Deepseek đối chọi với ChatGPT © AP
THẾ GIỚI - Trung Quốc đã trở thành một « cường quốc về công nghệ tiên tiến », không chỉ « đi sau » Hoa Kỳ. Các tập đoàn Mỹ trông cậy vào sức mạnh của sự sáng tạo và đồng tiền để phát triển trí thông minh (trí tuệ) nhân tạo AI. Deepseek đang chứng minh rằng đó không là con đường duy nhất để đến đích. Viễn cảnh Bắc Kinh áp đảo thế giới với hàng rẻ low cost kể cả về công nghệ mới đặt Washington trong thế « bất an ».
Washington vừa công bố kế hoạch « Stargate 500 tỷ đô-la », một dự án đầu tư khổng lồ để phát triển công nghệ trí thông minh (trí tuệ) nhân tạo, logo con cá voi xanh Trung Quốc của Deepseek làm rung chuyển từ thung lũng công nghệ Silicon ở California đến tận sàn chứng khoán Wall Street tại New York. Lý do « một phiên bản Trung Quốc của ChatGPT được cho là thông minh hơn, gọn nhẹ hơn và hiệu quả hơn » so với các công cụ của Mỹ.
Bắc Kinh thách thức thung lũng công nghệ Silicon
Những tên tuổi lớn ở thung lũng công nghệ California đã phải thừa nhận là với ứng dụng Deepseek, Bắc Kinh « đã tung một đòn lợi hại » trong trận chiến AI. Hiện tại còn rất nhiều những câu hỏi chung quanh công cụ « trợ giúp thông minh » của Trung Quốc, một công cụ tìm kiếm và hỗ trợ miễn phí, nhưng theo Daniel Andler, một triết gia và cũng là một chuyên gia nghiên cứu về toán và khoa học người Mỹ, lịch sử đã chứng minh rằng, cứ mỗi lần mà một công cụ sản xuất, hay một dịch vụ không còn là một thứ xa xỉ phẩm mà trở thành một mặt hàng đại chúng thì đó là một sự « đảo lộn ».
Trong trường hợp này, Deepseek đã mang lại nhiều sự đảo lộn cùng một lúc mà đầu tiên hết là một « bước đại nhẩy vọt của Trung Quốc về mặt kỹ thuật và giá cả ».
Công ty khởi nghiệp ở Hàng Châu do doanh nhân còn trẻ tuổi Lương Văn Phong lập ra mới chỉ cách này 2 năm, đã trình làng một công cụ « hiệu quả tương đương, thậm chí là thông minh hơn » so với các đối thủ cạnh tranh ở Hoa Kỳ. Deepseek cũng đã được phát triển từ những thiết bị « thô thiển hơn » so với những gì mà các kỹ sư ở Mỹ đã có trong tay để « nuôi dưỡng trí thông minh (trí tuệ) nhân tạo ».
Để có được « sản phẩm mới », căn cứ vào các thông tin chính thức của Deepseek, ứng dùng này chỉ cần chưa đầy 6 triệu đô-la để phát triển. Trong khi đó Open AI với ChatGPT của Mỹ do tỷ phú Sam Altman điều hành phải đầu tư hơn 100 triệu đô-la.
« Hàng rẻ » higt tech Trung Quốc sẽ tràn ngập thế giới
Với ứng dụng « thông minh » của Deepseek Trung Quốc có điều kiện để trở thành « công xưởng » của thế giới kể cả trong những lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất. Guillaume Graillet, phóng viên của tuần báo Pháp Le Point phụ trách mục công nghệ cao, nói đến một sự « phục thù » của Bắc Kinh
« Đây là một sự phục thù, như ông Lý Khai Phục (Kai Fu Lee) một doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã dự báo trong một cuốn sách ông cho ra mắt độc giả đã từ khá lâu nay. Về trận chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về trí thông minh nhân tạo, họ Lý đã trông thấy trước một ngày nào đó Trung Quốc sẽ vượt trội, nhờ mô hình mã nguồn mở -open source. Ngoài ra, thành công của Deepseek cũng là thất bại của các chính sách kềm tỏa công nghệ Trung Quốc phát triển mà chính quyền Biden đã theo đuổi và chắc chắn là tổng thống Trump sẽ còn mạnh tay hơn. Điểm thứ ba ở đây là Trung Quốc, trên nguyên tắc, đã phát triển ứng dụng thông minh từ những bọ điện tử không thuộc thế hệ tiên tiến nhất -thậm chí là bị chậm mất so với các đối thủ ở Mỹ đến 2 thế hệ về chip điện tử, vậy mà họ vẫn có những sản phẩm rất tốt. Điều này làm tôi liên tưởng đến trường hợp của Hoa Vi. Mỹ cũng đã tìm mọi cách để ngăn cản công ty cung cấp thiết bị viễn thông này phát triển, nhưng họ vẫn hoạt động rất tốt ở Phi châu và nhiều nơi trên thế giới ».
Chiến lược của các doanh nghiệp Mỹ hết hiệu quả ?
Gilles Babinet, đồng chủ tịch Hội Đồng Quốc Gia về Công Nghệ Kỹ Thuật Số của Pháp nhấn mạnh nếu như Mỹ trông cậy vào những trung tâm xử ký dữ liệu cồng kềnh, mà tiêu biểu nhất là thông báo của Tòa Bạch Cung đầu tư 500 tỷ đô-la để xây dựng các « data center » khổng lồ, thì trái lại, Trung Quốc tập trung vào một mô hình « gọn và nhẹ » ít hao tốn năng lượng hơn.
« Trung Quốc là yếu tố mới khuynh đảo chiến lược phát triển của các đại tập đoàn công nghệ cao ở Hoa Kỳ. Mỹ dựa vào sức mạnh của sự sáng tạo và của đồng tiền. Các ông chủ trong lĩnh vực high tech ở Mỹ chủ trương đầu tư thật nhiều tiền, lấy đó làm vũ khí để triệt hạ hết các đối thủ cạnh tranh. Họ chủ trương mở những trung tâm tính toán dữ liệu -data center - khổng lồ để không một ai đủ vốn và đủ sức mở những data center khác to hơn là của Mỹ. Hoa Kỳ hiện trong giai đoạn xây dựng các data center kiểu này. Nhưng cần phải nói đây là các khoản đầu từ chưa thu về được lãi. Trong lúc mà Hoa Kỳ đầu tư biết bao nhiêu tiền của để mở các ‘nhà máy’ tính toán các dữ liệu (data) vô cùng lớn, và vô cùng mạnh thì Deepseek bắt mọi người phải giật mình : công ty khởi nghiệp này không cần những data center đồ sộ như của Mỹ mà vẫn có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả như các đối thủ Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy tiền bạc và khả năng huy động thật nhiều vốn không là những yếu tố quyết định duy nhất để phát triển »
Yếu tố Mỹ trong sự thành công của Trung Quốc
Không được tiếp cận với các thiết bị hiện đại như Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có nhiều cách xoay xở khác nhau. Vẫn ông Gilles Babinet, thuộc Hội Đồng Quốc Gia về Công Nghệ Kỹ Thuật Số của Pháp cho rằng, vô hình chung, chính sách trừng phạt của Mỹ đã tạo lực đẩy cho những công ty Trung Quốc như Deepseek :
« Mỹ áp dụng chính sách ‘lấy thịt đè người. Mang rất nhiều tiền ra để thiên hạ khiếp sợ. Không ai có điều kiện để đầu tư như Mỹ và do vậy họ chỉ đi theo sau và phải dựa vào các doanh nghiệp Mỹ. Sam Altman, chủ nhân Open AI từ một năm rưỡi nay đã loan báo cho ra đời những sản phẩm mới, nhưng vẫn chưa thấy ChatGPT thế hệ 5 xuất hiện trên thị trường. Trong khi đó thì công ty khởi nghiệp của Trung Quốc lại có những ứng dụng thông minh hiệu quả. Đây là một thành công về mặt khoa học, bởi vì Trung Quốc sử dụng một phương pháp khác để phát triển AI. Họ cũng bắt buộc phải đi tìm một con đường khác. Lý do là, dưới tác động của các chính sách trừng phạt Washington ban hành, các hãng Trung Quốc không tiếp cận được với các loại chip tiên tiến nhất. Bản thân hãng cung cấp thiết bị Nvidia, một tập đoàn của Mỹ đã thừa nhận rằng cấm xuất cảng cho Trung Quốc cũng vô ích, bởi Trung Quốc có khả năng phát triển những ứng dụng hiệu quả từ những bọ điện tử không thuộc dòng ‘đẳng cấp’ nhất. Deepseek chứng minh rằng dù chỉ được sử dụng chip đi sau đến 2 thế hệ so với các đối thủ ở Hoa Kỳ, trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc vẫn lợi hại ».
AI và vế địa chính trị
Liệu rằng trí thông minh (trí tuệ) nhân tạo Trung Quốc đang « xào lại » bàn cờ địa chính trị trên thế giới hay không khi mà ngay cả trong một lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như AI, theo sát nút Hoa Kỳ không phải là Âu châu hay Nhật Bản, Nam Hàn mà lại là một công ty khởi nghiệp ít được biết đến của Trung Quốc.
Charles Thibout, chuyên nghiên cứu về khía cạnh địa chính trị trong mảng công nghiệp kỹ thuật số, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp cho rằng còn quá sớm để kết luận là Trung Quốc đang làm thay đổi cục diện chiến trận AI :
« Sự xuất hiện của công ty khởi nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh (trí tuệ) nhân tạo là một điều đáng khích lệ về mặt sáng tạo và kỹ thuật. Tuy nhiên tôi không dám nghĩ rằng Deepseek làm thay đổi bàn cờ trong trận đấu về AI giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Với công cụ thông minh để hỗ trợ người sử dụng này, Trung Quốc đã có một bước ‘đại nhẩy vọt’ để giành được một chỗ đứng ngang hàng với Mỹ trong một lĩnh vực còn rất mới mẻ. Nhưng bước kế tiếp, chúng ta phải tìm hiểu xem công cụ này được sử dụng như thế nào, để dùng vào việc gì … Tất cả mới chỉ bắt đầu, chưa thể biết được Deepseek hữu ích đến đâu ».
Hết thành kiến về vai trò của Đảng và sự sáng tạo ?
Cũng chuyên gia Charles Thibout viện IRIS thận trọng cho rằng, trong các thông cáo chính thức của Trung Quốc về những thành tích vượt bực của ứng dụng Deepseek cũng có một phần yếu tố « tuyên truyền » để chứng minh rằng, không gì kềm tỏa được quyết tâm của Bắc Kinh trở thành một cường quốc công nghệ thời đại kỹ thuật số.
Điều đó không cấm cản, sự trỗi dậy của Deepseek là một bằng chứng cho thấy rằng, chính sách kiểm duyệt của đảng Cộng Sản Trung Quốc không hoàn toàn bóp ngạt sức sáng tạo và khả năng đổi mới trong làng công nghệ cao của quốc gia này.
Về phía Hoa Kỳ, Ngũ Giác Đại từ lâu nay đã theo dõi sát tiến trình phát triển công nghệ cao của Trung Quốc kể từ khi quốc gia Á châu này đề ra mục tiêu làm chủ công nghệ « thông minh nhân tạo ».
« Từ lâu nay Hoa Kỳ đã theo dõi sát tiến trình phát triển công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là từ khi Bắc Kinh công bố kế hoạch phát triển AI. Năm 2014, Ngũ Giác Đài đã có hẳn một chiến lược phát triển công nghệ tránh để bị Trung Quốc qua mặt về quân sự và trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Năm 2017 Bắc Kinh khởi động một kế hoạch quy mô để phát triển công nghệ trí thông minh (trí tuệ) nhân tạo. Trong giai đoạn 2017-2025 hàng năm Trung Quốc đầu tư 70 tỷ đô-la cho AI và từ khi đó AI trở thành một vấn đề về địa chính trị. Cũng 2017, ở Moscow ông Vladimir Putin giải thích quyền lực trên thế giới thuộc về quốc gia nào làm chủ công nghệ AI. Từ khi đó tất cả mọi người đều chú ý đến AI ».
Trung Quốc và Mỹ chia nhau thị trường thế giới
Nói cách khác, không ai ngạc nhiên trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực trí thông minh (trí tuệ) nhân tạo nói riêng, trong thế giới « high tech » nói chung khi biết rằng từ hơn một thập niên qua, Bắc Kinh đã có hẳn chiến lược phát triển công nghệ cao.
Chỉ riêng về AI, trong lúc tại Hoa Lục có hơn 4500 công ty chỉ tập trung phát triển các công cụ hỗ trợ thông minh thì Pháp hiện mới chỉ có từ 600 đến 800 star up mạo hiểm trong một lĩnh vực còn mới mẻ này.
Một điểm nổi bật khác là vào lúc mà giới trong ngành chú ý vào những tiến bộ hay kế hoạch đầu tư của các tập đoàn lớn ở Trung Quốc như Baidu chẳng hạn thì những bước đột phá lại xuất phát từ những công ty nhỏ, ít được truyền thông nhắc tới. Cũng chính nhờ ít « nổi tiếng » nên những doanh nghiệp như Deepseek mới dễ xoay xở và thoát lưới trừng phạt của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, như bà Rebecca Arcesati, thuộc trung tâm nghiên cứu Merics của Đức chuyên về hồ sơ Trung Quốc ghi nhận « hiện tượng » Deepseek làm chính giới ở Washington rúng động bởi Bắc Kinh đang thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ kể cả trong những lĩnh vực mà đến nay Mỹ vẫn tự coi là « một mình một chợ ». Tâm trạng đó chắc chắn sẽ là củi lửa để các doanh nghiệp Mỹ và nhất là Ngũ Giác Đài tăng tốc các chương trình phát triển « công nghệ thông minh » để tiếp tục thống lĩnh toàn cầu.
(Theo RFI)