chế giễu vài lần mỗi tháng, cao hơn 10% so với các bạn cùng lứa ở Victoria, nơi có mức độ bắt nạt thấp nhất.

 

Học sinh ở tiểu bang này báo cáo gần gấp đôi số trường hợp trên toàn quốc, đã bị đe dọa hoặc bị những kẻ bắt nạt lấy hoặc phá hoại đồ đạc.

 

 

 

De Bortoli thừa nhận tình trạng bắt nạt đã giảm trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022, nhưng một phần là do việc học từ xa ở các miền quê và vùng xa của đất nước do đại dịch COVID-19.

 

ACER đã phân tích các quốc gia có thành tích toán học cao dựa trên các yếu tố ngoài vấn đề bắt nạt, bao gồm môi trường kỷ luật trong lớp học hoặc các đặc điểm như tính tò mò.

 

 

De Bortoli cho biết nó cho thấy giáo dục có tính “đa diện” và có một số khía cạnh giúp học sinh thành công.

 

Bà nói với SBS News: “Báo cáo thực sự đi sâu hơn vào việc xem xét điều gì đã giúp học sinh trở thành người có thành tích cao… chúng tôi đang xem xét những học sinh ít bị bắt nạt, nhưng cũng quan sát những học sinh có mức độ tò mò cao hơn”.

“Họ có mối quan hệ chặt chẽ hơn với giáo viên, họ có cảm giác thân thuộc và an toàn ở trường… đó thực sự là những đặc điểm sẽ giúp học sinh đạt được thành tích học tập.”