Tính đến 6h ngày 27/7, theo Worldometers, toàn cầu ghi nhận 16.394.459 người mắc Covid-19, trong đó có 651.505 trường hợp tử vong, 10.029.919 bệnh nhân bình phục và 66.173 bệnh nhân nguy kịch.

 

 

Lần đầu Ấn Độ 'đứng trên đỉnh' thế giới về số ca mắc mới, đứng thứ 2 toàn cầu về số ca tử vong do Covid-19. (Nguồn: PTI)

 

 

Hiện hơn 50% tổng số người nhiễm bệnh được ghi nhận tại châu Mỹ, trong đó, Mỹ chiếm 1/2 tổng số ca mắc bệnh toàn châu lục và 1/4 tổng số ca bệnh toàn cầu.

 

Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 4.366.041, trong đó, số tử vong tăng lên 149.773 người. Sau khi có dấu hiệu giảm trong giai đoạn cuối mùa Xuân, tỷ lệ lây nhiễm tại Mỹ lại tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt ở các tiểu bang phía Nam và phía Tây như California, Texas, Alabama và Florida.

 

Trong 12 ngày qua, số ca mắc mới tại Mỹ mỗi ngày đều vượt ngưỡng 60.000. Giới khoa học nhận định khoảng 3 đến 4 tuần sau khi tỷ lệ lây nhiễm tăng thì tỷ lệ tử vong cũng sẽ bắt đầu tăng. Trên thực tế, số ca tử vong trong ngày tại Mỹ liên tục vượt mức 1.000 trong 4 ngày gần đây.

 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề sau Mỹ là Brazil với gần 2,42 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 87.004 ca tử vong.

 

Cũng tại khu vực Mỹ Latinh, trong 24 giờ qua, Mexico ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới, với 729 trường hơp, nâng tổng số người thiệt mạng lên 43.374/385.036 ca nhiễm bệnh, cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Brazil và Anh.

 

Bộ Y tế Peru thông báo số ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này đã lên đến 18.030 người, tăng 187 ca. Trong khi đó, số ca mắc mới trong một ngày qua là 3.923 người, nâng tổng số ca mắc lên 379.884.

 

Từ ngày 1/7, Peru chấm dứt biện pháp phong tỏa toàn quốc và bước vào giai đoạn nới lỏng từng bước nhằm khôi phục các hoạt động xã hội và tái khởi động nền kinh tế. Tổng thống Peru Martin Vizcarra trước đó khẳng định, Chính phủ đã chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó nếu Covid-19 bùng phát trở lại, thậm chí là tái ban bố lệnh phong tỏa khi diễn biến xấu đi.

 

Tại Chile, Bộ Y tế thông báo phát hiện thêm 2.198 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 lên 345.790, trong đó có 9.112 ca tử vong.

Châu Á đang trở thành điểm nóng Covid-19 với số ca nhiễm mới ở nhiều nước tăng nhanh trở lại. Tổng số ca nhiễm ở châu lục này đã lên tới 3.900.136 trong đó có 89.967 trường hợp tử vong.

 

Ấn Độ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất châu lục và cao thứ 3 thế giới sau Mỹ, Brazil. Theo Worldometers, trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, vượt 50.000 ca lên 50.525. Đây cũng là ngày Ấn Độ ghi nhận số người nhiễm bệnh mới cao nhất thế giới.

 

Bên cạnh đó, số ca tử vong trong 24 giờ qua của Ấn Độ cũng tăng cao, đứng thứ 2 thế giới sau Mexico. Tính tới nay, Ấn Độ ghi nhận 1.436.019 người mắc Covid-19, trong đó có 32.810 ca tử vong và 918.735 người bình phục.

 

Thủ tướng Narendra Modi khẳng định, dịch Covid-19 tại Ấn Độ sẽ còn kéo dài. Ông Modi cho biết, mặc dù tỷ lệ hồi phục của các bệnh nhân cao hơn so với nhiều quốc gia khác và tỷ lệ tử vong thấp hơn nhưng tại nhiều nơi, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan rất nhanh và mọi người cần phải cảnh giác cao độ. 

 

Ấn Độ đã thực hiện tổng cộng 16 triệu lượt xét nghiệm Covid-19, trong đó có khoảng 442.000 xét nghiệm trong cùng ngày, tăng gấp đôi so với mức 220.000 xét nghiệm/ngày hồi đầu tháng 7. Như vậy, tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 của Ấn Độ đã tăng lên đến 11.485/1 triệu dân. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 158.981 của Mỹ và chỉ bằng một nửa so với 23.094 của Brazil.

 

Kế hoạch mở cửa giai đoạn hai (trong số ba giai đoạn) của Ấn Độ sẽ kết thúc vào ngày 31/7 tới, nhưng theo các quan chức cấp cao, chính quyền nước này nhiều khả năng sẽ không cho phép mở lại trường học trong giai đoạn nới lỏng tiếp theo dự kiến vào tuần tới. Các dịch vụ tàu điện ngầm cũng sẽ không được sớm nối lại. Bên cạnh đó, các địa điểm khác như phòng gym, bể bơi và các cuộc tụ tập đông người cũng có thể sẽ tiếp tục bị cấm.

 

* Tại Nam Hàn, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (KCDC) cho biết, ngày 26/7 ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống dưới 60 ca, một ngày sau khi thông báo số ca mắc trong ngày cao nhất trong gần 4 tháng.

 

Cụ thể, Nam Hàn xác nhận thêm 58 ca mắc, trong đó có 46 ca nhập khẩu, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 14.150 ca. Một ngày trước đó, số ca mắc mới tại Nam Hàn là 113 ca, trong đó có 86 ca là lao động Nam Hàn từ nước ngoài về và các thuyền viên trên tàu cá của Nga neo đậu ở thành phố Busan.

 

Bắc Hàn đã áp dụng biện pháp phong tỏa thành phố biên giới Keasong sau khi phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên. Nếu được xác nhận, đây sẽ là ca bệnh Covid-19 đầu tiên được báo cáo chính thức tại Triều Tiên.

 

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un,  đã chủ trì cuộc họp khẩn ngày 25/7 để triển khai "một hệ thống khẩn cấp và cảnh báo ở cấp độ cao nhất" nhằm khống chế dịch bệnh với nhận định rằng "có thể nói loại virus nguy hiểm đã xâm nhập" vào quốc gia này.

 

Theo KCNA, ca nghi nhiễm là một người vượt biên trái phép từ Nam Hàn để trở về quốc gia này hôm 19/7. Bệnh nhân và những người từng tiếp xúc đang được cách ly nghiêm ngặt. 

 

* Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) thông báo ghi nhận thêm 46 ca mắc Covid-19, trong đó có 35 ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

 

Trong khi đó, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã thông báo siết chặt các quy định miễn cách ly khi vùng lãnh thổ này ghi nhận thêm 128 ca nhiễm mới trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 2.634 ca, trong đó có 18 ca tử vong.

 

Theo đó, từ ngày 29/7, Hong Kong sẽ không cho phần lớn các tàu thay đổi thủy thủ đoàn trong vùng lãnh thổ này. Chỉ có những tàu chở hàng có điểm đến là Hong Kong mới có thể thay thủy thủ đoàn, song các thủy thủ sẽ không được phép sống trong cộng đồng, mà phải đến thẳng địa điểm cách ly đã được chỉ định.

 

Sau khi dường như không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng trong nhiều tuần, số ca nhiễm mới tại Hong Kong đã tăng gấp 3 lần/ngày, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh đang lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Kể từ đầu tháng 7, hơn 1.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại Hong Kong, chiếm hơn 40% trong tổng số các ca nhiễm nơi đây kể từ cuối tháng 1. 

 

* Tại Đông Nam ÁIndonesia có thêm 1.492 ca nhiễm mới và 67 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 98.778 và 4.781 ca tử vong. 

 

Philippines ghi nhận thêm 2.110 ca nhiễm mới và 39 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 80.448 và 1.932 ca tử vong.

 

Singapore có thêm 481 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 50.369 người. Trong số các ca nhiễm mới có 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 4 ca từ bên ngoài vào, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly. Đến nay, Singapore đã có 45.352 người được chữa khỏi và xuất viện, 27 ca tử vong.

 

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã chấp thuận đề xuất của Bộ Y tế tạm thời đình chỉ các chuyến bay từ Indonesia và Malaysia từ ngày 1/8 cho đến khi tình hình dịch Covid-19 tại 2 quốc gia kể trên giảm bớt.

 

Bộ Y tế Campuchia cho biết, từ ngày 20/6 đến ngày 25/7 đã phát hiện số lượng hành khách đến Campuchia nhiễm Covid-19 trên các chuyến bay từ Malaysia và Indonesia gia tăng. Đã có 55 trường hợp trong tổng số 108 trường hợp nhiễm Covid-19 là hành khách từ Malaysia.

 

Bộ Y tế Campuchia cũng lưu ý, từ tháng 8-9, Campuchia sẽ tổ chức nhiều lễ hội nên phải nâng cao cảnh giác để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo Bộ này, tính đến 25/7, Campuchia đã phát hiện 225 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

 

* Tại châu Âu, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 26/7 đã bày tỏ sự ủng hộ quyết định của Chính phủ áp dụng lệnh cách ly 14 ngày với các du khách tới từ Tây Ban Nha, vốn đang gây ra sự hoang mang và giận dữ từ nhiều du khách.

 

Việc Chính phủ Anh đưa Tây Ban Nha ra khỏi danh sách các nước an toàn về dịch bệnh Covid-19 đã được công bố vào tối 25/7 và có hiệu lực ngay lập tức chỉ vài giờ sau đó, khiến cho nhiều du khách không kịp ứng phó. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Raab cho rằng, đây là một quyết định kịp thời nhằm đối phó trước số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trở lại ở Tây Ban Nha. 

 

Bên cạnh đó, một nguồn tin từ Chính phủ cùng ngày cho biết, London có thể sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc người nhập cảnh Anh từ một số nước, với cả công dân Anh và người nước ngoài. 

 

Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu khác đang cân nhắc áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các chuyến bay trong nội khối.

 

Hy Lạp thông báo người nhập cảnh bằng đường hàng không từ Romania và Bulgaria từ ngày 28/7 sẽ phải xuất trình giấy xác nhận đã kiểm tra xét nghiệm Covid-19 72 giờ trước khi lên máy bay. Số ca mắc Covid-19 đã tăng mạnh ở Romania và Bulgaria trong tháng 7, với Bulgaria tăng 50% trong khi Romania tăng gấp 4 lần.

 

Đức cũng chứng kiến sự gia tăng số ca mắc những ngày gần đây. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết, đang cân nhắc khả năng người đến từ một số nước khu vực Tây Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải có giấy xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh. Tỷ lệ lây nhiễm tại Đức trong ngày 25/7 đã tăng lên 1,08 so với mức 0,93 ngày 23/7.  

 

Pháp cũng yêu cầu người nhập cảnh từ 16 nước ngoài EU trong danh sách Pháp đã công bố bắt buộc phải kiểm tra Covid-19 khi vào Pháp, đồng thời không loại trừ khả năng có thể sẽ phải tái áp lệnh phong tỏa, dù ưu tiên của Pháp hiện nay vẫn là "phòng ngừa" và phong tỏa cục bộ ở những địa phương có số ca mắc tăng đột biến.   

 

Trong tuần qua, Hà Lan, Áo, Thụy Sỹ, Ba Lan, Italy, và Monaco cũng đều thông báo ghi nhận số ca mắc tăng mạnh.