Các tàu Hải Cảnh Trung Quốc giám sát việc phân phối nhiên liệu và thực phẩm cho ngư dân của Liên minh Atin Ito (Đây là của Chúng tôi) do thường dân lãnh đạo, ở Biển Đông vốn đang trong tình trạng tranh chấp, hôm 16/05/2024. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP qua Getty Images)

 

 

Bà Bonny Lin, tác giả của báo cáo, cho biết: ‘Chúng ta cần nghĩ đến việc xác định Hải Cảnh Trung Quốc là một phần của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.’

 

Theo các chuyên gia từ một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Đài Loan có nguy cơ sẽ nhượng lại một số quyền tự trị của mình cho Trung Quốc cộng sản nếu Bắc Kinh quyết định gây ra tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho hòn đảo này thông qua việc cô lập “vùng xám.”

 

Trong một báo cáo công bố đầu tháng này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cảnh báo rằng việc chính quyền Trung Quốc sẽ sớm cô lập Đài Loan là “khả thi hơn” (“more feasible”) so với việc xâm lược hoặc phong tỏa hòn đảo tự trị này.

 

Cô lập (quarantine) là một “hoạt động do cơ quan chấp pháp lãnh đạo để kiểm soát giao thông hàng hải hoặc hàng không trong một khu vực cụ thể,” nói cách khác là sử dụng các quy định quan thuế (customs rules) để sách nhiễu tàu thuyền. Trong một hành động cô lập, quân đội Trung Quốc “sẽ đóng vai phụ.” Ngược lại, một cuộc phong tỏa nhằm ngăn chặn mọi hoạt động giao thông hàng hải được coi là hành động chiến tranh theo luật pháp quốc tế.

 

Báo cáo này cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ điều động các tàu hoạt động dưới sự chỉ thị của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, Cục An toàn Hàng hải, và dân quân hàng hải để thực hiện một sự cô lập hàng hải.

 

Báo cáo có đoạn, trích, “Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng hải cảnh và chấp pháp pháp dân sự sẽ làm phức tạp thêm khả năng ứng phó của Hoa Kỳ và các bên trong khu vực”.

 

Cũng theo báo cáo này, không giống như một cuộc xâm lược của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm dừng hoạt động thương mại qua Eo biển Đài Loan, tình thế cô lập sẽ không có được tác động như vậy. Eo biển Đài Loan, một vùng biển hẹp ngăn cách Trung Quốc và Đài Loan, là một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

 

Báo cáo có đoạn, trích, “Một sự cô lập không đòi hỏi phải đóng cửa hoặc hạn chế giao thông quốc tế qua Eo biển Đài Loan—một hành động mà các quốc gia khác có thể sử dụng làm lý do biện minh để can thiệp nhằm trợ giúp Đài Loan và bảo vệ các quyền hợp pháp quốc tế đối với tự do hàng hải”.

 

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi Đài Loan là một trong những lãnh thổ của mình và có ý định thôn tính hòn đảo này, ngay cả khi hòn đảo này trên thực tế là một quốc gia độc lập có chính phủ được bầu cử dân chủ của riêng họ. Năm ngoái, Giám đốc CIA William Burns cho biết lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội của ông sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027.

 

Bà Bonny Lin, một trong những tác giả của báo cáo và là giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc CSIS, gần đây nói với The Epoch Times rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện những cuộc chiến giả lập cùng với các đồng minh và đối tác thân cận liên quan đến viễn cảnh xảy ra một sự cô lập.

 

Một trong những khuyến nghị mà bà Lin đưa ra là nên hợp tác với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong nhiều cuộc tập trận giả lập hơn.

Bà nói: “Khuyến nghị thứ hai là khuyến khích hợp tác của Lực lượng Tuần duyên nhiều hơn giữa Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác của chúng ta cũng như các đồng minh của chúng ta với Đài Loan.”

“Khuyến nghị thứ ba mà chúng tôi cũng đưa ra là chúng ta cần nghĩ đến việc xác định lực lượng hải cảnh Trung Quốc là một phần của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.”

“Hải Cảnh Trung Quốc không hoạt động giống như một lực lượng tuần duyên thông thường; trên thực tế, họ hoạt động giống quân đội hơn. Và không có lý do gì chúng ta phải coi lực lượng hải cảnh của Trung Quốc chỉ là một tổ chức dân sự.”

 

Theo báo cáo, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là một tổ chức bán quân sự chịu trách nhiệm với cơ quan quân sự hàng đầu của ĐCSTQ, Quân ủy Trung ương. Đây là lực lượng bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới, vận hành hơn 150 tàu viễn dương và hơn 400 tàu nhỏ hơn.

 

 

Cô lập hàng hải

Bản báo cáo xem xét hai tình huống có thể xảy ra tình trạng cô lập hàng hải và giải thích rằng những trường hợp này “phù hợp với các hoạt động và năng lực mà Trung Quốc đã thể hiện qua các hoạt động trước đây.”

 

Theo báo cáo, trong cả hai trường hợp, chính quyền Trung Quốc sẽ bắt đầu bằng việc công bố “các quy định kiểm tra quan thuế nâng cao,” yêu cầu các tàu chở hàng và tàu chở dầu phải “nộp tờ khai quan thuế trước với nhà chức trách của Trung Quốc” trước khi tiến vào các cảng của Đài Loan. Biện pháp mới này sẽ có hiệu lực sau 48 tiếng.

 

Trích báo cáo: “Các tàu của lực lượng chấp pháp của Trung Quốc sẽ được cho phép lên tàu, tiến hành kiểm tra tại chỗ, thẩm vấn nhân viên, và thực hiện các biện pháp khác đối với các tàu nào không tuân thủ. Chính quyền Trung Quốc cũng đe dọa phạt tiền và hạn chế tiếp cận thị trường đối với các công ty coi thường các quy định mới này.”

 

Trong tình huống thứ nhất, mà báo cáo gọi là cô lập hàng hải có giới hạn, Trung Quốc sẽ điều động hơn 10 tàu tuần tra chấp pháp ngoài khơi Cao Hùng, một trong những cảng lớn ở miền nam Đài Loan. Một đội tàu nhỏ hơn sẽ neo đậu ngoài khơi các cảng lớn ở Đài Bắc và thành phố Đài Trung ở miền trung Đài Loan.

 

Theo báo cáo, các đoàn tàu ​​này sẽ “xâm nhập vào vùng tiếp giáp 24 hải lý của Đài Loan và đôi khi tiếp cận ranh giới lãnh hải 12 hải lý.” Trung Quốc sẽ điều động khoảng 20 tàu dân quân hàng hải để trợ giúp hoạt động này.

 

Để ngăn chặn sự can thiệp của các nước khác và chống lại những sự đáp trả có thể xảy ra từ phía hải quân Đài Loan, hải quân Trung Quốc sẽ điều động khoảng 30 khu trục hạm, khinh hạm, các tàu trợ giúp, và tiềm thủy đỉnh tấn công để bao vây Đài Loan ở các địa điểm khác nhau.

 

Báo cáo viết, “Bắc Kinh không cần có sự tuân thủ toàn bộ các quy định về quan thuế thì mới khẳng định thành công. Khoảng 75% các công ty vận tải biển tuân thủ sẽ là một thành công đáng kể đối với Trung Quốc”, và cho biết thêm rằng biện pháp cô lập như vậy có thể kéo dài khoảng bảy ngày.

 

Báo cáo nhận định rằng chính quyền Trung Quốc cũng có thể tiến hành một sự cô lập hàng hải toàn diện, mà đây sẽ là phiên bản “mở rộng” của trường hợp thứ nhất. Trong tình huống thứ hai, Bắc Kinh sẽ cử một đội tàu tuần tra chấp pháp lớn hơn để bao vây Đài Loan, nhắm vào vài cảng khác ngoài các cảng ở Đài Bắc, Đài Trung, và Cao Hùng.

 

Bắc Kinh cũng sẽ điều động hàng không mẫu hạm Sơn Đông và đội tấn công của mẫu hạm này tới vùng biển phía đông nam Đài Loan.

 

“Trong tình huống [thứ hai] này, Trung Quốc tích cực hơn nhiều trong việc lên tàu và tìm kiếm tàu ​​thuyền,” báo cáo ghi. “Các lực lượng của Trung Quốc chặn ít nhất một hoặc hai tàu mỗi ngày trong thời gian cô lập, tập trung chủ yếu vào các tàu mang cờ Đài Loan.”

 

Báo cáo nói rằng việc cô lập hàng hải toàn diện như vậy sẽ kéo dài hơn hai tuần, điều này sẽ khiến Đài Loan phải chịu “sự sụt giảm đáng kể và đáng chú ý về thương mại hàng hóa” do hoạt động thực thi quan thuế của ĐCSTQ.

 

 

Trung Quốc

Báo cáo giải thích mục tiêu của ĐCSTQ không phải là phong tỏa hoàn toàn Đài Loan trong cả hai tình huống này.

 

Báo cáo cho biết, “Thay vào đó, các chiến dịch này có chủ đích là để trừng phạt Đài Loan, khẳng định chủ quyền mà Bắc Kinh tuyên bố đối với hòn đảo này, kiểm tra phản ứng từ các công ty vận tải biển quốc tế, và gây áp lực đáng kể lên Đài Loan,”

“Ngay cả khi được thực hiện thành công, thì vẫn có những giới hạn đối với những gì mà việc cô lập có thể đạt được.

“Nếu mục tiêu của Bắc Kinh là gây ra đủ tổn thất để buộc Đài Loan phải đầu hàng, thì Trung Quốc sẽ cần phải vượt ra khỏi vùng xám này để tiến hành hành động quân sự công khai. Một cuộc phong tỏa quân sự sẽ là một lựa chọn quan trọng đối với Trung Quốc nếu nước này tìm cách thống nhất Đài Loan bằng vũ lực mà không tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện.”

 

Báo cáo đề cập đến một cuộc khảo sát của CSIS được công bố hồi tháng Một, cho thấy chỉ 13% chuyên gia Hoa Kỳ và 9% chuyên gia Đài Loan “hoàn toàn tin tưởng” rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan tránh khỏi tình thế cô lập. Ngược lại, nếu ĐCSTQ phát động một cuộc xâm lược toàn diện, thì mức độ tin tưởng đó sẽ tăng lên với 46% chuyên gia Hoa Kỳ và 49% chuyên gia Đài Loan tin vào điều đó.

 

Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan. Việc này bị ràng buộc theo luật, Đạo luật Quan hệ Đài Loan, phải cung cấp cho hòn đảo này các phương tiện để tự vệ.

 

 

(Epochtimes Việt ngữ - Cẩm An biên dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)

 

 

 

 

Frank Fang

 

BTV EPOCH TIMES ANH NGỮ

Anh Frank Fang là ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

 

 

 

 

Eva Fu

 

Phóng viên

Eva Fu là cây viết của The Epoch Times có trụ sở tại New York, chuyên viết về đề tài chính trị Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ-Trung, tự do tôn giáo và nhân quyền.