Hình minh họa vàng được nhóm các nhà khoa học tại Đại học Flinders, Úc Đại Lợi, chiết xuất từ rác thải điện tử. Ảnh: flinders.edu.au

 

 

AUSTRALIA - Một nhóm nhà khoa học tại Đại học Flinders, Úc Đại Lợi, vừa công bố phương pháp mới chiết xuất vàng từ quặng và rác thải điện tử mà không cần đến những hóa chất độc hại như xy-a-nua (Cyanide) hay thủy ngân.

 

 

Giữa thời đại bùng nổ công nghệ kỹ thuật số, thế giới đang đối mặt với "núi" rác thải điện tử khổng lồ lên tới 62 triệu tấn chỉ trong năm 2022. Thách thức này không chỉ gây ô nhiễm môi sinh mà còn lãng phí vô số kim loại quý, đặc biệt là vàng. Trong bối cảnh đó, một nhóm khoa học gia tại Đại học Flinders mới đây đã công bố phương pháp mới chiết xuất vàng từ quặng và rác thải điện tử mà không cần đến những hóa chất độc hại như xyanua (cyanide) hay thủy ngân.

 

Theo báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, cốt lõi của công nghệ này là quy trình gồm 2 giai đoạn. Đầu tiên, các chuyên viên nghiên cứu sử dụng hóa chất phổ biến trong tẩy rửa là a-xít (acid) trichloroisocyanuric, đã được kích hoạt bằng nước muối, để hòa tan vàng từ các hỗn hợp phức tạp như rác thải điện tử.

 

Đây là bước tiến lớn vì a-xít (acid) này vừa rẻ, dễ kiếm, lại không tạo ra những sản phẩm phụ độc hại như các chất truyền thống. Bước sau đó, vàng được thu hồi nhờ một loại polymer tổng hợp giàu lưu huỳnh, được tạo ra bằng tia UV. Polymer này có khả năng “nhận diện” và liên kết chọn lọc với vàng, loại bỏ những tạp chất khác. Khi đun nóng, polymer giải phóng vàng nguyên chất và có thể được tái chế để xử dụng cho lần sau, tạo nên một quy trình tuần hoàn đầy hiệu quả.

 

Theo giới chuyên môn, phương pháp này không chỉ an toàn hơn cho môi sinh, mà còn đặc biệt hữu ích đối với các thợ đào vàng thủ công, những người thường phải dùng thủy ngân trong điều kiện thiếu an toàn. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã kiểm nghiệm thành công quy trình trên các mẫu quặng từ nhiều đối tác quốc tế và đang hướng tới việc khai triển vào thực tiễn để hỗ trợ các cộng đồng khai thác nhỏ lẻ chuyển sang công nghệ thân thiện hơn cho môi sinh và sức khỏe con người.

 

Tiến sĩ Lynn Lisboa, đồng tác giả nghiên cứu, nói: “Với nhu cầu ngày càng tăng về vàng trong xã hội và công nghệ, việc phát triển các phương pháp chiết xuất an toàn và linh hoạt từ nhiều nguồn khác nhau trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.