Là một quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Úc đã và đang thay đổi thái độ, trở nên quyết liệt hơn trong việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

 

Cuối tháng 7-2020, Úc liên tiếp đối đầu với Trung Quốc (TQ) về Biển Đông. Mở đầu là việc Canberra đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) để phản đối yêu sách của TQ, sau đó là cuộc “khẩu chiến” giữa Đại sứ Úc tại Ấn Độ và người đồng cấp TQ.

 

Có thể thấy quan điểm của Úc rất rõ ràng: (i) Bác bỏ yêu sách của TQ ở Biển Đông bởi nó không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; (ii) Yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 vụ Philippines kiện TQ; và (iii) Đề nghị TQ không đe dọa, bắt nạt các nước, đồng thời kiềm chế hành xử, không thay đổi hiện trạng Biển Đông.

 

Bước ngoặt Úc thay đổi thái độ

 

Là một cường quốc tầm trung, lâu nay Úc tỏ ra rất thận trọng trong phát biểu quan điểm về vấn đề Biển Đông. Nhiều năm qua, Úc thường chỉ kêu gọi các nước kiềm chế hành xử, giải quyết bằng biện pháp hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Chính quyền Canberra, dù muốn hay không, vẫn giữ thái độ trung lập ngay cả khi TQ có những leo thang căng thẳng ở Biển Đông, như chuyện Bắc Kinh bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực.

 

Tuy nhiên, lập trường mới nhất của Úc được đệ trình lên LHQ và thái độ của các nhà ngoại giao nước này cho thấy Canberra đã bắt đầu thay đổi cách nhìn về yêu sách của Bắc Kinh nói riêng và tranh chấp Biển Đông nói chung. Úc tuyên bố yêu sách của TQ, vốn chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông, là không có cơ sở pháp lý. Điều này đồng điệu với tuyên bố của Mỹ và nhiều quốc gia ASEAN.

 

Căng thẳng giữa Úc và TQ còn được nhấn mạnh trong bối cảnh Úc tuyên bố điều tra nguồn gốc dịch COVID-19, một động thái tương tự Mỹ và Phương Tây nhắm vào trách nhiệm của Bắc Kinh khi để dịch bùng phát. Động thái của Úc đã bị phía TQ phản ứng, thậm chí Bắc Kinh đe dọa sẽ “trả đũa bằng kinh tế”.

 

Không muốn trở thành “con tin” của Trung Quốc

 

Nói đúng hơn là Úc đã thể hiện lập trường rõ ràng về TQ và Biển Đông. Hiện tượng này có thể được giải thích bằng những động lực có ý nghĩa với Úc.

 

Đầu tiên, cần phải nhắc lại vai trò chiến lược của Biển Đông. Theo báo The Sydney Morning Herald, có bốn lý do khiến Biển Đông trở thành một khu vực quan trọng bậc nhất của thế giới. Thứ nhất, đây là vùng biển giàu tàu nguyên, đặc biệt là thủy hải sản. Thứ hai, khoảng 1/3 việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu sẽ đi qua khu vực này, với tổng kim ngạch lên đến hàng ngàn tỷ USD mỗi năm.

 

Tiếp đến, theo ước tính năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông rất cao, có giá trị lên đến khoảng 2,5 ngàn tỷ USD. Cuối cùng, và có thể là yếu tố quan trọng nhất của Biển Đông, việc tuyên bố yêu sách và kiểm soát các thực thể và vùng nước ở Biển Đông sẽ mang lại những lợi thế mang tính chiến lược về quân sự, cũng như đòi hỏi quyền sở hữu tài nguyên.

 

Vai trò của Biển Đông dù đã được nhắc đến từ rất sớm, nhưng Úc là quốc gia không có yêu sách tại đây. Dẫu vậy, là một cường quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tự do hàng hải trong lưu thông hàng hóa và dảm bảo an ninh tại khu vực đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển của Úc. Nếu TQ biến Biển Đông thành ao nhà, Úc vốn đã chịu phụ thuộc TQ khá mạnh sẽ càng trở thành “con tin” của Bắc Kinh trong các hoạt động kinh tế và an ninh.

 

Ví dụ, nếu TQ kiểm soát Biển Đông, Bắc Kinh có thể sẽ “khóa” các tuyến đường hàng hải quan trọng vốn liên quan trực tiếp đến các quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông, thậm chí là Biển Hoa Đông. Sẽ là thiệt hại cho Canberra nếu TQ có thể kiểm soát tuyến hàng hải mà lâu nay khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Úc được vận chuyển sang Nhật Bản. Hồi tháng 7, năm tàu của Úc đã phải đối mặt với các tàu hải quân của TQ tại vùng biển tranh chấp.

 

Tiếp sức Mỹ cũng là tự tiếp sức cho mình

 

Mỹ cũng là một động lực của Úc trong bối cảnh cả hai đều lo ngại sự trỗi dậy “không hòa bình” của TQ tại Biển Đông. Có thể thấy động thái quyết liệt đối đầu TQ của Úc diễn ra sau khi Mỹ đệ trình công thư lên LHQ bác yêu sách của TQ, sau đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục có bản tuyên bố nhấn mạnh lập trường của Mỹ - chống lại chính sách hung hăng của TQ tại Biển Đông.

 

Việc chống TQ bành trướng ở Biển Đông sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều nếu vắng sự hiện diện và tiếng nói của Washington. Dẫu vậy, một thực tế cần được làm rõ là Biển Đông không đơn thuần là câu chuyện riêng giữa Mỹ và TQ. Chính Mỹ cũng không muốn sa lầy vào đối đầu với TQ, bởi mức độ phụ thuộc về lợi ích giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là rất lớn. Thế nên, chính Mỹ cũng cần động lực, cụ thể là sự ủng hộ và đồng hành của đồng minh, đối tác.

 

Dưới thời chính quyền Donald Trump với “Nước Mỹ trên hết”, Mỹ đã quay lưng đáng kể với các thể chế đa phương, thậm chí là đồng minh truyền thống (như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU). Nếu đơn lẻ và không có lợi ích, Washington cũng không ngại quay lưng, hay chí ít là “lờ” Biển Đông.

 

Tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời Giáo sư John Blaxland, Giám đốc Viện Đông Nam Á, ĐH Quốc gia Úc (ANU), cho biết: Các quốc gia khác trong khu vực không muốn Mỹ từ bỏ cam kết an ninh tại Biển Đông. Điều đó có nghĩa rằng, trên thực tế, các quốc gia như Úc, cần phải hành động nhiều hơn. Việc Úc lên tiếng chống lại TQ gửi đi một thông điệp đồng hành với Mỹ và các nước Biển Đông; đồng thời củng cố lập trường của Úc tại vùng biển quan trọng.

 

“Chúng ta đang gửi đến Mỹ một tín hiệu rằng chúng ta muốn họ hiện diện tại khu vực nhiều hơn, và chúng ta đồng thuận với họ rằng cần phải chống trả (yêu sách của TQ). Nếu chúng ta không chống trả, TQ sẽ lấn tới” - Giáo sư John Blaxland nói. Vị này cho biết thêm: “Chúng ta không muốn Mỹ bỏ cuộc, nhưng Mỹ đã thấm mệt (trong việc chống lại TQ) mà không có bất kỳ ai ủng hộ họ.

 

Cuối tháng 7-2020, tại Hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Mỹ - Úc (AUSMIN) giữa bộ ngoại giao và quốc phòng của hai nước, Washington và Canberra đã thống nhất sẽ thực hiện nhiều hơn các cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Động thái này diễn ra sau khi Úc đã nâng cấp hệ thống tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Úc vẫn giữ thận trọng khi chưa hứa hẹn sẽ tham gia tuần tra tự do hàng hải chung với Mỹ trong khu vực 12 hải lý ở một số thực thể mà TQ chiếm đóng trái phép. Qua đó cho thấy trên thực địa, Úc vẫn chưa trực tiếp thách thức TQ.

 

Dù vậy, giới quan sát cho rằng Úc đã hiện diện đáng kể tại Biển Đông so với trước đây. Điều quan trọng nhất là Úc công khai phản đối yêu sách của TQ, ngăn Bắc Kinh thực hiện ý đồ “bình thường hóa” yêu sách đường lưỡi bò, biến các yêu sách và hành xử phi pháp ở Biển Đông trở thành “chuyện đã rồi”. Nếu TQ tiếp tục leo thang, việc Úc tiếp tục tiến hành tuần tra trong khu vực 12 hải lý các thực thể TQ chiếm đóng ở Biển Đông là điều hoàn toàn khả dĩ.

 

(Link nguồn: https://plo.vn/quoc-te/vi-sao-uc-doi-thai-do-quyet-chong-trung-quoc-o-bien-dong-928880.html)