Rác thải nhựa nổi trên mặt hồ Ebrie, thành phố Abidjan, Ivory Coast (Bờ Biển Ngà). (EPA - LEGNAN KOULA). Ảnh: EPA / LEGNAN KOULA/EPA

 

AUSTRALIA – Đảng Lao động tỏ ra cho thấy họ đang rất nỗ lực với môi trường xanh, bất kể những cam kết mà họ đã có với các dự án than và khí đốt mới trong tương lai. Từ thất bại của chương trình tái chế nhựa mềm duy nhất của đất nước, Chính phủ Liên bang hiện đã đưa Úc tham gia vào một liên minh toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040.

 

Manta là một con tàu đặc biệt. Nó là một phần của đội tàu có tên Sea Cleaners của một tổ chức được thành lập vào năm 2016 nhằm thu gom, xử lý và tái chế rác thải nhựa từ đại dương.

 

Và nó không thiếu việc làm.

 

Shane Cuckowtừ Tổ chức Bảo tồn Biển Úc cho biết khoảng 11 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm.

"Những gì chúng tôi biết là ngoài kia có quá nhiều nhựa, đến nỗi chúng tôi thấy mình đã làm đúng hướng. Bởi có quá nhiều nhựa thải ra các đại dương của chúng ta mỗi năm, và lượng ô nhiễm nhựa trong các đại dương của chúng ta sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040."

 

Ông nói, chất thải nhựa đang gây ra rất nhiều thiệt hại.

"Tác động đến động vật hoang dã là rất lớn. Chúng tôi đã thấy những chú rùa con dạt vào các bãi biển trung tâm Queensland với bao tử đầy nhựa. Chúng tôi đã gặp trường hợp cá voi mắc cạn trên bãi biển với hơn một trăm kg nhựa trong bụng. Vì vậy, ngay lúc này chúng ta có thể thấy bằng chứng trước mắt về thiệt hại mà nhựa đang gây ra cho động vật hoang dã trong đại dương của chúng ta."

 

Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới thường niên lần thứ 9 được tổ chức vào tháng 7 năm nay để nói về quy mô của vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trong đại dương.

 

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Đại dương Atsushi Sunami phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh rằng đại dịch COVID đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

"Mọi người phải ở nhà và đặt đồ ăn giao tới nhà. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, chúng tôi đặt bữa trưa rất nhiều, tất cả đều được giao trong các đồ làm bằng nhựa sử dụng một lần. Và thật đáng tiếc khi nhu cầu về nhựa tăng lên do đại dịch... Nhưng tất nhiên, về mặt chính sách, cuộc chiến chống lại đại dịch đối với hầu hết các quốc gia là ưu tiên hàng đầu như nó luôn là như vậy."

 

Làn sóng đó dường như đang thay đổi, khi các chính phủ chấp nhận tính cấp bách của biến đổi khí hậu và các chính sách môi trường bền vững.

 

Liên Minh Khát Vọng Chấm dứt Ô nhiễm Nhựa - The High Ambition Coalition to End Plastic Pollution là một nhóm gồm hơn 30 quốc gia, ủng hộ một hiệp ước nhằm chấm dứt việc sản xuất các mặt hàng nhựa sử dụng một lần.

 

Trong cuộc nói chuyện với chương trình Am của ABC, Tổng trưởng Môi trường Tanya Plibersek thông báo rằng nước Úc gia nhập nhóm và cam kết loại bỏ dần các sản phẩm rác thải nhựa.

"Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải làm những gì mà Úc muốn làm, đó là tăng cường nguyện vọng của chúng tôi trong việc tái chế nhựa, tránh sử dụng nhựa ngay từ đầu ở bất cứ nơi nào chúng tôi có thể, sau đó tái chế hoặc phân rã nhựa mà chúng tôi phải sử dụng."

 

Thông báo đã được hoan nghênh bởi các nhóm như Quỹ Toàn cầu về Thiên nhiên - Worldwide Fund for Nature gọi tắt là WWF.

 

Các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc chủ trì về một hiệp ước chính thức về nhựa thải sắp diễn ra và Kate Noble của WWF nói rằng điều này đặt Úc vào vị trí quan trọng.

"Các cuộc đàm phán đó chính thức bắt đầu vào cuối tháng 11. Vì vậy, đây là một quá trình thực sự phức tạp, là một quá trình thực sự quan trọng và nó đưa ra một hướng đi phía trước để đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu ở cấp độ quốc tế."

 

Shane Cucow của Tổ chức Bảo tồn Biển Úc cho biết hiệp ước này có nghĩa là các quy tắc mới đối với nhựa trên toàn thế giới.

"Điều này có nghĩa là Úc đã thực sự cam kết sẽ đi đầu trên trường quốc tế nhằm thúc đẩy một hiệp ước toàn cầu về nhựa. Hiệp ước này có tính ràng buộc bao gồm những thứ như quy tắc toàn cầu về giảm việc sử dụng nhựa xuống mức có thể kiểm soát được, và tăng cường sử dụng đồ tái chế. Đồng thời cũng quy định ngay từ đầu về những thứ có thể được sản xuất, vì vậy chúng ta sẽ không còn thấy hàng hóa và bao bì nhựa không thể tái chế trên thị trường nữa."

 

Nhưng Kate Noble của WWF lo ngại rằng ngay cả loại hành động toàn cầu này cũng có thể bị hủy hoại nếu không có những sáng kiến mạnh mẽ của địa phương.

"Những gì chúng tôi biết từ nghiên cứu là hiện tại thế giới có chính sách và giải pháp công nghệ để giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm nhựa, đồng thời giảm lượng sản xuất và tiêu thụ. Giờ đây, một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa không phải là viên đạn bạc. Để nó có hiệu quả thì cần phải thực sự hành động pháp lý mạnh mẽ nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhựa và tăng cường tái chế - và nó cần được thực hiện bởi tất cả các quốc gia, bao gồm cả Úc."

 

Một sáng kiến như vậy - REDCycle, đã thu gom nhựa mềm tại các siêu thị Coles và Woolworths và gửi chúng cho bên thứ ba để tái chế thành những thứ như vật liệu làm đường xá, các thanh bo hàng rào trồng trọt cho nhà vườn và ghế công viên.

 

Nhưng chương trình này đã tạm thời ngừng hoạt động, gây ra sự thất vọng lan rộng trong công chúng Úc.

 

Công ty cho biết họ đã trải qua một đợt thu gom tăng mạnh trong đại dịch COVID-19, nhưng các đối tác của họ không chấp nhận đồ tái chế của họ, buộc họ phải dự trữ nhựa tại các nhà kho.

 

Bộ trưởng Môi trường của Victoria, Lily D'Ambrosio nói rằng đó là thứ mà các siêu thị cần phải chịu trách nhiệm.

"Doanh nghiệp Úc, những nhà tiêu dùng lớn và nhà sản xuất nhựa lớn, đồng thời cũng là những người tiêu dùng nhựa lớn - cũng cần thực hiện trách nhiệm của công ty để không chỉ nhận được lợi ích từ việc thúc đẩy thu gom nhựa mềm mà còn tham gia vào việc đưa ra các giải pháp thực sự cần thiết khi có vấn đề phát sinh."

 

Một sáng kiến khác, Chương trình Bãi biển Không có Nhựa - the Plastic Free Beaches Program, là một nỗ lực với Boomerang Alliance nhằm giảm lượng nhựa sử dụng một lần trong các quán cà phê trên bờ biển.

 

Và ở nhiều tiểu bang, các vật dụng như dao kéo, dĩa và chén bằng nhựa đang được loại bỏ dần.

 

Tuy nhiên, với tư cách là giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà bán lẻ Úc Paul Zahra nói với SBS News vào hồi đầu tháng này rằng thật khó để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa khi không phải tất cả mọi người đều có chung quan điểm.

"Vấn đề hiện tại là làm sao để mô hình liên kết của chúng ta hoạt động. Chúng ta có các tiểu bang và khu vực tài phán làm việc của riêng họ. Đó là vấn đề tương tự như chúng ta đã thấy qua Covid."

 

Bất chấp những thách thức, Tanya Plibersek vẫn lạc quan.

 

Bà nói rằng chính phủ sẵn sàng đầu tư hàng triệu đô-la vào cơ sở hạ tầng phù hợp - và bản thân người Úc cũng rất quan tâm.

"Chúng tôi biết rằng người Úc rất quan tâm đến việc làm sao để tái chế nhựa tốt hơn. Nếu bạn hỏi người Úc, 80% nói rằng điều quan trọng là phải xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn tái chế ở Úc. Ba phần tư dân Úc tìm kiếm biểu tượng tái chế khi họ mua hàng hóa trong siêu thị. Vì vậy, người Úc muốn tái chế."