Một nhân viên làm việc tại một cửa hàng bán rượu ở Darwin bị đâm chết vào ngày 20 tháng 3, (AAP) Ảnh: AAP / ANNETTE LIN / AAPIMAGE

 

 

Chính quyền Vùng Lãnh Thổ Bắc Úc tuyên bố, xét lại luật bảo lãnh và khả năng mở rộng quyền hạn của cảnh sát, sau cái chết của một công nhân tại cửa hàng bán rượu ở Darwin. Người đứng đầu chính phủ tin rằng việc xem xét các luật lệ liên quan, sẽ giúp nhắm mục tiêu giảm bớt tội phạm trên toàn khu vực.

 

Người đứng đầu Lãnh thổ Bắc Úc, bà Natasha Fyles, long trọng công bố một loạt các biện pháp, nhằm giải quyết hành vi chống đối xã hội và bạo lực.

Bà Natasha Fyles nói “Sự an toàn của chúng ta là trên hết, như vậy là đủ rồi và hành vi này phải chấm dứt".

"Chúng ta đã thấy trên toàn quốc và ở Lãnh thổ phía Bắc, việc vận chuyển vũ khí sắc bén gia tăng, cùng với tội phạm bạo lực".

"Điều này là không bình thường, chúng tôi muốn ngăn chặn nó trước khi xảy ra”.

 

Được biết nỗi đau buồn đang chuyển thành sự tức giận ở Darwin, sau cái chết của nhân viên cửa hàng bán rượu Declan Laverty 20 tuổi, bị đâm chết vào tối chủ nhật, ngày 19 tháng 3.

 

Trong khi đó ông Alex Bruce, của Hiệp hội Chiêu đãi Lãnh Thổ Bắc Úc cho biết, cái chết đã gây sốc cho ngành hoạt động của ông và toàn bộ lãnh thổ.

Ông nói “Vâng, rõ ràng là ngoài kia tình hình đang rất sôi động".

"Tôi nghĩ hôm nay mặc dù chúng ta cần gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng, chúng ta cần quay trở lại trạng thái an toàn".

"Chúng ta cần cộng đồng cảm thấy an toàn".

'Chúng ta cần nhân viên của chúng tôi, địa điểm của chúng tôi, khách hàng của chúng tôi cảm thấy được an toàn”.

 

Phụ tá Ủy viên Cảnh sát Lãnh thổ Bắc Úc, Michael Murphy, cho biết nhu cầu về các dịch vụ khẩn cấp đã tăng mạnh trong thập niên vừa qua.

 

Ông nói “Chúng tôi thấy có từ 60 đến 95 vụ bạo lực gia đình, trên khắp Lãnh thổ Bắc Úc mỗi đêm cứ sau 24 giờ, điều này thật đáng báo động".

"Rất nhiều sự việc đã được thực hiện trong không gian đó, để giải quyết vấn đề".

"Khi chúng tôi xem xét Trung Tâm Các Cuộc Gọi hay Tổng Đài Dịch Vụ Khẩn Cấp hồi 10 năm trước, họ nhận được 12 ngàn cuộc gọi trong một tháng".

"Trong khi đó tháng này, chúng tôi nhận được 35 ngàn cú gọi”.

 

Trong khi đó người đứng đầu Lãnh Thổ Bắc Úc đã công bố một số biện pháp, mà bà nói sẽ lập lại trật tự.

Bà nói "Chúng tôi sẽ xem xét luật lệ về bảo lãnh và các hình phạt đối với tội phạm về vũ khí".

"Công việc này sẽ bắt đầu ngay lập tức và nó sẽ xem xét các luật bảo lãnh, đối với các tội liên quan đến vũ khí, bao gồm việc giả định và chống lại việc bảo lãnh cho các tội đó".

"Chúng tôi cũng sẽ xem xét các hình phạt hiện tại đối với những người mang vũ khí ở nơi công cộng, cùng với việc tiến hành xem xét lại quyền hạn của cảnh sát để đảm bảo rằng, chúng phù hợp và đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng”.

 

Theo các biện pháp, chính phủ sẽ vận động nhằm bố trí những người kiểm soát đám đông, do chính phủ tài trợ tại các cửa hiệu bán rượu, tiến hành kiểm tra an toàn lao động đối với tất cả các địa điểm vào ban đêm và cảnh sát được trang bị bình xịt hơi cay.

 

Chính phủ cũng sẽ tăng đáng kể quyền hạn của cảnh sát, điều mà Phụ tá Ủy viên Cảnh sát hoan nghênh.

Ông Michael Murphy nói “Việc tăng cường quyền hạn cho cảnh sát, sẽ mang lại kết quả an toàn tốt hơn cho Lãnh thổ Bắc Úc".

"Việc nầy cho phép cảnh sát ngăn chặn, tìm kiếm, giam giữ và bắt giữ bất kỳ ai, bị nghi ngờ mang vũ khí sắc bén hoặc các vũ khí khác”.

 

Thế nhưng những thay đổi được đề nghị đã khiến một số nhà lãnh đạo Thổ Dân lo lắng.

 

Họ nói rằng các quyền hạn mới của cảnh sát có thể được sử dụng, để nhắm mục tiêu vào những người bản địa và gia tăng tỷ lệ giam giữ người Thổ Dân.

 

Ông Nick Espie, là Luật sư cấp Cao tại Cơ quan Tư pháp Thổ dân Bắc Úc, nói “Hiện tại, các nhà tù của chúng ta đã chật kín và đầy ắp cũng như quá tải, đến nổi có những người trong tù ngủ trên sàn nhà".

"Hành vi của họ sẽ không thay đổi, trong những điều kiện áp bức như vậy".

"Chúng tôi cần các giải pháp cung cấp nguồn lực và tập trung vào cộng đồng, tập trung bên ngoài việc đơn giản là nhốt người, mà chúng ta biết là không hiệu quả”.