Tính đến 6h ngày 29/4 (giờ GMT+7), thế giới ghi nhận 3,131,568 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do coronavirus (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 217,188 ca tử vong và 951,299 bệnh nhân bình phục.

 

Trong 24 giờ qua, số người nhiễm bệnh Covid-19 tại Mỹ tăng thêm 21,146 lên 1,031,502, trong đó có 58.706 người thiệt mạng, tăng thêm 1,909. Số ca tử vong trong ngày tăng trở lại lên xấp xỉ 2.000 ca sau 2 ngày giảm xuống hơn 1,000.

 

Tính tới thời điểm hiện tại, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ hiếm 1/3 tổng số ca mắc trên toàn thế giới, trong đó số ca tử vong chiếm 1/4.

 

Dù số liệu thống kê này cao một phần do dân số Mỹ đông, bên cạnh đó, Mỹ đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, đến nay đã có 5.846.276 người được xét nghiệm, song cũng cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại của dịch Covid-19 tại cường quốc lớn nhất thế giới này. Trong khi dịch đã có dấu hiệu giảm tốc tại các nước "tâm dịch" khác thì tại Mỹ lại chưa thấy rõ được xu thế tương tự.

 

Theo một nhóm nghiên cứu chuyên theo dõi số liệu về dịch Covid-19 trên cả nước Mỹ, hiện số ca tử vong đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, với khoảng 24,000-41,000 ca mắc mới và khoảng 1,200-2,600 ca tử vong mỗi ngày.

 

Trong khi một số tiểu bang tại Mỹ đã bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế khi cho phép các cửa hàng và dịch vụ mở cửa trở lại, giới chuyên gia cảnh báo, việc giảm số lượng ca mắc mới sẽ mất thời gian lâu hơn nhiều so với tốc độ tăng cao trong tháng 4.

 

Tổng thống Donald Trump ngày 28/4 cho biết, nước này đang cân nhắc xét nghiệm coronavirus đối với hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến từ những điểm nóng của đại dịch Covid-19 hiện nay.

 

* Ngày 28/4, bác sĩ Jarbas Barbosa, chi nhánh châu Mỹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhận định, diễn biến Covid-19 tại Mỹ Latinh hiện tương tự như ở châu Âu cách đây 6 tuần, với mức gia tăng nhanh chóng số ca mắc và xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong vài tuần tới.

 

Ông Barbosa kêu chính phủ các nước trong khu vực không "mất cảnh giác" và tăng cường các nỗ lực cải thiện hệ thống y tế, trong bối cảnh một số lãnh đạo trong khu vực đã công khai ý định giảm nhẹ hoặc ngừng biện pháp cách ly do quan ngại tình trạng tê liệt về kinh tế.

 

Trước vấn đề này, WHO từng ra thông cáo cảnh báo thiệt hại về kinh tế có thể sẽ lớn hơn nếu các nước dỡ bỏ sớm các biện pháp phòng ngừa để khôi phục hoạt động kinh tế.

 

WHO cũng cảnh báo, cho dù nhiệt độ không phải là yếu tố then chốt trong việc lây nhiễm coronavirus song việc mùa đông tới gần tại các nước ở Nam bán cầu, trong đó có hầu hết khu vực Nam Mỹ, có thể còn đẩy nhanh hơn nữa tốc độ lây nhiễm hiện tại.

 

Brazil - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ Latinh - đã ghi nhận hơn 5,000 trường hợp tử vong vì đại dịch này sau khi xác nhận thêm 520 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tính tới nay, số người mắc Covid-19 ở Brazil đã tăng lên 72,899 trường hợp.

 

Với 5,063 người tử vong, Brazil đã vượt Trung Quốc - nơi bùng phát dịch và lây lan ra toàn thế giới.

 

Chính phủ Brazil đã thông báo quyết định gia hạn 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh bằng đường không đối với người nước ngoài như một biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ "phi mã" ở quốc gia Nam Mỹ. Theo báo giới Brazil, lệnh cấm nhập cảnh sẽ chỉ áp dụng với người nước ngoài và loại trừ công dân Brazil.

 

* Ngày 28/4, theo WorldometersItaly thông báo ghi nhận thêm 2,091 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 201,505, số ca tử vong tăng lên 27,359 trường hợp (tăng 382 ca) và số ca hồi phục là 68,941 người (tăng 2,317 người).

 

Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý Đại Lợi, hiện có 19,723 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1,863 ca, giảm 93 trường hợp.

 

Thủ tướng Giuseppe Conte nhấn mạnh, nguy cơ lây nhiễm trở lại hay bùng phát các ổ dịch là rất rõ ràng, do đó, Ý Đại Lợi sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng nhưng thận trọng. Theo kế hoạch, nước này sẽ triển khai khai giai đoạn 2 từ ngày 4/5. Hơn 4,5 triệu người dân sẽ quay trở lại làm việc và sẽ tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm, đó là lý do các trường học vẫn phải đóng cửa.

 

* Bộ trưởng Y tế Anh Quốc, Matt Hancock, thông báo số ca tử vong do Covid-19 tại các bệnh viện của Anh đã tăng thêm 586 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên thành 21,678 người. Số ca nhiễm Covid-19 ở Anh hiện là 161,145, tăng 3,996 trường hợp trong 24 giờ qua

 

* Tại Pháp, số ca tử vong vì coronavirus đã lên tới 23,660 người (tăng 367 ca trong 24 giờ), trong đó có 14,810 người ở bệnh viện (tăng 313 ca) và 8,850 người ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội (tăng 54 ca). Số người nhiễm bệnh hiện tại là 165,911 ca, tăng 2,638 trường hợp.

 

Hiện có 27.484 người đang nằm viện (giảm 571 trường hợp so với hôm trước), trong đó 4,387 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 221 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 20 ngày qua.

 

Chiều 28/4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã trình bày trước Quốc hội kế hoạch của Chính phủ về việc nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 11/5. Kế hoạch này được 75 nghị sĩ, đại diện cho tổng số 577 thành viên Quốc hội, tranh luận trước khi đưa ra quyết định thông qua bỏ phiếu.

 

Sau giai đoạn nới lỏng đầu tiên vào ngày 11/5, giai đoạn hai sẽ bắt đầu từ ngày 2/6 và kéo dài trong 3 tuần, với các biện pháp phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học sẽ từng bước mở cửa từ 11/5, một số trường trung học cơ sở từ 18/5. Học sinh trung học phổ thông sẽ không đến trường trước tháng 6.

 

Thủ tướng Philippe tái khẳng định mục tiêu của Chính phủ là 700,000 xét nghiệm/tuần kể từ ngày 11/5. Những người được xác nhận dương tính sẽ có 2 sự lựa chọn cách ly: hoặc tại các khách sạn mà nhà nước tạm thời trưng dụng, hoặc tại nhà riêng trong trường hợp cả gia đình chấp nhận cùng cách ly với người bệnh trong 14 ngày.

 

* Ngày 28/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã thông báo một kế hoạch gồm 4 giai đoạn nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc, được áp đặt để kiểm soát một trong những nơi bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới, với mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trước cuối tháng 6.

 

Thủ tướng Sanchez cho biết, việc dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt sẽ bắt đầu vào ngày 4/5 và khác nhau giữa các vùng, phụ thuộc vào các nhân tố như tỷ lệ mắc bệnh, số giường trong khu điều trị đặc biệt tại mỗi địa phương cũng như cách mỗi vùng tuân thủ các quy tắc giãn cách.

 

Hiện Tây Ban Nha ghi nhận 232,128 ca nhiễm Covid-19 (tăng 2,706 ca trong 24 giờ qua) với 23,822 trường hợp tử vong (tăng 301 ca). Tây Ban Nha là nước có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới sau Mỹ, trong khi số ca tử vong cao thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Italy.

 

* Ngày 28/4, Hạ viện Czech thông qua quyết định cho phép Chính phủ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 17/5 để ứng phó với dịch Covid-19.

 

Đây là lần thứ 2 Hạ viện Czech thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp. Trước đó, tình trạng khẩp cấp có hiệu trong vòng 30 ngày do Chính phủ ban bố và có hiệu lực từ ngày 12/3, đã được gia hạn lần thứ nhất đến ngày 30/4.

 

Tính đến ngày 28/4, Czech đã ghi nhận 7,504 ca mắc Covid-19, trong đó 227 trường hợp tử vong và 2,948 người được điều trị bình phục.

 

* Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ghi nhận thêm 92 ca tử vong do nhiễm coronavirus trong vòng 24 giờ qua, duy trì xu hướng giảm trong những ngày gần đây, nâng tổng số ca tử vong lên 2,992 người.

 

Số ca mắc Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thêm 2,392 trường hợp, nâng tổng số ca mắc lên thành 114,653 người, con số cao nhất bên ngoài Tây Âu và Mỹ. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tổng cộng 38,809 bệnh nhân đã hồi phục.

 

* Ngày 28/4, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed al-Mandhari cảnh báo, dịch Covid-19 có thể bùng phát và tác động tới các vùng xung đột ở Trung Đông như Syria, Libya và Yemen.

 

Theo ông al-Mandhari, nhiều năm hỗn loạn và xung đột đã hủy hoại cơ sở hạ tầng y tế ở những nước này, khiến những người dân vốn đã chịu nhiều tổn thương dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm khi họ phải đương đầu với những khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản.

 

Còn một thách thức nghiêm trọng khác ở những quốc gia này là sự chia rẽ chính trị, vốn thường cản trở việc chia sẻ thông tin và gây khó khăn trong việc tiếp cận vì mục đích nhân đạo ở những nước này.

 

Ông al-Mandhari cho rằng, việc sớm dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng lây nhiễm coronavirus bật tăng trở lại một cách không thể kiểm soát nổi và xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai.

 

* Tại Saudi Arabia, các ca mắc Covid-19 đã vượt 20,000 người sau khi ghi nhận thêm 1,266 ca trong 24 giờ qua. Quốc gia Trung Đông này xác nhận thêm 8 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 152 người.

 

Trong tổng số 20.077 ca mắc Covid-19 trên toàn Saudi Arabia có 16,141 ca phải điều trị tích cực trong khi 118 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

 

* Bộ Y tế Ai Cập cho hay ghi nhận thêm 260 trường hợp nhiễm coronavirus, nâng tổng ca mắc bệnh lên 5,042 người. Số bệnh nhân tử vong do mắc Covid-19 cũng tăng thêm 22 người, nâng tổng số ca tử vong lên tới 359.

 

Ai Cập cũng ghi nhận thêm 68 người khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân bình phục lên 1,304.