Nhiệt độ mặt nước biển hàng ngày phá kỷ lục được ghi nhận kể từ tháng 3 năm 2023. Nguồn: SBS, Getty

 

 

 

Các kỷ lục nhiệt độ mới đã được thiết lập hàng ngày kể từ tháng Ba năm ngoái. Giới khoa học bày tỏ lo ngại về dữ liệu này.

 

Kể từ tháng Ba năm ngoái, kỷ lục nhiệt độ hàng ngày đã đạt đến những đỉnh cao mới và nhiều kỷ lục về khí hậu đã bị phá vỡ.

 

Hiện tượng bất thường này khiến các chuyên gia khoa học về khí hậu trên thế giới lo ngại rằng những tác động nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ xuất hiện sớm hơn dự kiến.

 

Trong khi cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi ở Úc về hành động chống biến đổi khí hậu, tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đang trở nên rõ ràng hơn mỗi ngày.

 

 

 

Nhiệt độ bất thường được ghi nhận từ tháng Ba năm ngoái

 

Nền tảng Climate Reanalyzer của Đại học Maine, Hoa Kỳ cho thấy các kỷ lục hàng ngày đã được thiết lập đối với nhiệt độ bề mặt biển kể từ khoảng giữa tháng Ba năm ngoái.

 

Nhiệt độ kỷ lục đã được chuyên gia khí hậu học người An,h Gavin Schmidt, giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA tại thành phố New York mô tả là “dị thường”.

 

 

Nhiệt độ bề mặt nước biển hàng ngày đã phá kỷ lục kể từ giữa tháng 3 năm ngoái. Nguồn: SBS

 

 

Nhiệt độ bề mặt đất cũng tăng vọt. Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu, năm 2023 là năm nóng nhất thế giới được ghi nhận và có những cảnh báo rằng năm 2024 có thể còn tệ hơn.

 

Hồi tháng Hai, lần đầu tiên Trái đất đã ghi nhận nhiệt độ bề mặt đất cao hơn mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris.

 

Thỏa thuận Paris là một hiệp ước quốc tế nhằm mục đích giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, và tốt nhất là ở mức 1,5 độ C.

 

Ông Schmidt lưu ý vào tháng Ba rằng nhiệt độ trung bình của đất liền và bề mặt biển đã vượt quá các kỷ lục cũ tới 0,2 độ C trong 9 tháng trước đó.

 

Ông mô tả đây là “một biên độ lớn ở quy mô hành tinh” trong một chuyên mục của tạp chí khoa học Nature.

 

Kể từ đó, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục.

 

 

Chuỗi kỷ lục ‘bất thường’

Dữ liệu cho thấy nhiệt độ bề mặt biển vẫn ở mức phá kỷ lục.

 

Chuyên gia khí hậu học Sean Birkel, người phát triển nền tảng Climate Reanalyzer, nói với SBS News rằng vào ngày 12/6 năm nay, nhiệt độ hàng ngày cao hơn khoảng 0,7 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1982-2010.

 

Climate Reanalyzer sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ để theo dõi nhiệt độ bề mặt biển.

 

Nhiệt độ mặt nước biển đã phá kỷ lục hàng ngày kể từ tháng 3 năm 2023. Nguồn: Getty

 

 

Phân tích từ dịch vụ Copernicus của Châu Âu cho thấy một số ngày trong tháng Năm không phá vỡ kỷ lục, nhưng nhìn chung, cả hai tổ chức đều ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục kể từ tháng Ba năm ngoái.

 

Giáo sư Mark Howden, tại Đại học Quốc gia Úc nói với SBS News, rằng  “Những gì chúng tôi đang chứng kiến thật bất thường và đáng lo ngại”,

“Việc liên tục phá vỡ kỷ lục trong khoảng thời gian 12 tháng hoặc lâu hơn là điều bất thường.”

 

 

Nhiệt độ đất liền cũng phá kỷ lục

Giáo sư Howden cho biết nhiệt độ đại dương cao hơn bình thường cũng làm tăng nhiệt độ trên đất liền.

Giáo sư Mark Howden nói, “Do đó, chúng ta cũng đang chứng kiến nhiệt độ bất thường trên đất liền, ảnh hưởng đến sức khỏe và an sinh của con người, sản xuất nông nghiệp, nguồn nước, năng suất kinh tế và môi trường, cùng nhiều lĩnh vực khác.”

 

Theo Copernicus, nhiệt độ đất trung bình trong 12 tháng từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024 lần đầu tiên đã tăng lên 1,52 độ C so với mức trung bình tiền công nghiệp 1850-1900.

 

Kể từ đó, nhiệt độ tiếp tục lập kỷ lục, với mức trung bình tăng lên 1,63 độ C trong 12 tháng tính đến tháng Năm năm nay.

 

Vào tháng này, một phúc trình từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc cho rằng có 80% khả năng nhiệt độ sẽ tăng trên ngưỡng 1,5 độ C trong một năm tại một thời điểm nào đó trong 5 năm tới.

 

Cách đây chưa đầy 10 năm, khả năng điều này xảy ra được ước tính là gần như bằng không.

 

“WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C tạm thời với tần suất ngày càng tăng”, Phó giám đốc WMO Ko Barrett nói với các phóng viên tại Geneva.

 

Thế giới có thể ở trong tình huống ‘chưa từng xảy ra’

 

Trong chuyên mục của mình trên tạp chí Nature, ông Schmidt lưu ý rằng sự bất thường về nhiệt độ nước biển năm 2023 đã “xuất hiện một cách bất ngờ”.

 

Chuyên gia khí hậu học Gavin Schmidt nói,  “[Nó đã tiết lộ] một khoảng cách kiến thức chưa từng có lần đầu tiên kể từ khoảng 40 năm trước, khi dữ liệu vệ tinh bắt đầu cung cấp cho các chuyên viên xây dựng mô hình một cái nhìn vô song trong thời gian thực về hệ thống khí hậu của Trái đất,”

“Nếu sự bất thường này không ổn định vào tháng Tám – một kỳ vọng hợp lý dựa trên các sự kiện El Niño trước đó – thì thế giới sẽ ở trong tình huống chưa từng xảy ra.”

 

Ông Schmidt cho biết dữ liệu chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu đã làm thay đổi cách thức hoạt động của các hệ thống khí hậu Trái đất, sớm hơn nhiều so với dự đoán của các khoa học gia.
 

 

Điều đó cũng có nghĩa là dự đoán của các khoa học gia đã trở nên kém tin cậy hơn, làm tăng thêm sự không chắc chắn cho các dự báo về hạn hán và lượng mưa.

 

 

‘Biến động tự nhiên’ có thể là nguyên nhân của nhiệt độ kỷ lục

 

Giới khoa học vẫn chưa biết lý do tại sao nhiệt độ bề mặt biển lại tăng mạnh như vậy, nhưng có người cho rằng hiện tượng thời tiết El Niño có thể đã gây ra sự gia tăng đột biến nhiệt độ toàn cầu.

 

“Tôi cho rằng điều đó không có gì đáng lo ngại,” ông Bill Hare, giám đốc của tổ chức nghiên cứu toàn cầu Climate Analytics, nói với SBS News.

 

Ông cho biết một số năm có thể ấm hơn xu hướng nhiệt độ dài hạn, và một số năm khác thì mát hơn, và sự biến đổi tự nhiên trong hệ thống khí hậu dường như “khá lớn”.

 

Các yếu tố khác như ô nhiễm không khí giảm cũng có thể đóng một vai trò nhất định.

 

Nhưng ông Hare nói rằng, rõ ràng là Trái đất đang nóng lên khoảng 0,26 độ sau mỗi 10 năm.

Ông nói “Điều mà mọi người cần hiểu là xu hướng dài hạn đáng báo động – và điều đó sẽ không chậm lại cho đến khi chúng ta giảm phát thải.”

 

Liệu chúng ta vẫn có thể giữ mức nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C?

Ông Hare tin rằng vẫn có thể giữ nhiệt độ thay đổi ở mức mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 độ C, mặc dù thế giới hiện đang gần đạt đến giới hạn đó.

 

Mục tiêu của Paris không dựa trên một năm duy nhất, mà là mức trung bình của 20 năm.

 

Trong thập niên qua, ông Hare cho biết mức nóng lên trung bình đã tăng lên khoảng 1,3-1,4 độ C hàng năm.

 

Ông nói “Mọi người có quyền lo ngại rằng chúng ta có thể đạt đến giới hạn đó nếu không hành động.”

Sự thay đổi nhiệt độ trong những ngày nóng nhất và những đêm lạnh nhất, so sánh sự chênh lệch giữa 1,5C và 2C của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguồn: SBS

 

 

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) dự đoán thế giới có thể đạt mức nóng lên 1,5 độ C sớm nhất là vào năm 2030, nếu không có thay đổi nào đối với các hoạt động của con người.

 

Ông nói “Nếu chúng ta có thể đi vào lộ trình phát thải như phân tích của IPCC – giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và giảm xuống mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì chúng ta sẽ tiến rất gần đến mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C,”

“Khi mọi người nói rằng giới hạn 1,5 độ C đã thất bại, thì thực ra họ không tin rằng chính phủ sẽ hành động đủ để giảm lượng khí thải.”

 

 

Mục tiêu năm 2030 rất quan trọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu

 

Hồi tuần trước, thủ lãnh đối lập Peter Dutton cho biết nếu đắc cử, Liên đảng sẽ từ bỏ mục tiêu giảm phát thải năm 2030 của Úc – mục tiêu này nhằm giảm 43% lượng khí thải carbon so với mức của năm 2005.

 

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vẫn sẽ được giữ nguyên, nhưng ông Dutton cho biết Liên đảng sẽ không tiết lộ mục tiêu năm 2030 cho đến sau cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Chín năm sau.

 

Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton nói rằng đảng Liên minh sẽ không ủng hộ mục tiêu giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030 của Úc nếu được bầu. Nguồn: AAP / Bianca De Marchi

 

 

 

Ông Hare cho biết nếu thế giới không giảm lượng khí thải hơn 40% trong sáu năm tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với thời tiết nóng hơn trong thời gian dài hơn.

 

“Nếu bạn không giảm lượng khí thải thì bạn sẽ thải thêm nhiều carbon dioxide vào khí quyển – điều này sẽ làm nóng hành tinh trong thời gian dài hơn nữa,” ông nói.

 

Ngay cả khi hành động ngay bây giờ, IPCC dự đoán tốc độ nóng lên sẽ chỉ chậm lại và dừng lại vào khoảng năm 2050.

 

 

Hành động vì khí hậu sẽ đem lại lợi ích cho Úc

 

Ông Hare cho biết nước Úc đang phải hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu.

Ông nói "Úc được công nhận là một trong những châu lục dễ bị tổn thương nhất, vì vậy chúng ta có thể đạt được nhiều lợi ích từ việc thế giới thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris.”

 

Một phúc trình đặc biệt của IPCC về tác động của sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C cho thấy căng thẳng đối với nguồn cung cấp nước ngọt ở Úc có thể giảm một nửa nếu nhiệt độ được giữ ở mức 1,5 độ C, thay vì 2 độ C.

 

Tác động của việc thay đổi nhiệt độ và lượng mưa đối với sự thay đổi của quần xã sinh vật của Úc – những khu vực có hệ động thực vật riêng biệt như sa mạc, đồng cỏ và rừng – cũng có thể giảm một nửa.

 

Ở mức nóng lên 2 độ C, nhiều cơn bão cực đoan hơn, lượng mưa cao hơn và mực nước biển dâng cao sẽ khiến Úc có nguy cơ bị lũ lụt tàn phá cao hơn nhiều.

 

Cũng sẽ có nguy cơ cao hơn đối với an ninh lương thực đến từ căng thẳng do nóng và lạnh, lượng mưa cao hơn hoặc hạn hán.

 

Ông Hare cho biết Rạn san hô Great Barrier có rất ít cơ hội sống sót nếu nhiệt độ tăng cao hơn 1,5 độ C.

Ông nói “Khi nhiệt độ đạt đến 1,5 độ C, chúng ta có khả năng mất 70-90% các rạn san hô nhiệt đới”,

“Ở mức nóng lên 2 độ C, hầu như không còn cơ hội nào để bất cứ thứ gì còn sót lại.”