Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm trước cuộc hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow (Mạc Tư Khoa), ngày 10/05/2025. REUTERS - Anton Vaganov
The Economist tuần này dành bốn bài viết về Việt Nam, nhận định tuy rất thành công nhờ đổi mới, mô hình phát triển nay không còn hiệu quả trong tình hình mới, và tổng bí thư Tô Lâm đang ra sức cải cách. Đây là cơ hội cuối cùng, nếu thành công có thể đưa 100 triệu người Việt vào thế giới các nước phát triển.
Courrier International kỳ nàyđiều tra về việc làm ăn của những kẻ đưa người vượt biên. Le Point nói về « Người khách bất ngờ » Bruno Retailleau vừa trở thành chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) với hy vọng sẽ là ứng cử viên tổng thống kỳ tới. Le Nouvel Obs tố cáo « Những kẻ tước đoạt di sản », một loại tội phạm mới ở Pháp. Trong năm qua, tư pháp phải xử nhiều vụ lạm dụng, người già vào lúc cuối đời chuyển những số tiền lớn cho hộ lý, người thân, bạn bè…trong những điều kiện đáng ngờ. L’Express dành hồ sơ cho « Báo cáo đặc biệt: Những mối đe dọa mới dưới cái nhìn của CIA », với trang bìa là chân dung Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong Un và giáo chủ Iran.
Đi tìm một phép mầu thứ hai
Đặc biệt The Economist tuy chạy tít trang bìa « Sự trỗi dậy ấn tượng của Ba Lan », nhưng dành nhiều bài viết cho Việt Nam. Tuần báo đăng hình vẽ tổng bí thư Tô Lâm với nhận định, nhân vật cứng rắn của đảng cộng sản Việt Nam cần phải cứu vãn được sự thành công lớn lao của Việt Nam.
Cách đây 50 năm, những người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn, để lại phía sau một nước nghèo bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay Sài Gòn gọi theo tên mới Thành phố Hồ Chí Minh, là một đô thị trên 9 triệu dân đầy những cao ốc và các thương hiệu nổi tiếng. Có thể cho rằng đây là lúc để mừng thắng lợi của Việt Nam: xóa được tình trạng cực nghèo, nằm trong số mười nước xuất cảng nhiều nhất sang Hoa Kỳ, là trung tâm sản xuất cho các đại công ty như Apple, Samsung. Nhưng trên thực tế Việt Nam có những khó khăn phải vượt qua.
Muốn vượt được, và để chứng tỏ rằng các nền kinh tế mới nổi vẫn có thể trở thành nước phát triển, Việt Nam phải thực hiện được phép mầu thứ hai. Việt Nam phải tìm ra những phương cách mới để làm giàu bất chấp chiến tranh thương mại, và nhà lãnh đạo cứng rắn đang cầm quyền phải tự biến mình thành nhà cải cách. Ông Tô Lâm không hẳn là một Margaret Thatcher. Ông trở thành tổng bí thư năm ngoái. Nhưng ông nhìn nhận rằng phương thức phát triển của đất nước, sắp sửa không còn tác dụng.
Ưu thế đang giảm dần, Việt Nam lại bị Mỹ áp thuế
Sách lược đổi mới trong thập niên 80 đã mở cửa cho thương mại và doanh nghiệp tư nhân, cùng với lao động rẻ và tình hình chánh trị ổn định, đã biến Việt Nam thành nơi có thể thay thế cho Trung Quốc. Đất nước này đã thu hút 230 tỉ đô-la đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, trở thành người khổng lồ về lắp ráp thiết bị điện tử. Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản, các nước Tây phương đều có nhà máy tại đây. Thập niên vừa qua, Việt Nam có tăng trưởng hàng năm 6 %, nhanh hơn Ấn Độ và Trung Quốc.
Vấn đề trước mắt là thương chiến: Việt Nam đứng thứ năm trong số nước có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Ông Donald Trump đe dọa đánh thuế 46 % nhưng có thể thương lượng để giảm xuống: Việt Nam đã khôn khéo tặng một loạt món quà để làm hài lòng tổng thống và các đồng minh, nhất là thỏa thuận với SpaceX và mua phi cơ Boeing. Hôm 21/05, Eric Trump đã khởi công một phức hợp Trump ở Việt Nam.
Nhưng dù mức thuế có được giảm bớt, đó vẫn là cơn ác mộng: Việt Nam đã mất đi tính cạnh tranh, tiền lương nay cao hơn Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Và nếu đổi lại, Mỹ đòi Việt Nam phải thanh lọc nền kinh tế khỏi công nghệ và vốn đầu tư Trung Quốc, sẽ làm rối loạn thế cân bằng địa chánh trị tinh tế mà cho đến nay Hà Nội rất thành công. Cũng như nhiều nước Á châu khác, Việt Nam tìm cách tự vệ trước một nước Mỹ kém tin cậy và Trung Quốc thích hiếp đáp - kẻ thù từ ngàn xưa và đang tranh giành biển đảo của Việt Nam.
Từ « đốt lò », đến thiêu hủy mô hình kinh tế cũ
Cuộc khủng hoảng thương mại và địa chánh trị diễn ra trong bối cảnh lão hóa dân số và môi trường xuống cấp, từ đất Đồng bằng sông Cửu Long bị bào mòn cho đến ô nhiễm không khí vì than đá. Ông Tô Lâm tạo dựng tên tuổi bằng cách tổ chức thực hiện « đốt lò », và nay thì phải « đốt » cả mô hình kinh tế cũ. Ông đặt kỳ vọng rất cao khi tuyên bố về « kỷ nguyên vươn mình của dân tộc », với mục tiêu tăng trưởng hai chữ số đến 2030. Tô Lâm cũng có những loan báo ngoạn mục, nhất là tăng gấp bốn lần ngân sách cho khoa học, công nghệ ; doanh thu hàng năm 100 tỉ đô-la từ chất bán dẫn đến 2050.
Nhưng để tránh khỏi trì trệ, ông Tô Lâm phải đi xa hơn qua việc tấn công vào vấn đề cố hữu của các nước đang phát triển, khi chiến lược làm giàu bằng xuất cảng đang trở nên phức tạp. Phép lạ tăng trưởng của Việt Nam chỉ tập trung vào một số địa điểm. Các tập đoàn đa quốc gia khai thác những nhà máy quy mô làm hàng xuất cảng, sử dụng lao động địa phương nhưng nhập nguyên liệu từ nước ngoài, nên Việt Nam không được hưởng giá trị tăng thêm.
Một ít tập đoàn thân hữu đang thống trị, đặc biệt trong lãnh vực bất động sản và ngân hàng. Không công ty nào có năng lực cạnh tranh trên toàn cầu, kể cả VinFast, công ty con của Vingroup. Các công ty quốc doanh kém hiệu quả vẫn giữ nhiều lãnh vực từ năng lượng đến viễn thông. Để sự thịnh vượng được đồng đều hơn, ông Tô Lâm phải tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và những đơn vị mới. Muốn vậy phải chấm dứt việc gây khó dễ khi cấp giấy phép, giúp các công ty nhỏ có được tín dụng bằng cách chấn chỉnh lãnh vực ngân hàng đang bị tham nhũng hoành hành. Một đạo luật vừa được ban hành nhằm bãi bỏ thuế đánh vào các công ty gia đình và tăng cường bảo vệ pháp lý cho doanh nghiệp, nhưng ông Lâm còn phải tự do hóa các trường đại học để thúc đẩy sáng tạo.
Cơ hội cuối cùng để Việt Nam giàu lên trước khi già đi
Nhưng rủi ro cũng nằm ở đó. Chánh trị tự do hơn sẽ có lợi cho người dân Việt, đóng góp vào sự phát triển, nhưng Trung Quốc chứng tỏ điều quan trọng trước mắt là đối phó với các nhóm lợi ích đang thâu tóm tài nguyên. Có thể bắt đầu bằng việc buộc giới tài phiệt phải cạnh tranh với quốc tế, nếu không sẽ mất đi sự hỗ trợ của Nhà nước, như Nam Hàn đã làm với các chaebol. Thường thì giới này có gốc lớn trong bộ máy nhà cầm quyền và đảng cộng sản.
Điều đáng khích lệ là Tô Lâm đã bắt đầu công cuộc tái cơ cấu đầy tham vọng, sa thải 100.000 công chức, sáp nhập số tỉnh còn phân nửa, tại một đất nước mà vùng miền tạo ra các phe phái trong đảng. Nhiều bộ cũng bị giải thể. Tất cả sẽ giúp cải tiến bộ máy quan liêu, nhưng cũng là phương cách tuyệt vời để tạo ra những kẻ thù. Cũng như Tập Cận Bình, Tô Lâm tập trung quyền lực để cải tổ, nhưng lại gây sợ hãi và tâm lý phục tùng.
Nếu ông thất bại, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trung tâm sản xuất có ít giá trị tăng thêm, và bỏ lỡ thời cơ. Ngược lại nếu ông thành công, một cuộc « đổi mới » lần thứ hai sẽ đưa 100 triệu người Việt bước vào thế giới của những nước phát triển, tạo ra động cơ tăng trưởng mới ở Á châu và giảm nguy cơ rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo The Economist, đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam giàu lên trước khi già đi. Vận mệnh đất nước nằm trong tay ông Tô Lâm, nhà cải cách ít được ưa thích nhất nhưng lại quan trọng nhất ở Á châu.
« Ngoại giao cây tre » và những người bạn mới
Tuần báo Anh cũng dành ba bài viết khác về Việt Nam. « Bình minh hay hoàng hôn? Kinh tế Việt Nam đang bùng nổ, nhưng tân lãnh đạo đang lo ngại ». « Việt Nam, nằm kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tìm kiếm những người bạn mới ». « Cộng đồng người Việt hải ngoại đang định hình lại đất nước mà cha ông họ đã rời bỏ ».
The Economist lưu ý rằng dù mục tiêu về chất bán dẫn đầy tham vọng, nhưng Việt Nam chỉ mới có 5.000 kỹ sư trong ngành này. Từ nay đến 2030, còn cần thêm 15.000 nhà thiết kế chip và 10.000 kỹ sư lắp ráp. Đào tạo không gắn liền thực tiễn: ngay cả các sinh viên kỹ thuật cũng phải dành đến một phần tư thời gian để học về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về ngoại giao, ít có quốc gia nào bị mắc kẹt về địa chánh trị nhiều như Việt Nam, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại trọng yếu. Người tiền nhiệm của Tô Lâm là cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện « ngoại giao cây tre ». Các nước không liên kết khác cũng gặp khó khăn, nhưng dù không lên án cuộc xâm lăng Ukraine, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều như Ấn Độ và Nam Phi. Ông Tô Lâm còn ra sức nối kết các quan hệ mới về thương mại, ngoại giao và quân sự, đã đi thăm 13 nước kể từ khi lên làm tổng bí thư tháng 8/2024.
Mục đích của chuyến đi vòng quanh thế giới là gì? Một sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Liên Hiệp Âu Châu, giúp bù lại xuất cảng sang Mỹ giảm. Nga có thể giúp xây dựng các nhà máy điện nguyên tử có giá thành thấp, Nam Hàn (Đại Hàn) cung cấp võ khí. Ông Lâm cũng quan tâm đến các quốc gia trung bình, từ khối CPTPP cho đến ASEAN.
Việt kiều góp phần thay đổi đất nước
Chiến tranh Việt Nam kết thúc với đông đảo người miền Nam phải chạy trốn cộng sản, đã tạo nên một cộng đồng người Việt hải ngoại thuộc loại đông đảo nhất thế giới. Ngày nay có khoảng 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia, từ Hoa Kỳ đến Âu châu. Mỗi năm họ gởi về chừng 16 tỉ đô-la kiều hối, một trong những lượng kiều hối lớn nhất Á châu, cao hơn hẳn so với Nam Dương (Indonesia), Thái Lan.
Nhưng còn hơn cả tiền bạc, Việt kiều đã làm thay đổi đất nước. Họ quay về cùng với con cái, mang theo không chỉ sự giàu có, mà cả kỹ năng và căn bản giáo dục từ ngoại quốc. Làn sóng này khởi động một cách chậm chạp từ thập niên 90, khi nhà cầm quyền VN bắt đầu gọi Việt kiều là « một bộ phận không thể tách rời của dân tộc », mở cửa cho kinh tế thị trường.
Những người Việt trẻ tuổi cũng muốn gắn bó với nguồn cội, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một thanh niên lớn lên ở Mỹ, nay sống ở Sài Gòn, cho biết nhiều Việt kiều trẻ phàn nàn rằng những người xung quanh cứ nói tiếng Anh với họ trong khi họ đang cố nói chuyện bằng tiếng Việt. Họ cũng vấp phải sự phản đối của cha mẹ, vốn chỉ biết đến một Việt Nam khác.
Macron đến Việt Nam: Pháp tìm cơ hội đầu tư, Hà Nội muốn khẳng định vị thế
Cũng liên quan đến Việt Nam, Le Figaro số cuối tuần cho biết « Tại Đông Nam Á, Macron muốn điều hòa giữa Trump và Tập ». Chuyến công du ba nước Việt Nam, Indonesia và Singapore có thể là một trắc nghiệm cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của tổng thống Pháp. Ở Việt Nam, ê-kíp Pháp đang « phục kích » để được tham gia dự án tàu cao tốc (TGV) nối Hà Nội với Sài Gòn dài 1.500 cây số (km) trị giá 67 tỉ đô-la, nhưng phải cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và Nhật Bản. Tập đoàn điện lực Pháp EDF cũng quan tâm đến chương trình nguyên tử dân sự, tuy Nga, Mỹ, Nhật đã đặt chân vào. Pháp hiện chỉ chiếm 0,5 % thị phần ở Việt Nam, là đối tác thứ 21, bị các nước Á châu như Nam Hàn, Nhật Bản bỏ xa.
Ông Adam Koulaksezian, giám đốc Phòng Thương mại Pháp-Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Pháp vẫn còn những lá bài trong tay. Thời điểm tổng thống Emmanuel Macron đến thăm rất thích hợp, sau chuyến đi của Tập Cận Bình và vào lúc Việt Nam đang thương lượng với Mỹ. Chuyên gia nghiên cứu Khang Vu của Boston College giải thích, Việt Nam không muốn chọn phe và đang cố gắng gia tăng quan hệ hợp tác với nhiều nước.
Chuyên gia Benoit de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (IRSEM) nhận xét, Hà Nội rất mong đợi chuyến thăm của tổng thống Pháp, nhờ đó có thể nói với Bắc Kinh rằng Việt Nam chẳng phải là chư hầu, đang được nhiều nước săn đón. Nhưng thị trường này cũng khó thâm nhập, và chịu đựng áp lực từ hai đối tác lớn. Trong khi Washington kêu gọi Hà Nội giữ khoảng cách với Bắc Kinh, đảng vẫn không muốn làm phật lòng người láng giềng khổng lồ, bằng chứng là tuyến đường sắt mới nối Hải Phòng với biên giới Trung Quốc.
Chữ Quốc ngữ giúp Việt Nam thoát Trung, hướng về văn minh Tây phương
Cũng về Việt Nam nhưng trên lãnh vực văn hóa, Courrier Internationale trích dịch Mekong Review, nói về sự khai sinh chữ Quốc ngữ. Từ lâu phải dùng chữ Hán, tiếng Việt đã được chuyển sang chữ viết La-tinh nhờ sự xuất hiện của các nhà truyền giáo Tây phương.
Sự đô hộ của Trung Quốc kết thúc vào năm 938 với chiến thắng Bạch Đằng, khởi đầu vương quốc Việt độc lập. Tuy nhiên hàng năm Việt Nam phải tiếp tục triều cống, ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa vẫn phổ biến trong giới tinh hoa, văn bản chánh thức dùng chữ Hán đến đầu thế kỷ 20. Nhưng với tinh thần dân tộc, các nhà lãnh đạo luôn nhấn mạnh đến những chiến thắng trước giặc ngoại xâm và việc đấu tranh chống nguy cơ bị đồng hóa.
Các nhà truyền giáo Âu châu đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 16. Khao khát truyền bá tín ngưỡng, họ phải nhanh chóng học tiếng địa phương và giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes năm 1651 xuất bản cuốn tự điển Việt-Bồ-La. Dưới thời thực dân Pháp, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chánh thức của Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, hàng ngàn sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ được in ra, các khoa thi chữ Hán bị chánh thức bãi bỏ từ 1919.
Dễ học hơn chữ Hán, Quốc ngữ giúp nhanh chóng gia tăng số người biết đọc biết viết, được giới trí thức ủng hộ, mang lại tiềm năng thoát khỏi cái bóng Trung Quốc, hướng về văn minh Tây phương. Dù có nguồn gốc thuộc địa, chữ Quốc ngữ góp phần tạo thành bản sắc Việt. Đất nước này cũng hãnh diện đã thay được chữ Hán bằng mẫu tự la-tinh, điều mà Trung Quốc không làm nổi. Một nhà văn đã đến viếng mộ giáo sĩ Alexandre de Rhodes ở Teheran thổ lộ: « Chữ Quốc ngữ giúp chúng tôi cất cánh và phát triển trên thế giới ».
(Theo RFI)